Rui ro

Đây là một thông tin được Ủy ban Giám sát Tài chính quốc gia (UBGSTCQG) cho biết trong báo cáo đánh giá tình hình kinh tế Việt Nam tháng 7 và 7 tháng đầu năm.

Tỷ giá biến động do tâm lý

Theo đánh giá, môi trường kinh tế vĩ mô của Việt Nam về cơ bản được duy trì ổn định. Lạm phát tháng 7 dù cao hơn tháng trước nhưng nhìn chung lạm phát 7 tháng đầu năm vẫn ở mức thấp trong nhiều năm trở lại đây.

Phân tích CPI tháng 7 và xu hướng tăng CPI hiện nay, kết hợp với yếu tố giá cả hàng hóa thế giới được dự báo không có nhiều biến động từ nay đến cuối năm và sức mua trong nước vẫn còn yếu, UBGSTCQG cho rằng việc kiểm soát lạm phát theo kế hoạch đề ra cho năm 2013 đang có những thuận lợi.

Trên thị trường tài chính quốc, niềm tin của các nhà đầu tư được cải thiện đáng kể. Biểu hiện cụ thể là mức độ rủi ro tín dụng quốc gia theo hệ số CDS đã giảm mạnh từ trên 300 điểm cùng kỳ năm ngoái xuống quanh mức 220 điểm ngày 23/7.

Báo cáo này cũng cho biết thị trường tài chính tiền tệ tiếp tục được cải thiện, mức độ rủi ro giảm bớt tạo yếu tố ổn định hơn cho kinh tế vĩ mô. Lãi suất ngân hàng giảm nhiều so với cuối năm 2012, cùng với đó, thanh khoản của hệ thống được cải thiện hơn; tỷ giá tuy có biến động trong một thời gian ngắn sau khi NHNN điều chỉnh tỷ giá chính thức nhưng chủ yếu là do yếu tố tâm lý.

UBGSTCQG

Sản xuất công nghiệp tiếp tục duy trì xu hướng tích cực. Chỉ số hàng tồn kho giảm từ mức 21,5% đầu năm 2013 xuống còn 8,8% tại thời điểm 1/7/2013. Tình hình phát triển doanh nghiệp bước đầu cũng được cải thiện. Số doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ những tháng gần đây, số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động quay trở lại hoạt động cũng dần theo từng tháng.

Tăng trưởng 5,5%: Mục tiêu khó khăn

Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng cả năm 5,5% vẫn là một thách thức lớn đối với nền kinh tế. Với việc GDP 6 tháng đầu năm tăng ở mức 4,9%, tăng trưởng của Việt Nam đang ở mức thấp trong nhiều năm trở lại đây khiến việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng cả năm sẽ gặp nhiều khó khăn.

Trong bối cảnh tiêu dùng nội địa suy giảm, xuất khẩu đang là động lực quan trọng cho tăng trưởng với kim ngạch xuất khẩu tăng khá và cao hơn so với một số nước trong khu vực, chủ yếu nhờ sự đóng góp của nhóm DN FDI. Song, sự suy yếu của nhu cầu trong nước đã tạo lực cản lớn với tăng trưởng. Nền kinh tế sẽ khó phục hồi ổn định nếu nhu cầu trong nước không được cải thiện.

Theo UBGSTCQG, nguyên nhân chính khiến tổng cầu suy yếu là do tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt thấp. Trong 6 tháng đầu năm 2013, chỉ số này chỉ đạt 29,6% GDP, thấp hơn khá nhiều so với cùng kỳ năm 2012 là 34,5% GDP. Vì vậy, Ủy ban cho rằng cần tập trung chỉ đạo điều hành để đảm bảo mục tiêu tổng vốn đầu tư xã hội tăng khoảng 12 – 14% so với năm 2012.

Về công tác điều hành cho những tháng cuối năm, UBGSTCQG đề xuất cần tiếp tục đẩy mạnh tiến độ thực hiện Nghị quyết 02, kịp thời điều chỉnh liều lượng các giải pháp hỗ trợ nhằm giúp chính sách nhanh chóng thẩm thấu vào nền kinh tế, đảm bảo “điểm rơi chính sách” chính xác, tránh chậm trễ trong việc điều chỉnh, gây nên tình trạng thiếu vốn đầu tư khiến mục tiêu tăng trưởng năm nay khó thực hiện nhưng lại tạo hệ lụy tăng lạm phát trong các năm sau.

Xét trên nền tảng vĩ mô, UBGSTCQG cho rằng lạm phát được kiểm soát tốt và còn dư địa cho việc điều chỉnh giá theo nguyên tắc thị trường và tỷ giá linh hoạt. Tuy nhiên, cần có lộ trình cụ thể, liều lượng thích hợp và thời điểm cũng cần tính toán hợp lý để tránh dồn dập, gây ảnh hưởng tâm lý cho thị trường./.

Hoàng Yến