![]() |
Lực lượng Hải quan tăng cường kiểm tra xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu, phòng chống gian lận thương mại. Ảnh minh họa |
Hoạt động buôn lậu vẫn diễn biến phức tạp
Trao đổi với phóng viên, ông Vũ Quang Toàn - Chi cục trưởng Chi cục Điều tra chống buôn lậu, Cục Hải quan cho hay, ngày 14/5, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì làm việc với các bộ, ngành, cơ quan trung ương để đánh giá về công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả những tháng đầu năm 2025 và phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới. Bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, Cục Hải quan, lực lượng chức năng Hải quan sẽ triển khai quyết liệt các giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, gian lận xuất xứ hàng hóa.
Đồng bộ các giải pháp kiểm soát hải quanTrong thời gian tới, để phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, cơ quan hải quan sẽ đồng bộ các giải pháp, tăng cường công tác thu thập thông tin, nắm tình hình địa bàn, kiểm soát chặt chẽ các loại hình hàng hóa xuất nhập khẩu, xác định rõ mặt hàng trọng điểm, đối tượng trọng điểm, địa bàn trọng điểm. Đồng thời phòng ngừa việc lợi dụng thủ tục hải quan thông thoáng để buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa giả mạo xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ qua địa bàn hoạt động hải quan. |
Theo báo cáo của cơ quan chức năng, những tháng đầu năm 2025, các đơn vị, địa phương đã tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, bắt giữ, xử lý hơn 34.000 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước hơn 4.897 tỷ đồng. Trong đó có hơn 8.200 vụ buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng lậu; hơn 25.100 vụ gian lận thương mại, gian lận về thuế; hơn 1.100 vụ hàng giả, vi phạm sử hữu trí tuệ; khởi tố hình sự gần 1.400 vụ, hơn 2.100 đối tượng.
Tuy nhiên, trên các tuyến biên giới, cửa khẩu, vùng biển nổi lên các hoạt động vận chuyển trái phép hàng cấm (ma túy, pháo nổ, thuốc lá điếu ngoại), hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng kém chất lượng (xăng, dầu, vàng, rượu, bia, đường cát, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, quần áo, thực phẩm đông lạnh…).
Trong địa bàn nội địa, tình hình vi phạm pháp luật về sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, hàng hóa vi phạm về nhãn hàng hóa, kinh doanh hàng hóa hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, kinh doanh hàng nhập lậu, hàng hóa không hóa đơn, chứng từ… tiếp tục diễn ra trên hầu hết các tỉnh, thành phố; buôn bán công khai trên mạng xã hội.
Chính vì vậy, tại cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ đưa ra thông điệp mạnh mẽ, yêu cầu cơ quan chức năng trước hết mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh, truy quét, ngăn chặn, đẩy lùi buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, vi phạm bản quyền, vi phạm sở hữu trí tuệ. Trong đó, Thủ tướng giao nhiệm vụ cho Bộ Tài chính chỉ đạo lực lượng hải quan, thuế tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, đồng thời bảo đảm phòng chống vi phạm thuộc chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.
“Phải tạo chuyển biến đột phá trong phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, lưu thông hàng giả, hàng nhái, hàng không rõ xuất xứ, vi phạm bản quyền, vi phạm sở hữu trí tuệ, xuất xứ hàng hóa. Các bộ, ngành, địa phương phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, chủ động xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện, phối hợp chặt chẽ, tăng cường kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm và coi trọng công tác thi đua, khen thưởng kịp thời, đúng đối tượng, khách quan, công bằng”- Thủ tướng nhấn mạnh.
Hải quan tiếp tục chủ động vào cuộc
Liên quan đến công tác kiểm soát hải quan, Cục Hải quan cho biết, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa diễn biến rất phức tạp. Trên tuyến biển vẫn chiếm tỷ trọng vi phạm lớn với 52,8% số vụ phát hiện, bắt giữ và xử lý, tập trung chủ yếu qua các cảng biển quan trọng tại Hải Phòng, Bà Rịa - Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh. Lỗi vi phạm chủ yếu là khai sai về tên hàng, chủng loại, chất lượng, trị giá hải quan, mã số hàng hóa, xuất xứ.
Hoạt động vận chuyển trái phép ma tuý, tiền tệ, vàng qua biên giới có dấu hiệu gia tăng ở tuyến hàng không cùng với đó là phương thức thủ đoạn ngày càng tinh vi. Trên tuyến đường bộ, hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép mặt hàng pháo nổ, đường kính trắng vẫn tiếp diễn ở địa bàn các tỉnh miền Trung và tuyến biên giới Việt - Lào. Hoạt động mua bán, vận chuyển hàng hóa không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc vẫn diễn biến phức tạp, nhất là đối với các mặt hàng thực phẩm đông lạnh, bách hóa tiêu dùng, thuốc lá điếu, lá thuốc lá tại các khu vực giáp biên giới Việt - Trung, Việt - Campuchia.
Trong bối cảnh nêu trên, thống kê đến đầu tháng 5/2025, cơ quan hải quan đã phát hiện, bắt giữ và xử lý 5.206 vụ vi phạm pháp luật về hải quan trị giá hàng hóa vi phạm ước tính đạt 10.331 tỷ đồng. Số thu nộp ngân sách từ xử lý vi phạm đạt hơn 347 tỷ đồng; chuyển cơ quan chức năng khởi tố 34 vụ án.
Thực hiện các chỉ đạo của Chính phủ, Bộ Tài chính, trong thới gian tới, cơ quan hải quan tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả phù hợp diễn biến tình hình địa bàn và yêu cầu nhiệm vụ. Đặc biệt tập trung đấu tranh, ngăn chặn hiệu quả các hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép ma túy, buôn lậu, vận chuyển trái phép vàng, ngoại tệ, hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu đi các nước khác.
Đối với việc chống chuyển tải hàng hóa bất hợp pháp, gian lận xuất xứ, Cục Hải quan đã ban hành Quyết định số 3362/KH-CHQ. Các đơn vị đã và đang chủ động tổ chức Chương trình Tập huấn theo quyết định này.
Cục Hải quan cũng chỉ đạo việc kiểm tra, xác định xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu phải thực hiện đúng quy định pháp luật hải quan và pháp luật liên quan. Trường hợp có cơ sở nghi ngờ hoặc có thông tin cảnh báo thì đề xuất lãnh đạo đơn vị hải quan nơi làm thủ tục hải quan yêu cầu người khai hải quan giải trình hoặc cung cấp các chứng từ và thực hiện quy trình kiểm tra xử lý theo quy định và đề xuất xử lý./.