ck

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước tổ chức phổ biến các quy định mới về giao dịch chứng khoán trực tuyến tại TP. Hồ Chí Minh.

Chứng khoán phái sinh có hút vốn từ thị trường cơ sở?

Trước đó, tại phiên giao dịch ngày 6/7, thị trường chứng khoán phái sinh lập kỷ lục mới về thanh khoản với 164.872 hợp đồng tương lai (HĐTL), tương đương 14.705 tỷ đồng, tức gấp 3 lần giao dịch trên thị trường cơ sở. Sau đó, tại phiên giao dịch ngày 10/7, thanh khoản trên thị trường phái sinh tiếp tục đạt cao với 164.083 HĐTL được khớp lệnh, tăng 11% so với phiên trước. Giá trị giao dịch danh nghĩa cũng lên đến 14.447 tỷ đồng.

Có thể nói, thị trường phái sinh phát huy lợi thế giúp nhà đầu tư (NĐT) tận dụng được xu hướng giá xuống và giao dịch trong ngày T+0. Vì thế, thanh khoản thị trường phái sinh tăng là hệ quả của sự thiếu cơ hội đầu tư trên thị trường cơ sở. Mặc dù thanh khoản gia tăng, giao dịch trong ngày chiếm đại đa phần các giao dịch phái sinh. Khối lượng giao dịch trong ngày gấp khoảng 10 lần khối lượng mở (OI) cuối ngày. Đây cũng là điểm khác biệt rất lớn giữa thị trường Việt Nam và các thị trường phát triển, nơi khối lượng giao dịch là thiểu số so với OI do xu hướng đầu tư mang tính dài hạn hơn.

Cùng với khối lượng giao dịch gia tăng, khối lượng mở cũng có sự cải thiện, tuy nhiên mức tăng không đáng kể. Trong khi khối lượng giao dịch bình quân phiên trong một tháng gần đây đã tăng gấp 3 lần mức độ giao dịch hồi đầu năm, từ 40.000 HĐ lên 130.000 HĐ/phiên, OI chỉ tăng nhẹ từ mức trung bình hơn 10.000 HĐ lên 14.000 HĐ trong tháng 7.

Bên cạnh đó, do giá trị một hợp đồng đã giảm đáng kể, tổng giá trị OI vẫn chỉ ở khoảng 1.200 tỷ đồng, tăng nhẹ so với mức 1.000 tỷ đồng trong những tháng đầu năm. Đây là tổng giá trị danh nghĩa của các HĐTL đang giao dịch, giá trị thực tế của dòng vốn đầu tư vào thị trường nhỏ hơn do hiệu ứng đòn bẩy phái sinh. Giá trị này không đáng kể so với lượng tài sản trên thị trường cơ sở và thực tế cũng tăng không nhiều khi thị trường cơ sở lao dốc. Do đó, không có đủ cơ sở để cho rằng, thị trường phái sinh đã hút vốn từ thị trường chứng khoán cơ sở.

Điều chỉnh tỷ lệ ký quỹ ảnh hưởng thế nào đến thị trường phái sinh?

Từ ngày 18/7, tỷ lệ ký quỹ ban đầu được Trung tâm Lưu ký Chứng khoán Việt Nam (VSD) nâng từ mức 10% lên 13% nhằm giảm thiểu rủi ro trên thị trường phái sinh. Việc nâng tỷ lệ ký quỹ ban đầu đồng nghĩa với việc cắt giảm tỷ lệ đòn bẩy đối với NĐT phái sinh. Tỷ lệ ký quỹ thực tế sau khi tính toán cộng thêm các ngưỡng sử dụng tài khoản cho phép và biên độ dao động giá sẽ cao hơn tỷ lệ ký quỹ thông báo. Với tỷ lệ ký quỹ 10% như trước đây, tỷ lệ ký quỹ thực tế tối thiểu các công ty chứng khoán (CTCK) có thể áp dụng là 12,5%, tương đương tỷ lệ đòn bẩy là 1:8. Với tỷ lệ ký quỹ mới áp dụng là 13%, tỷ lệ ký quỹ thực tế cũng phải nâng lên tương ứng trên 16% để đảm bảo cho các CTCK không vi phạm quy chế của VSD, tương đương tỷ lệ đòn bẩy giảm xuống 1:6.

Mặc dù tỷ lệ đòn bẩy giảm, các lợi thế về giao dịch T+0 và bán trước mua sau trong xu thế giá xuống vẫn là lợi thế quan trọng của các hợp đồng tương lai. Việc tăng tỷ lệ ký quỹ sẽ dẫn đến một số tài khoản bị gọi bổ sung ký quỹ. Tuy nhiên NĐT có thể lựa chọn bổ sung ký quỹ để duy trì số lượng hợp đồng đang nắm giữ, hoặc đóng bớt vị thế hợp đồng mà không cần phải bổ sung tiền. Do đó, quyết định nâng tỷ lệ ký quỹ sẽ không tác động nhiều tới dòng tiền trên thị trường phái sinh cũng như thị trường cơ sở, bởi việc thay đổi tỷ lệ ký quỹ chính là công cụ để các sở giao dịch điều tiết thị trường bằng cách điều chỉnh linh hoạt tỷ lệ này phù hợp với diễn biến thị trường và mức độ rủi ro hiện hữu. Cụ thể là nhà điều hành có thể nâng tỷ lệ ký quỹ khi nhận thấy rủi ro thị trường đang có xu hướng gia tăng và giảm tỷ lệ ký quỹ khi rủi ro giảm bớt.

Theo các chuyên gia CTCK Sài Gòn, NĐT chỉ cần lưu ý hai yếu tố liên quan đến việc tăng tỷ lệ ký quỹ với giao dịch phái sinh. Thứ nhất, đó là cần tăng tỷ lệ ký quỹ khi nhận thấy rủi ro thị trường tăng. Rủi ro ở đây phải hiểu là liên quan đến biến động giá chứ không phải xu hướng giá. Thước đo rủi ro vì vậy không phải là mức tăng giảm giá mà là độ lệch chuẩn (standard deviation). Ngay cả khi thị trường tăng, nhưng mức biến động giá lớn thì việc tăng tỷ lệ ký quỹ cũng có thể thực hiện để giảm thiểu việc chạm ngưỡng cảnh báo hoặc thua lỗ lớn cho NĐT.

Thứ hai, tỷ lệ ký quỹ không chỉ có một chiều tăng mà có tăng và có giảm. Khi biến động thị trường giảm bớt, cụ thể độ lệch chuẩn giảm thì cũng cần giảm tỷ lệ ký quỹ để tăng tỷ lệ đòn bẩy, từ đó tăng khả năng sinh lời và hấp dẫn với NĐT.

Châu Đỗ