Trong xây dựng dự toán chi thường xuyên năm 2023, Bộ Tài chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương phải chi tiết theo từng lĩnh vực chi, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả, đáp ứng các nhiệm vụ chính trị quan trọng, thực hiện đầy đủ các chính sách, chế độ Nhà nước đã ban hành, nhất là chính sách chi cho con người, chi an sinh xã hội, các chính sách cho người dân.

Tiết kiệm tất cả các khoản chi tiêu công

Theo hướng dẫn của Bộ Tài chính, trên cơ sở Luật Ngân sách nhà nước (NSNN), Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản hướng dẫn có liên quan, các bộ, cơ quan trung ương và địa phương trong dự toán chi mua sắm, bảo dưỡng, sửa chữa tài sản phải căn cứ quy định về tiêu chuẩn, định mức và chế độ quản lý, sử dụng tài sản công hiện hành; kinh phí sửa chữa, bảo trì cơ sở vật chất theo quy định. Không bố trí chi thường xuyên cho các nhiệm vụ mới về cải tạo, nâng cấp, mở rộng theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư công và các văn bản hướng dẫn. Riêng đối với lĩnh vực quốc phòng, an ninh thực hiện theo Nghị định 165/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng NSNN đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh và Nghị định số 01/2020/NĐ-CP của Chính phủ.

Quản lý chặt chẽ, đảm bảo chi ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả
Nguồn tiết kiệm chi thường xuyên được dành để chi tăng lương và chi cho an sinh xã hội.

Dự toán chi thường xuyên năm 2023 nguồn NSNN của cơ quan quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể xây dựng gắn với việc triển khai Kết luận số 28-KL/TW; trong đó, quỹ lương tính theo biên chế được giao (nếu có), hoặc theo Kết luận số 28-KL/TW, trên cơ sở đó, xác định cụ thể các tác động tăng, hoặc giảm quỹ lương năm 2023 so với năm 2022. Theo đó, Bộ Tài chính yêu cầu phải đảm bảo triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên, đặc biệt là chi mua sắm công, đi công tác trong và ngoài nước, sử dụng xe ô tô công, tổ chức hội nghị, hội thảo, nghiên cứu, khảo sát, tiết kiệm điện, xăng dầu.

Việc tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương đã thực hiện nhiều năm nay, vẫn phải triển khai theo quy định, đồng thời tiết kiệm thêm bình quân 10% chi thường xuyên NSNN so với dự toán năm 2022 của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước ngay từ khâu xây dựng dự toán. Trong đó, trừ các khoản chi tiền lương, phụ cấp theo lương, các khoản chi có tính chất lương, các khoản chi cho con người theo chế độ và các khoản chi đặc thù không thể cắt giảm như đóng niên liễm, chi theo các hợp đồng cung ứng hàng hoá, dịch vụ đã ký kết từ trước và tiếp tục thực hiện trong năm 2023. Việc tiết kiệm nêu trên dành nguồn tăng chi đầu tư phát triển và các nhiệm vụ cấp bách khác thuộc trách nhiệm chi của các cấp ngân sách theo phân cấp.

Giảm biên chế sẽ góp phần giảm mạnh chi thường xuyên

Muốn giảm chi thường xuyên, phải giảm được cơ cấu tổ chức bộ máy, giảm biên chế. Hiện nay, bộ máy hành chính vẫn rất cồng kềnh khiến nguồn ngân sách chi thường xuyên dành cho bộ máy, con người rất lớn, hạn chế nguồn ngân sách dành cho chi đầu tư phát triển, chi cho cải cách tiền lương, an sinh xã hội…

Trước thực tế đó, chủ trương của Đảng, Nhà nước là đẩy mạnh tinh giản biên chế, nhằm xây dựng bộ máy hành chính tinh gọn, hiệu quả. Các bộ, ngành, địa phương hiện đang quyết liệt thực hiện việc tinh giản biên chế theo chủ trương của Đảng, Nhà nước. Việc kiểm soát tốt giao dự toán chi thường xuyên của các đơn vị gắn với tinh giản biên chế là một trong những biện pháp hiệu quả để giảm chi thường xuyên - lĩnh vực chiếm phần rất lớn từ ngân sách hiện nay.

Tiết kiệm thêm 10% từ khâu dự toán

Việc tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương đã thực hiện nhiều năm nay, vẫn phải triển khai theo quy định, đồng thời tiết kiệm thêm bình quân 10% chi thường xuyên ngân sách nhà nước so với dự toán năm 2022 của các cơ quan quản lý hành chính nhà nước ngay từ khâu xây dựng dự toán.

