Sẵn sàng chữ V cho tăng trưởng
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại Hội nghị giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ. chiều 17/10/2023. Ảnh: TL

Dấu ấn tình đoàn kết

Đồng chủ trì Hội nghị giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ chiều 17/10, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, lãnh đạo Đảng, Nhà nước và cử tri, nhân dân cả nước đều kỳ vọng, tin tưởng, đồng thời cũng đặt yêu cầu rất cao đối với Kỳ họp thứ 6. Kỳ họp thứ 6 là kỳ họp giữa nhiệm kỳ, đóng góp quan trọng vào việc hoàn thành các nhiệm vụ của nhiệm kỳ Khóa XV. Quốc hội sẽ thực hiện khối lượng công việc rất lớn cả về lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia, lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức danh do Quốc hội bầu, phê chuẩn... với yêu cầu rất cao về chất lượng và tiến độ. Nhiều nội dung quan trọng, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân.

Nhắc lại Hội nghị Trung ương 8 Khoá XIII vừa diễn ra đã đánh giá cao công tác phối hợp chặt chẽ giữa Quốc hội và Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính trân trọng cảm ơn Đảng Đoàn Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội, cơ quan của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã luôn đồng hành, phối hợp chặt chẽ, hiệu quả và chia sẻ với Ban Cán sự Đảng Chính phủ và Chính phủ, các bộ, ngành trong việc chuẩn bị các nội dung trình Quốc hội, không chỉ với các dự án luật mà còn trong tất cả các vấn đề về kinh tế - xã hội, về giám sát, về quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia..., qua đó đã giúp Chính phủ triển khai các công việc, nhiệm vụ tốt hơn.

Duy trì các hội nghị giữa Đảng đoàn Quốc hội và Ban Cán sự Đảng Chính phủ vào thời điểm ngay trước khi diễn ra Kỳ họp Quốc hội đã là nền nếp được hình thành từ nhiệm kỳ khóa trước. Các hội nghị này cũng mang tính biểu tượng rất cao, tạo nên dấu ấn sâu đậm về tình đoàn kết, “chia ngọt sẻ bùi” giữa Quốc hội và Chính phủ và chính điều này đã góp phần làm nên thành tích tăng trưởng rực rỡ được ghi nhận trong văn kiện Đại hội XIII: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.

Sẽ sớm vươn lên
“Ưu tiên thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng, thu hút vốn đầu tư ngoài nhà nước gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Theo dõi sát tình hình thế giới, trong nước, tăng cường năng lực phân tích, dự báo để có phản ứng chính sách chủ động, kịp thời, hiệu quả trước các tình huống phát sinh. Quyết liệt tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh, nhất là việc tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Tuyệt đối không trông chờ, ỷ lại, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm”. “Cần phấn đấu quyết liệt để hoàn thành cao nhất các chỉ tiêu của năm 2023 và hoàn thành toàn diện kế hoạch năm 2024, góp phần thực hiện cho cả giai đoạn 5 năm 2021 - 2025. Tập trung củng cố, hoàn thiện thể chế, các nền tảng tăng trưởng để sau khi bắt đáy sẽ sớm vươn lên được, đừng để tăng trưởng theo mô hình chữ U, tăng trưởng phải chuyển sang mô hình chữ V. Đồng thời với việc giải quyết các vấn đề cấp bách, điểm nghẽn trước mắt, vẫn phải hướng đến các mục tiêu chiến lược, lâu dài như: chuyển đổi mô hình tăng trưởng; cơ cấu lại nền kinh tế; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế”.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Xu hướng phục hồi tích cực

Trong Báo cáo thẩm tra sơ bộ của Thường trực Ủy ban Kinh tế về các nội dung kinh tế xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nêu rõ, về kết quả năm 2023, trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước đối mặt khó khăn, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có những quyết sách kịp thời giúp tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, ước cả năm 2023 có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra.

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế cơ bản được bảo đảm; công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế tiếp tục được đẩy mạnh; công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được quan tâm, chỉ đạo quyết liệt; tập trung làm tốt công tác bảo đảm an sinh xã hội, lao động, việc làm, cải thiện đời sống người dân; lĩnh vực văn hóa, giáo dục có nhiều chuyển biến; quốc phòng, an ninh được giữ vững; hoạt động đối ngoại được đẩy mạnh, uy tín và vị thế quốc tế được nâng cao.

