Năm 2021, trong bối cảnh bị tác động, ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19 tới tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế, xã hội, để đạt được yêu cầu hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh thì việc tập trung triển khai và giải ngân các dự án sử dụng vốn đầu tư công có ý nghĩa hết sức quan trọng.

Do vậy, ngay từ đầu năm tỉnh Quảng Ninh đã có nhiều chỉ đạo trong việc triển khai kế hoạch đầu tư công năm 2021. Tuy nhiên, đến nay việc triển khai thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công các dự án của các chủ đầu tư vẫn chưa đạt yêu cầu theo kế hoạch.

Năm 2021, tổng kế hoạch vốn đầu tư của tỉnh đến ngày 30/8/2021 là trên 16.600 tỷ đồng, trong đó ngân sách trung ương trên 925 tỷ đồng; ngân sách tỉnh trên 9.900 tỷ đồng; ngân sách địa phương trên 5.800 tỷ đồng, được phân bổ cho 39 chủ đầu tư.

Tính đến ngày 30/8/2021, tỷ lệ giải ngân các nguồn vốn đạt 52,2% kế hoạch năm. Nếu so với kế hoạch giao từ đầu năm (không bao gồm các nguồn vốn được giao bổ sung và dự nguồn trong năm) thì tỷ lệ giải ngân toàn tỉnh đạt 67%, kết quả này chưa đạt kỳ vọng theo tinh thần chỉ đạo của tỉnh.

Theo ngành chức năng, các nguồn vốn giải ngân chậm phần lớn do yếu tố chủ quan của các chủ đầu tư, cụ thể như thiếu sự chủ động trong lập, trình phương án bồi thường giải phóng mặt bằng; chậm làm công tác chuẩn bị đầu tư, phê duyệt dự án, điều chỉnh dự án, lựa chọn nhà thầu; nhiều đơn vị tư vấn, nhà thầu yếu về năng lực chuyên môn, dẫn tới các dự án khởi công mới thường chậm so với kế hoạch.

Đáng chú ý, một trong những nguyên nhân chính, cốt lõi được xác định ảnh hưởng lớn đến tiến độ giải ngân vốn đầu tư công là công tác giải phóng mặt bằng. Hầu hết các dự án gặp vướng mắc về GPMB, do vậy các nhà thầu không có mặt bằng sạch để thi công, dẫn đến không có khối lượng để thanh quyết toán v.v..

quang ninh
Quảng Ninh phấn đấu tăng trưởng kinh tế đạt mức 2 con số. Ảnh: PV

Từ thực tế việc giải ngân vốn đầu tư công chưa đạt kế hoạch như kỳ vọng cho thấy, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành về triển khai đầu tư công ở một số cơ quan, đơn vị, chủ đầu tư chưa thực sự đồng bộ, quyết liệt. Thậm chí ở một số đơn vị, chủ đầu tư còn có tình trạng trên nóng, dưới lạnh và tư tưởng nhanh cũng được, chậm cũng không sao...

Trước thực tế tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, không đạt kế hoạch theo kịch bản đề ra, thực hiện Công điện của Thủ tướng Chính phủ và các chỉ đạo của Tỉnh ủy về đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2021, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác đặc biệt đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2021 của tỉnh, để hướng dẫn, phối hợp, đôn đốc, giám sát các chủ đầu tư các dự án hoàn thành mục tiêu đến ngày 30/9/2021 giải ngân đạt 80% và đến 31/12/2021 giải ngân đạt 100% kế hoạch vốn đầu tư công.

Để đạt được tiến độ, mục tiêu về giải ngân vốn đầu tư công, UBND tỉnh yêu cầu thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các địa phương, các chủ đầu tư sử dụng vốn đầu tư công tiếp tục thực hiện nghiêm các nội dung cụ thể.

Trong đó, đáng chú ý là phân công trách nhiệm từng lãnh đạo cơ quan và địa phương phụ trách trực tiếp lĩnh vực đầu tư, theo dõi tiến độ thực hiện, giải ngân của từng dự án, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; kiên quyết không để chậm những việc thuộc thẩm quyền được giao và phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan.

Gắn trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị với kết quả giải ngân, xác định rõ đây là căn cứ quan trọng để đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ năm 2021, là căn cứ để đánh giá cán bộ, bình xét thi đua khen thưởng, kỷ luật đối với người đứng đầu và cán bộ theo dõi phụ trách.

Trường hợp không hoàn thành kế hoạch giải ngân theo tiến độ đề ra, phải kiểm điểm trách nhiệm của tập thể, người đứng đầu, cá nhân có liên quan; kiên quyết không trì trệ, tham nhũng, tiêu cực trong đầu tư công; điều chuyển, kiểm điểm, xử lý những trường hợp làm chậm, sai phạm theo quy định.

Cùng với đó, lập, duyệt tiến độ thi công chung, tiến độ từng dự án để làm cơ sở theo dõi, đôn đốc, chỉ đạo thực hiện; giám sát chặt chẽ khối lượng, chất lượng hoàn thành các công trình, thanh toán dứt điểm khối lượng hoàn thành, thực hiện nghiêm tiến độ và chất lượng giải ngân, tuyệt đối không để nợ xây dựng cơ bản...

Tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công, nợ đọng vốn đầu tư xây dựng cơ bản dường như năm nào cũng xảy ra ít nhiều trên địa bàn tỉnh. Tuy nhiên, năm nay do tác động, ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 nên không ít ngành, lĩnh vực gặp rất nhiều khó khăn về việc làm, doanh thu, tăng trưởng. Và để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế, nhất là bù đắp cho các ngành, lĩnh vực bị giảm sút, tăng trưởng âm, tỉnh xác định tăng trưởng kinh tế năm 2021 phải đạt mức 2 con số. Trong đó kết quả giải ngân vốn đầu tư công có ý nghĩa quyết định để đạt mục tiêu này./.

Lan Hương