Cho ý kiến về vấn đề này, nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình cho rằng, chi NSNN phải sắp xếp lại, cơ cấu lại theo hướng thực hiện sắp xếp lại tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, tiết kiệm triệt để các khoản chi thường xuyên, đồng thời đổi mới khu vực sự nghiệp công, nâng cao năng lực tự chủ, giảm phần chi trực tiếp từ NSNN cho các đơn vị này, qua đó dành nguồn lực thực hiện cho nhiều ưu tiên cấp bách khác, nhất là chi cho đầu tư phát triển, chi an sinh xã hội.

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trong điều hành chính sách tài khóa, Bộ Tài chính tiếp tục thực hiện chủ động, linh hoạt, hiệu quả. Bên cạnh việc triển khai có hiệu quả các gói tài khóa hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, các cơ quan quản lý thu thuộc Bộ Tài chính tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp về quản lý thu NSNN và triệt để tiết kiệm chi tiêu, dành nguồn cho đầu tư phát triển, cho an sinh xã hội.

Trong điều hành chi NSNN, tiếp tục đẩy mạnh mạnh xã hội hóa, tăng tự chủ tài chính của các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là trong lĩnh vực y tế và giáo dục để tiến tới cơ cấu lại NSNN nói chung.

Theo chuyên gia kinh tế TS. Nguyễn Minh Phong, một trong những giải pháp cơ bản nhất để cơ cấu lại NSNN, giảm tỷ trọng chi thường xuyên, đó chính là tinh giản biên chế, sắp xếp, cắt giảm bộ máy. Thời gian qua chúng ta đã thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, nhưng cần thực hiện tốt hơn nữa trong thời gian tới. Cả hệ thống chính trị phải tiếp tục tinh gọn bộ máy, đẩy mạnh đổi mới giao quyền tự chủ cho các đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần các nghị quyết của Trung ương; từ đó, giảm mạnh chi tiêu thường xuyên, có nguồn để tăng chi cho đầu tư phát triển và các mục tiêu ưu tiên khác, nhất là trong bối cảnh còn nhiều khó khăn sau đại dịch Covid-19.

Nguồn lực để cải cách lương từ giảm biên chế chưa đạt mục tiêu

Một trong những mục tiêu quan trọng của quá trình cơ cấu lại NSNN là giảm tỷ trọng chi thường xuyên, tăng tỷ trọng chi đầu tư. Đây cũng là áp lực lớn nhưng ngành Tài chính đã kiên quyết trong điều hành theo đúng chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, đã kéo giảm được chi thường xuyên, tăng chi cho đầu tư phát triển trong cả giai đoạn trước đây.

Tuy nhiên, cũng phải nhìn nhận thẳng thắn rằng, nguồn lực dành ra để cải cách tiền lương từ việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới khu vực sự nghiệp công thời gian vừa qua còn hạn chế, chưa đạt mục tiêu.

Về sắp xếp tổ chức lại bộ máy tinh giản biên chế, Nghị quyết 39-NQ/TW ngày 17/4/2015 của Bộ Chính trị đưa ra nhiệm vụ năm 2021 phải giảm tối thiểu 10% biên chế so với 2015 nhưng đến nay kết quả đạt được còn rất hạn chế. Hiện nay cũng chỉ có số lượng khiêm tốn các đơn vị sự nghiệp công lập có thể tự chủ được toàn bộ các khoản chi thường xuyên, không yêu cầu hỗ trợ từ ngân sách, còn lại cơ bản vẫn phải hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ NSNN.

Trong hướng dẫn thực hiện dự toán NSNN năm 2023, đối với chi hoạt động của các cơ quan quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể, Bộ Tài chính yêu cầu làm rõ số biên chế được giao năm 2023 (nếu có). Trường hợp chưa được giao biên chế thì tiếp tục thực hiện giảm biên chế đối với các trường hợp đến hết năm 2022 chưa thực hiện được mục tiêu tại Nghị quyết số 39-NQ/TW của Bộ Chính trị hoặc theo biên chế năm 2022 đối với các trường hợp đã đạt mục tiêu tại Nghị quyết số 39-NQ/TW, trong đó làm rõ số biên chế thực có mặt đến thời điểm 1/7/2022, số biên chế chưa tuyển theo chỉ tiêu biên chế năm 2023 nêu trên.

Về dự toán chi hoạt động năm 2023 nguồn NSNN của các đơn vị sự nghiệp công lập, phải xây dựng trên cơ sở các mục tiêu về đổi mới đơn vị sự nghiệp công lập theo các nghị quyết của Trung ương và Chính phủ. Các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên thuộc các bộ, cơ quan trung ương xây dựng dự toán chi NSNN năm 2023 giảm tối thiểu 3% chi hỗ trợ trực tiếp từ NSNN so với dự toán năm 2022, giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ NSNN tương ứng mức giảm chi thường xuyên từ ngân sách. Các đơn vị sự nghiệp công lập do NSNN bảo đảm chi thường xuyên thuộc các bộ, cơ quan trung ương tiếp tục giảm tối thiểu 2% chi trực tiếp từ NSNN so với dự toán năm 2022 trừ các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu do NSNN đảm bảo.