Bên cạnh kết quả đạt được, dự kiến 5/15 chỉ tiêu không đạt mục tiêu đề ra, trong đó chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội không đạt mục tiêu đề ra năm thứ 3 liên tiếp. Tăng trưởng kinh tế giảm tốc đáng kể, cả năm ước đạt trên 5%. Một số điểm nghẽn chưa được tháo gỡ hiệu quả, giải ngân vốn đầu tư công có cải thiện nhưng chưa đạt như kỳ vọng (hết 9 tháng đạt 51,38% kế hoạch), chưa có sự lan tỏa đối với đầu tư tư nhân...

Về dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 và nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu năm 2024 và đến cuối nhiệm kỳ 2021 - 2025, Thường trực Ủy ban Kinh tế đồng tình với nhiều ý kiến cho rằng, tăng trưởng kinh tế năm 2024 - 2025 có thể được phục hồi tốt hơn so với năm 2023. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2025 khoảng 6,5% - 7% và cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016 - 2020 (6,25%) theo Nghị quyết của Quốc hội là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến vô cùng phức tạp, không thể lường trước.

Báo cáo thẩm tra này của Ủy ban Kinh tế theo thông lệ sẽ được trình bày trước Quốc hội ngay trong phiên khai mạc Kỳ họp thứ 6 vào ngày 23/10, sau báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội.

Mọi kịch bản đều khó

Tăng trưởng GDP quý III/2023 đạt 5,33%, dù đã cao hơn so với hai quý trước, đưa tăng trưởng GDP 9 tháng ở mức 4,24% nhưng con số này vẫn không đạt mục tiêu đề ra là 6,3% theo kịch bản đặt ra tại Nghị quyết số 01/NQ-CP.

Còn theo kịch bản được Bộ Kế hoạch và Đầu tư cập nhật đầu tháng 7/2023, muốn tăng trưởng GDP cả năm đạt 6%, thì tăng trưởng quý III phải đạt 6,8%; quý IV đạt 9%. Với kịch bản tăng trưởng 6,5%, thì quý III phải đạt mức tăng trưởng 7,4%, quý IV là 10,3%. Và diễn biến thực tế của nền kinh tế thấp hơn mọi kịch bản đã được đề ra.

Khả năng đạt được mục tiêu tăng trưởng của năm nay ở mức 6.5% như Quốc hội đã quyết nghị gần như là không thể. Trong 3 kịch bản mới nhất về GDP, thì mức cao nhất mà Chính phủ cố sức đạt được là tăng khoảng 6%. Dù vậy, để đạt được con số tăng trưởng này, theo nhận định của nhiều người trong giới chuyên gia, cũng là mục tiêu khá xa tầm tay.

Tại kịch bản 1, Chính phủ tính toán tăng trưởng GDP cả năm khoảng 5%, thì quý IV/2023 cần tăng 7,0%. Kịch bản 2, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 5,5%, thì quý IV cần tăng 8,8%. Kịch bản 3, tăng trưởng kinh tế cả năm khoảng 6%, quý IV cần tăng 10,6%, tăng gấp đôi quý III.

Chính phủ đang nỗ lực rất cao với niềm tin nền kinh tế đang dần lấy lại đà tăng trưởng, quý sau tăng nhanh hơn quý trước, tháng sau tích cực hơn tháng trước; ứng phó, thích ứng hiệu quả hơn với khó khăn, thách thức, bối cảnh, tình hình mới của thế giới và trong nước.

Tại các địa phương lớn trong cả nước tình hình phục hồi khá là tích cực. Tại đầu tàu TP.HCM, GRDP quý III/2023 tăng 6,71% so với cùng kỳ năm ngoái, GRDP 9 tháng đạt 4,57%. GRDP quý III của đầu tàu Hà Nội tăng 6,49%, 9 tháng tăng 6,08%. Thậm chí, Hải Phòng, Quảng Ninh còn đạt được mức tăng trưởng hai con số. GRDP quý III của Hải Phòng tăng 10,48%, 9 tháng tăng 10,08%. GRDP quý III của Quảng Ninh tăng 10,64%, 9 tháng tăng 9,88%.