ck

Ông Trần Văn Dũng (trái), Chủ tịch UBCKNN trao Giấy phép điều chỉnh việc sáp nhập cho lãnh đạo SHS.

Sau 4 cặp hợp nhất trước đó, vừa qua cặp sáp nhập thành công đầu tiên giữa hai CTCK đã mở ra thêm một hướng đi mới trong việc tái cấu trúc hệ thống CTCK sắp tới.

Cặp sáp nhập đầu tiên thành công trên thị trường

Sau 4 cặp hợp nhất thành công giữa 8 CTCK, cuối tháng 8 vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) đã chính thức công bố Giấy phép điều chỉnh việc sáp nhập Công ty cổ phần Chứng khoán SHB (SHBS) vào Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS). CTCK sau sáp nhập lấy tên là Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS).

Theo phương án sáp nhập đã được đại hội cổ đông thông qua, SHS sẽ chi gần 54 tỷ đồng cho thương vụ nhận sáp nhập này, thông qua việc phát hành gần 5,4 triệu cổ phần để hoán đổi lấy toàn bộ 15 triệu cổ phần của SHBS với tỷ lệ hoán đổi là 1:2,78. Vốn điều lệ của SHS sau khi nhận sáp nhập ước tính sẽ tăng từ 1.000 tỷ đồng lên 1.054 tỷ đồng.

Theo ông Vũ Đức Tiến, Tổng giám đốc SHS, hoạt động tái cơ cấu các CTCK không còn mới trên thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam, tuy nhiên đây là lần đầu tiên diễn ra hoạt động sáp nhập giữa một CTCK niêm yết và một CTCK chưa niêm yết.

Điều đặc biệt hơn nữa, SHS và SHBS là hai CTCK đang hoạt động tốt trên thị trường. SHS là một trong những CTCK thuộc top đầu trên thị trường về vốn, quản trị, chất lượng sản phẩm và thị phần môi giới. Trong khi đó, SHBS là một trong những CTCK có bề dày kinh nghiệm và vẫn còn phát sinh doanh thu tới ngày cuối cùng để bàn giao sáp nhập (31/3/2018).

Ông Vũ Đức Tiến chia sẻ thêm, việc nhận sáp nhập SHBS nằm trong chiến lược phát triển dài hạn, căn cơ của SHS và phù hợp với xu thế phát triển tất yếu của TTCK Việt Nam.

Mở ra cơ hội mới cho tiến trình tái cấu trúc

Tính đến cuối tháng 6/2018, quy mô huy động vốn qua TTCK đã đạt 2,16 triệu tỷ đồng, mức vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 3.889 triệu tỷ đồng, tương đương 77,7% GDP. Qua 6 tháng đầu năm 2018, giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu lần lượt đạt hơn 8.000 tỷ đồng/phiên và 10.000 tỷ đồng/phiên. Cấu trúc của thị trường ngày càng được hoàn thiện; chất lượng hàng hóa trên TTCK không ngừng được cải thiện nhờ việc tăng cường, củng cố các điều kiện niêm yết, minh bạch thông tin, quản trị công ty.

Về các tổ chức trung gian trên TTCK, quá trình tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán ngày càng được đẩy mạnh. Sau 5 năm triển khai Đề án tái cấu trúc, đến ngày 30/6/2018 đã xử lý được 28 CTCK thông qua việc chấm dứt hoạt động, đình chỉ hoạt động, giải thể và hợp nhất, rút nghiệp vụ môi giới. Hiện trên TTCK còn 77 CTCK hoạt động bình thường, 45 công ty quản lý và 39 quỹ đang hoạt động. Xuyên suốt lộ trình tái cơ cấu công ty chứng khoán, UBCKNN luôn khuyến khích các CTCK tiến hành sáp nhập, hợp nhất để nâng cao quy mô, năng lực tài chính và chất lượng sản phẩm.

Theo ông Phạm Hồng Sơn, Phó Chủ tịch UBCKNN, việc sáp nhập thành công SHBS vào SHS sẽ mở ra một hướng đi mới trong việc tái cấu trúc các CTCK, giúp cho các công ty có thể đi nhanh hơn trong quá trình lành mạnh hóa tình hình tài chính hoặc gia tăng quy mô, qua đó góp phần thúc đẩy TTCK Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới.

Phó Chủ tịch UBCKNN cho biết thêm, quá trình tái cấu trúc hệ thống CTCK đã chứng kiến 8 CTCK tiến hành hợp nhất với nhau, nhưng đây là trường hợp sáp nhập đầu tiên thành công. Việc sáp nhập sẽ có lợi cho cổ đông của hai công ty và đồng thời cũng nằm trong định hướng của công tác tái cấu trúc các tổ chức kinh doanh chứng khoán.

“Cơ quan quản lý luôn khuyến khích các trường hợp sáp nhập, hợp nhất giữa các công ty. Còn các công ty nào không đảm bảo được an toàn tài chính, thì chúng tôi sẽ đình chỉ hoạt động hoặc rút giấy phép hoạt động. Các công ty yếu kém sẽ bị loại khỏi cuộc chơi; đồng thời, tiếp tục có các giải pháp để các CTCK có nền tảng tài chính vững mạnh, nền tảng quản trị tốt, để từ đó phục vụ tốt hơn trong việc cung cấp dịch vụ trên thị trường. Hiện nay, chúng tôi đang xem xét một số hồ sơ sáp nhập hoặc hợp nhất giữa các CTCK với nhau. Về cơ bản đều phụ thuộc từ phía các công ty chứng khoán với nhau; tuy nhiên, cơ quan quản lý sẽ luôn tạo mọi điều kiện tốt nhất để xúc tiến nhanh nhất có thể”, ông Sơn nhấn mạnh.

Chu Thái