Xe quá tải

Số lượng xe quá tải đã giảm tới hơn 90%. Ảnh: TL

Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Huyện, sau hơn 2 năm triển khai thực hiện kiểm soát tải trọng phương tiện, số lượng xe ôtô vi phạm quy định về chở hàng quá tải trọng, tự ý thay đổi kích thước thùng chờ hàng đã giảm hơn 90%.

Các xe vi phạm tải trọng được phát hiện và xử lý kịp thời, đúng quy định của pháp luật đã tạo được sự đồng tình, ủng hộ của các doanh nghiệp vận tải và dư luận xã hội, góp phần giảm sâu tai nạn giao thông trên cả 3 tiêu chí (số vụ, số người chết và số người bị thương).

Tuy nhiên, 10% xe vi phạm chở quá tải còn lại chủ yếu là ôtô tải ben chở vật tư, vật liệu cung ứng cho công trình xây dựng trong phạm vi địa phương, số xe vi phạm này chưa được xử lý triệt để dẫn tới việc bất bình của các xe đã chấp hành, nên có hiện tượng một số xe đã tái vi phạm chở quá tải và cơi nới lại thùng hàng.

Trên cơ sở đó,Tổng cục Đường bộ Việt Nam đề nghị các Sở Giao thông vận tải thành lập đoàn công tác liên ngành yêu cầu chủ xe, lái xe cắt ngay phần thùng xe cơi nới, có xác nhận của trung tâm kiểm định xe cơ giới mới làm thủ tục cho xe hoạt động.

Bên cạnh đó, lực lượng liên ngành này kiên quyết xử lý các phương tiện chở hàng quá tải trọng, cơi nới kích thước thùng hàng, tập trung vào các công trình xây dựng, mỏ vật liệu, nơi tập kết vật tư, hàng hóa.

Những trường hợp tái vi phạm, có văn bản gửi Cục Đăng kiểm Việt Nam rút ngắn thời gian kiểm định phương tiện đồng thời tăng cường kiểm tra các doanh nghiệp, dự án, nhà thầu thi công, chủ xe và lái xe trên địa bàn trong việc thực hiện cam kết không xếp hàng hóa lên xe quá tải trọng; không chở hàng quá tải trọng; không sử dụng phương tiện cơi nới kích thước thùng hàng; không tiếp nhận hàng hóa, vật tư từ xe ôtô chở quá tải trọng quy định...

Thêm vào đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng đề nghị UBND tỉnh có hình thức xử lý trách nhiệm người đứng đầu các công trình, mỏ vật liệu, doanh nghiệp sử dụng xe vi phạm cơi nới thành thùng và chở hàng quá tải trọng quy định./.

Trí Dũng