“Mập mờ đánh lận con đen”

Thông tin về gian lận xuất xứ hàng hóa hiện đang tràn lan ở bất cứ trang mạng nào, khiến người tiêu dùng hoang mang. Thực tế cho thấy, người mua hàng thường trước hết là mua bằng niềm tin, "mua" uy tín từ người bán hàng.

Do đó, khi các loại hàng hóa - nhất là loại hàng được coi là "hàng hiệu", hàng cao cấp được bán ở các siêu thị - nơi mà người ta thường tin tưởng là "làm ăn bài bản, đàng hoàng", cũng còn bị nghi vấn, bị phanh phui gian lận, thì tất yếu sẽ làm lung lay niềm tin cho người tiêu dùng.

Ngày càng có nhiều khách hàng tìm đến những chuỗi cửa hàng nhập khẩu mang thương hiệu các quốc gia uy tín Ảnh: Hoàng Giang

Một thời, nắm bắt được tâm lí "sính ngoại" của người tiêu dùng, nhiều cửa hàng kinh doanh hàng hoá xách tay mọc lên như nấm tại các con phố chuyên về các mặt hàng thời trang như Nguyễn Sơn, Hàng Da, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Thái Học (Hà Nội)… Khi được hỏi về nguồn gốc hàng xách tay, hầu hết các chủ cửa hàng đều cho biết, hàng hoá do nguồn từ các tiếp viên hàng không cung cấp, hoặc do người nhà ở nước ngoài gửi về.

Không chỉ hoạt động mạnh tại các con phố thương mại sầm uất, lãnh địa kinh doanh hàng xách tay còn phát triển rầm rộ trên các chợ mạng, chợ ảo online. Bên cạnh các mặt hàng mỹ phẩm, thời trang là vô số các loại đồ điện tử như điện thoại, laptop với đủ loại nhãn hiệu nước ngoài…

Tuy nhiên, gần đây các cửa hàng bán đồ “xách tay” cũng không còn được người tiêu dùng hâm mộ như trước đây, vì những nghi vấn về xuất xứ và hạn sử dụng. Ngay cả hàng giả cũng không kiêng nể gì lãnh địa này.

Hàng giả hiện nay làm tinh vi đến mức nhìn từ bên ngoài không thể phân biệt được, dù để hai sản phẩm thật - giả cạnh nhau. Thậm chí, có lãnh đạo công ty xuất nhập khẩu còn cho biết, ngay cả mã vạch, tem phụ tiếng Việt là những công cụ để chứng minh nguồn gốc hàng hóa, thì sản phẩm giả cũng có đầy đủ y như thật.

Các cửa hàng chuyên đồ Đức, Nga, Nhật... được lựa chọn

Trước tình trạng thật giả khó phân minh như vậy, những cửa hàng chỉ bán chuyên hàng hóa xuất xứ từ 1 nước, như cửa hàng đồ Đức (nằm trong Hệ thống Ngôi nhà Đức), cửa hàng bán đồ Nga, Nhật, Thái Lan, đang là lựa chọn của khá nhiều người tiêu dùng.

Các cửa hàng này được những khách Việt đã từng học tập và lao động tại các quốc gia nói trên ưa thích. Đặc biệt mỗi khi “xuất ngoại” trở về mà không chuẩn bị đủ quà cáp cho người thân, những cửa hàng trên là điểm đến thích hợp nhất.

Một vụ việc gần đây được phát giác, điển hình cho sự mập mờ, làm mất niềm tin của người tiêu dùng vào “hàng hiệu” - đó là một cơ sở nhập khẩu toàn các sản phẩm có thương hiệu nổi tiếng như Gucci, Valentino, D&G, Galliano..., nhưng lại khai giá chỉ từ 1,7-5,25 USD/sản phẩm. Khai giá như trên là “chiêu” trốn thuế, hay là giá nhập hàng thực sự? Việc này là một “cú đòn” giáng vào những người tiêu dùng tôn sùng đồ ngoại.

Những món đồ đã trở thành “thương hiệu” quốc gia đều có thể tìm thấy ở nơi đây. Trứng cá muối, búp bê Maruska, lật đật, phomai dây, vodka (cửa hàng Nga); kem Nivea, xà phòng Fa, thuốc nhuộm tóc, dầu gội đầu và sữa (cửa hàng Đức)… là những món hàng rất được ưa chuộng và luôn có khách quen.

Một số chủ cửa hàng bán đồ từ Nga, Đức cho biết. “Chúng tôi nhập khẩu hàng hóa ở cơ sở quen từ những năm đi lao động ở nước ngoài, nên đặc biệt uy tín. Hàng bán trong hệ thống cửa hàng không hề có pha trộn hàng hóa sản xuất ở bất cứ nơi nào khác...”.

Đến một cửa hàng chuyên đồ Đức, nằm trong chuỗi cửa hàng “Ngôi nhà Đức”, tại Ngã tư Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến (Hà Nội), khách hàng có thể thấy cả những bức ảnh của chủ cửa hàng sang liên kết làm ăn với đối tác Đức. Hàng ngoại nhưng giá cả phải chăng, phù hợp với người có thu nhập trung bình ở Việt Nam.

Tại các đô thị lớn của Việt Nam, người ta không còn xa lạ gì với những cửa hàng bán đồ ăn, thức uống của Nhật Bản; gần đây là những sản phẩm mỹ phẩm, hàng tiêu dùng cao cấp. Cách đây chừng hơn 2 tháng, 30 doanh nghiệp Nhật Bản hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ như ăn uống, bán lẻ, chăm sóc sắc đẹp, khách sạn... đã tới Việt Nam để tìm cơ hội hợp tác đầu tư. Người ta dự đoán, chẳng bao lâu sẽ có một cuộc “đổ bộ” hàng hóa Nhật vào thị trường bán lẻ Việt Nam, trong đó không thể thiếu chuỗi cửa hàng tiện lợi./.

Cách phân biệt thật - giả của túi xách mang thương hiệu cao cấp

Một mẹo hàng đầu là tìm kiếm các mã nối tiếp, thường ẩn trên một dải chất liệu ở bên trong một ngăn nhỏ hoặc ngăn chính, đây là tiêu chuẩn của túi xách Louis Vuitton và Gucci.

Chất liệu có thể cho bạn biết rất nhiều về chất lượng của túi. Da thật có mùi đặc trưng của nó, bền và dai. Cần xem xét kỹ đường may và lớp lót của túi, túi thật thường sẽ được lót bằng da. Đường may cẩu thả, nghiêng và không đồng đều là một dấu hiệu của sản phẩm kém chất lượng.

Ngoài việc chú ý kiểm tra nhãn mác bên ngoài, logo trên sản phẩm, còn cần kiểm tra cả nhãn bên trong, chiếc túi giả sẽ không có nhãn mác bên trong.

KT