![]() |
Để nâng cao hiệu quả quản lý cho hoạt động KHCN, cần có những giải pháp bổ sung quy định phù hợp với thực tế. Ảnh minh họa |
Khó trong xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học công nghệ
Theo báo cáo từ Bộ Khoa học và Công nghệ, trong quy định xử lý tài sản hình thành từ nhiệm vụ khoa học công nghệ (KHCN) sử dụng ngân sách nhà nước thời gian qua còn nhiều bất cập.
Cụ thể theo Bộ này, kết quả nhiệm vụ KHCN rất đa dạng. Do đó, ranh giới phân định giữa kết quả nhiệm vụ KHCN và tài sản cố định hình thành từ nhiệm vụ này không rõ ràng. Đồng thời, hiện nay đang có sự xử lý chồng lấn giữa tài sản trang bị đầu vào và tài sản kết quả đầu ra; phương pháp định giá tài sản phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Cần nhiều hơn những quy định phù hợp với thực tếHệ thống cơ chế, chính sách quản lý tài sản hình thành từ việc triển khai nhiệm vụ KHCN sử dụng ngân sách nhà nước được quy định tại nhiều luật, như: Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; Luật Khoa học và Công nghệ; Luật Chuyển giao công nghệ… Theo các chuyên gia kinh tế, để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn ngân sách nhà nước cho hoạt động KHCN, đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng KHCN vào phát triển kinh tế - xã hội, cần có những giải pháp bổ sung quy định phù hợp với thực tế trong các quy định nêu trên. |
Một số chủ trương chính sách còn chậm được thể chế hóa, hoặc chưa được thể chế hóa đầy đủ, rõ ràng trong các văn bản quy phạm pháp luật. Nguồn lực đầu tư chưa tương xứng với vai trò là quốc sách hàng đầu của KHCN. Cơ chế quản lý đối với hoạt động KHCN còn mang tính hành chính nhà nước và nhẹ về quản trị phát triển…
Đặc biệt, quy trình xử lý tài sản không phù hợp với nhiều hình thức tài sản hình thành từ nhiệm vụ KHCN có tính chất đặc thù. Đồng thời, các quy định về tài sản được giao phải được ứng dụng, thương mại hóa còn nhiều bất cập.
Trong khi đó, bước vào kỷ nguyên mới, KHCN được coi là động lực, công cụ để phát triển kinh tế - xã hội. Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Nghị quyết được ví như một luồng sinh khí mới, một "khoán 10" cho phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số của Việt Nam, mang lại động lực mạnh mẽ cho sự phát triển đất nước.
Tại Nghị quyết đã đặt ra yêu cầu khẩn trương sửa đổi, bổ sung hoàn thiện đồng bộ các quy định pháp luật KHCN, đầu tư, đầu tư công, mua sắm công, ngân sách nhà nước, tài sản công, thuế… để tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản, giải phóng nguồn lực, khuyến khích và đột phá về phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia, trong đó có cả phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao.
Đơn giản hóa thủ tục, phân cấp mạnh thẩm quyền
Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, để khơi thông các điểm nghẽn, phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, Bộ Tài chính đã chủ động báo cáo với cấp có thẩm quyền để điều chỉnh các quy định liên quan đến sử dụng tài sản của các cơ sở nghiên cứu khoa học, các tổ chức KHCN.
Ví dụ như trong sử dụng tài sản để kinh doanh, liên doanh liên kết thì phân cấp mạnh thẩm quyền tới thủ trưởng đơn vị quyết định. Đồng thời, đơn giản hóa các thủ tục cũng như cho phép các tổ chức KHCN và các cơ sở giáo dục đào tạo được khai thác đối với cơ sở vật chất phục vụ cho việc phát triển KHCN đổi mới sáng tạo theo quy định của pháp luật.
Cho biết chi tiết hơn về vấn đề này, ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, Bộ Tài chính đã xác định 2 nhóm nhiệm chủ chốt.
Với nhóm nhiệm vụ thứ nhất là khai thác tài sản ở các tổ chức KHCN, kể cả các cơ sở giáo dục đào tạo có liên quan tới KHCN sẽ có các quy định theo hướng để các đơn vị có thể khai thác được một cách tối đa tài sản nhà nước đã trang bị cho hoặc là hình thành từ nguồn của đơn vị thì được khai thác một cách tối đa. Trong đó, đã bổ sung các quy định là các đơn vị được khai thác là các cơ sở vật chất phục vụ cho việc nghiên cứu phát triển KHCN đổi mới sáng tạo theo quy định của pháp luật. Như vậy, hoàn toàn các cơ sở nghiên cứu có thể cho phép các tổ chức, cá nhân khác cùng sử dụng chung tài sản của mình như thư viện, các phòng thí nghiệm, các phòng nghiên cứu…
Với nhóm nhiệm vụ thứ 2 là xử lý các tài sản hình thành thông qua việc triển khai các nhiệm vụ KHCN. Tại nhóm nhiệm vụ này, Bộ Tài chính đã tham gia với Bộ Khoa và Công nghệ để báo cáo Chính phủ báo cáo Quốc hội ban hành Nghị quyết số 193/2025/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Tại nghị quyết này đã có nhiều giải pháp mang tính đột phá. Đơn cử như tài sản đã trang bị cho các cái đơn vị để phục vụ cho việc nghiên cứu các đề tài, nhiệm vụ KHCN của Nhà nước sẽ trở thành tài sản của đơn vị mà không phải thực hiện bất cứ một thủ tục nào. Còn kết quả nghiên cứu cũng giao cho các đơn vị chủ trì nghiên cứu để tiếp tục thực hiện việc phát huy kết quả đó và thương mại hóa cái kết quả đó. Tổ chức chủ trì việc nghiên cứu được tự chủ, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về sử dụng tài sản và không cần định giá.
Tại Nghị quyết số 193/2025/QH15 đã quy định thông thoáng hơn, đó là khi sử dụng tài sản kinh doanh dịch vụ, liên doanh liên kết mà không hình thành pháp nhân mới, không phải lập đề án để báo cáo cấp có thẩm quyền như các trường hợp thông thường.
Ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, với việc xác định 2 nhóm nhiệm vụ chủ chốt này, Bộ Tài chính đang tháo gỡ một trong những điểm nghẽn quan trọng về cơ chế, chính sách, từ đó giúp khuyến khích phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo, góp phần đưa đất nước chuyển mình thành công./.