Đây là thông tin Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết chiều 8/11 tại Quốc hội. Phát biểu về công tác chống dịch, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết một thực tế là đợt dịch lần sau bao giờ cũng diễn biến phức tạp hơn đợt dịch lần trước. Đợt dịch thứ tư với biến chủng Delta lây lan nhanh, mạnh, có khả năng tăng nặng bệnh, gây tác động nghiêm trọng đến sức khỏe người dân và ảnh hưởng lớn đến đời sống xã hội.

Đến nay, dịch bệnh trên phạm vi toàn quốc được kiểm soát và cả nước đang từng bước thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả đối với Covid-19. Báo cáo của Chính phủ đã thẳng thắn nêu lên những tồn tại, hạn chế và nguyên nhân trong công tác phòng, chống dịch như công tác dự báo có lúc chưa sát với thực tiễn. Việc chỉ đạo điều hành có nơi, có lúc còn lúng túng, bị động, tổ chức thực hiện tại các địa phương thiếu nhất quán, nhất là việc đi lại của người dân. Hệ thống y tế bộc lộ nhiều hạn chế, nhất là y tế cơ sở và y tế dự phòng khi đáp ứng với đại dịch.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long

Về vắc - xin, lãnh đạo Bộ Y tế báo cáo trước Quốc hội việc triển khai chiến lược vắc - xin rất hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực từ mua nhập khẩu, nghiên cứu sản xuất trong nước, tổ chức chiến dịch tiêm chủng. Đến nay Việt Nam đã có những thỏa thuận đơn hàng hợp đồng lên tới gần 200 triệu liều, đã tiếp nhận khoảng 125 triệu liều, tốc độ đưa vắc xin về nước trong cuối năm nay được đẩy nhanh.

Chiến dịch tiêm chủng vắc xin đang được triển khai rất thành công. Tính đến ngày 7/11, cả nước đã tiêm được hơn 90 triệu liều, với hơn 83,8% số người từ 18 tuổi đã được tiêm ít nhất một liều và hơn 40% số người 18 tuổi trở lên được tiêm đủ 2 mũi. Số lượng vắc xin hiện tại đã đảm bảo đủ liều vào cuối năm nay, đồng thời triển khai kế hoạch tiêm mũi thứ ba vào cuối năm nay và đầu năm sau.

Đối với vấn đề y tế cơ sở và y tế dự phòng, theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, thời gian qua, y tế cơ sở, y tế dự phòng luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm. Chính phủ đã ban hành Quyết định 2348 ngày 5/12/2016 xây dựng y tế cơ sở trong tình hình mới. Các đề án 47 và 930 đã đầu tư cho tuyến huyện trước năm 2011. Hiện nay đã và đang huy động một số dự án ODA đầu tư cho trạm y tế tuyến xã, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân được tiếp cận với các dịch vụ y tế chất lượng ngay tại cơ sở.

Tuy nhiên, lãnh đạo ngành Y tế thừa nhận hệ thống y tế cơ sở y tế dự phòng vẫn tồn tại nhiều khó khăn, hạn chế và chưa đáp ứng được năng lực phòng chống dịch, nhất là khi xảy ra tình huống đại dịch trong thời gian qua. Trong thời gian tới Chính phủ, Bộ Y tế sẽ tập trung củng cố, hoàn thiện tổ chức mạng lưới cơ cấu lại hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở; tăng cường đầu tư, thúc đẩy đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đổi mới cơ chế tài chính và mở rộng việc cung ứng dịch vụ y tế cơ sở.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, Việt Nam là một trong 20 nước trên thế giới có số liều vắc-xin tiêm chủng nhiều nhất, đứng thứ hai trong khu vực Đông Nam Á, sau Indonesia và là một trong nhóm ba nước có tốc độ tiêm nhanh nhất. Ngoài ra, chúng ta đang thúc đẩy việc nghiên cứu chuyển giao sản xuất vắc-xin trong nước với hai vắc-xin đang thử nghiệm giai đoạn 3, một vắc-xin đang thử nghiệm giai đoạn 2, cùng với các thỏa thuận chuyển giao công nghệ với các quốc gia trên thế giới, để từng bước chủ động nguồn vắc - xin trong nước.