Tạo điều kiện thuận lợi nhất triển khai đầu tư dự án

Trên thực tế, việc đầu tư một siêu dự án như cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 2 còn trực tiếp tạo ra công ăn việc làm, thúc đẩy các hoạt động phụ trợ phục vụ cho các dự án giao thông từ sắt thép, xi măng, các vật liệu khác. Theo tiến độ Quốc hội yêu cầu, dự án cao tốc Bắc - Nam cần phải hoàn thành trong thời gian rất nhanh. Chính vì vậy, ở các khâu trong triển khai dự án này (từ chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, thi công…) đều phải có cách làm đặc biệt.

Sớm hoàn thành cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2
Cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận

Với kinh nghiệm giải phóng mặt bằng (GPMB) từ các dự án giao thông trọng điểm thời gian qua, các địa phương trên tuyến cao tốc đi qua sẽ sẵn sàng vào cuộc để đảm bảo tiến độ, hiệu quả công tác GPMB, bàn giao dự án. Đối với các đoạn tuyến đi sát, gần khu vực các công trình hồ chứa nước, dự án đòi hỏi nghiên cứu kỹ và có giải pháp kỹ thuật phù hợp để đảm bảo an toàn cho công trình. Trong nội dung đánh giá, dự báo nhu cầu và khả năng cung ứng vật liệu xây dựng thông thường tại các địa phương, các dự án cần xác định cụ thể nhu cầu sử dụng vật liệu của từng dự án thành phần để địa phương căn cứ vào trữ lượng dự kiến của các mỏ hiện có trong quy hoạch và các mỏ đã được cấp phép còn thời hạn để kịp thời điều chỉnh, bổ sung nhằm chủ động được nguồn nguyên vật liệu cung cấp cho dự án.

Theo đó, để quản lý quỹ đất trong phạm vi thực hiện dự án, thuận lợi trong thực hiện công tác bồi thường, GPMB, tái định cư và triển khai dự án, các tỉnh giao sở giao thông vận tải (GTVT) là cơ quan đầu mối chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ GTVT và tư vấn để cung cấp các thông tin về tọa độ, hướng tuyến của dự án. Sở tài nguyên & môi trường được giao rà soát, bổ sung thêm các mỏ vật liệu đất đắp nền đường theo nghị quyết của Chính phủ; đồng thời tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo đẩy nhanh các thủ tục cấp giấy phép khai thác, nâng công suất khai thác các mỏ khác.

UBND các huyện, thị xã trên cơ sở hướng tuyến đã được xác định trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, giữ nguyên hiện trạng, không bố trí thực hiện các công trình, dự án của địa phương nằm trong phạm vi hướng tuyến dự án; không để các tổ chức, cá nhân xây dựng, cơi nới các công trình trong phạm vi hướng tuyến dự án, kịp thời chấn chỉnh và xử lý các trường hợp vi phạm…

Phê duyệt dự án đầu tư rất quan trọng

Hiện tại, Bộ GTVT đang xây dựng dự thảo nghị quyết của Chính phủ để triển khai nghị quyết của Quốc hội về việc xây dựng dự án.

Quá trình thực hiện dự án, bước lập, phê duyệt dự án đầu tư rất quan trọng và trải qua nhiều quy trình thủ tục nhất. Đặc biệt, việc chuyển đổi đất trồng rừng, đất trồng lúa phải trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, chấp thuận chủ trương mới đủ điều kiện phê duyệt dự án. Các bước thủ tục liên quan đến các vấn đề này không thể rút gọn vì luật hiện hành quy định. Do vậy, các cơ quan được giao nhiệm vụ cần xây dựng phương án rút ngắn thời gian thẩm định. Tư vấn lập hồ sơ đến đâu phải xem ngay đến đó, không đợi hồ sơ xong mới thẩm tra, thẩm định sẽ kéo dài thời gian.

Địa phương cũng cần khẩn trương vào cuộc triển khai một số thủ tục ngay từ khi có nghị quyết của Chính phủ và ngay khi Bộ GTVT bàn giao mốc GPMB như: Thành lập hội đồng thẩm định GPMB, lập kế hoạch công bố thu hồi đất, quy hoạch sử dụng đất, đo đạc dải thửa, phương án GPMB, các công tác nội nghiệp chuẩn bị sẵn sàng cho dự án.

Bên cạnh đó, thời gian từ khi Chính phủ ban hành nghị quyết triển khai đến năm 2025 là khoảng 47 tháng. Để đảm bảo tiến độ hoàn thành dự án như mục tiêu đề ra, thời gian chuẩn bị các công việc để khởi công, thi công xây dựng (phê duyệt dự án, phê duyệt thiết kế và dự toán, lựa chọn nhà thầu, GPMB, chuẩn bị nguồn vật liệu xây dựng…) chỉ còn khoảng 11 - 15 tháng. Vì vậy, việc chỉ định thầu để đẩy nhanh tiến độ dự án là rất cần thiết để rút ngắn đáng kể thời gian vì không phải tổ chức đấu thầu. Từ khâu thiết kế đến thi công có thể giảm từ 6 - 8 tháng. Tuy nhiên, phải giá, tiêu chí chỉ định thầu rất rõ ràng, sàng lọc tư vấn, nhà thầu kém chất lượng, đảm bảo dự án không chỉ nhanh về tiến độ mà còn đảm bảo về chất lượng.

Theo quy định hiện hành, thời gian thẩm định đối với báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thuộc chương trình đầu tư công là 45 ngày (trong trường hợp không có vấn đề phát sinh, chỉnh sửa). Vì vậy, để dự án có thể khởi công sớm, Chính phủ cần nghiên cứu, xem xét, ấn định giới hạn, rút ngắn thời gian thẩm định hồ sơ của các bên liên quan.

Nếu các vấn đề trên được thực hiện rút ngắn, báo cáo nghiên cứu khả thi dự án cao tốc Bắc - Nam có khả năng trình duyệt được vào tháng 6/2022 thay vì tháng 9, tháng 10/2022 như thực hiện thủ tục thông thường.

Địa phương có dự án đi qua triển khai các thủ tục liên quan đến GPMB ngay sau khi Bộ GTVT bàn giao cọc GPMB, rút ngắn thời gian để địa phương tiếp cận cọc GPMB và thực hiện các công việc thu hồi GPMB từ 3 - 5 tháng. Các cơ chế đặc thù được áp dụng, việc khởi công dự án có thể thực hiện vào cuối năm 2022.