Rắc rối địa chính trị đe dọa sự phát triển của các nền kinh tế mới nổi

Rắc rối của các nền kinh tế mới nổi ngày càng trở nên đáng lo ngại khi nhiều đông tiền đã sụt giảm đến những mức thấp nhất kể từ năm 1999. - Ảnh: solarfinancetourindia.com

Lịch sử phát triển của các thị trường mới nổi thường thấy sự bùng nổ và đổ vỡ, tuy nhiên, trong tương lai gần, sự phát triển của nhóm thị trường mới nổi được dự báo sẽ khá “tẻ nhạt”.

Các nhà đầu tư vào những thị trường này đang đương đầu với một điều tồi tệ, đó chính là một thập kỷ mất mát lợi nhuận.

Không lâu trước đây, nhóm BRIC được coi là động lực cho tăng trưởng toàn cầu. Tuy nhiên, hiện nay Brazil và Nga đang đối mặt với suy thoái sâu do sự sụp đổ của thị trường hàng hóa toàn cầu, trong khi tăng trưởng của Trung Quốc đang chậm dần lại và nền kinh tế này cũng đang chật vật để cứu thị trường chứng khoán khỏi cơn bão khủng hoảng.

Viễn cảnh Cục Dự trữ Liên Bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất có khả năng vào tháng 9 tới chỉ làm cho tình hình ngày càng trở nên tồi tệ hơn.

Rắc rối của các nền kinh tế mới nổi ngày càng trở nên đáng lo ngại, khi nhiều đồng tiền đã sụt giảm đến những mức thấp nhất kể từ năm 1999, xóa sạch đi toàn bộ lợi tức trong suốt năm năm qua của trái phiếu bằng đồng bản tệ.

Trong khi đó, thị trường chứng khoán của các quốc gia mới nổi và các quốc gia phát triển cũng đang ngày càng phân nhóm rõ rệt. Kể từ năm 2009, chỉ số MSCI (chỉ số chứng khoán của các thị trường mới nổi) đã sụt giảm 10%, trong khi của các thị trường phát triển tăng 50%.

Vẫn có một tin tốt đó chính là chỉ một số ít các nhà phân tích dự báo một cuộc khủng hoảng tương tự những năm 90 đã gây chấn động Đông Á, hay đầu những năm 80 tại Châu Mỹ Latin sẽ tái diễn.

Tuy nhiên, tác động tổng hợp của đồng USD mạnh lên, giá hàng hóa sụt giảm, tăng trưởng chậm lại của Trung Quốc và Mỹ tăng lãi suất sẽ đè nặng lên tăng tưởng.

Trong suốt 15 năm qua, chính sách tiền tệ nới lỏng của Feb và tăng trưởng chóng mặt của Trung Quốc đã giúp kéo dòng đầu tư chảy vào các thị trường mới nổi và thúc đẩy tăng trưởng. Tuy nhiên, 2 yếu tố thúc đẩy đó sẽ không còn xảy ra đồng thời khi Mỹ sẽ bắt đầu tăng lãi suất và nền kinh tế Trung Quốc đã chậm lại, theo Stephen Jen, nhà đồng sáng lập và SLJ Macro Partners LLP.

Nếu điều đó xảy ra, các nền kinh tế mới nổi sẽ phải đối mặt với nhiều rắc rối hơn nữa, Jen cho biết trong một báo cáo tới khách hàng vào ngày 23/7.

Mặc dù kinh tế Brazil và Nga vẫn đang chìm trong suy thoái, IMF khá lạc quan khi đưa ra dự báo rằng các nền kinh tế mới nổi sẽ tăng trưởng 4,2% trong năm nay. Tuy nhiên, con số này chỉ cao hơn dự báo tăng trưởng kinh tế chung toàn cầu 0,9 điểm phần trăm – khoảng cách thấp nhất kể từ năm 1999.

Ở nhiều nền kinh tế đang phát triển, tình hình chính trị và chính sách điều hành đang là những mối lo ngại rất lớn và đang gây hoang mang cho các nhà đầu tư. Nhiều nhà phân tích dự báo nhiều rắc rối đang ở trước mắt. 14 trong số 23 đồng tiền của các thị trường mới nổi chính được dự báo sẽ tiếp tục mất giá so với đồng USD đến cuối tháng 6/2016, theo số liệu của Bloomberg. /.

Mai Linh (Theo Bloomberg)