Thi công sửa chữa mặt đường bằng công nghệ bê tông siêu mịn.
Xây dựng nhiều công trình giao thông quan trọng
Theo Tổng cục ĐBVN, trải qua quá trình xây dựng, ngành giao thông vận tải (GTVT) đường bộ luôn là “xương sống” của mọi hoạt động GTVT. Thời kỳ đổi mới, xây dựng đất nước (1986 - 2000), nhờ những chính sách đúng đắn, ngành GTVT đường bộ đã từng bước phát huy nội lực, mở rộng giao lưu trong nước và khu vực. Các chính sách hội nhập, mở cửa tăng cường quan hệ quốc tế đã thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện cho ngành có điều kiện áp dụng công nghệ mới xây dựng kết cấu hạ tầng (KCHT) giao thông.
Ngành GTVT đường bộ đã xây dựng hàng nghìn cây cầu lớn và vừa trên các quốc lộ, tỉnh lộ, giải quyết được nhiều điểm vượt sông trước đây ách tắc, khó khăn. Đặc biệt là có bước trưởng thành vượt bậc về kỹ thuật, công nghệ thi công cầu đường, tiêu biểu là các cầu: Thăng Long, Chương Dương, Bến Thủy, Phong Châu, Hoàng Long, Sông Gianh, Phú Lương...; các tuyến đường quan trọng như: QL5, QL1, QL80, QL10, QL18 một số tuyến đường cao tốc, đường Hồ Chí Minh và nhiều công trình quan trọng khác.
Trên cơ sở hệ thống giao thông phát triển, vận tải cũng có sự thay đổi và phát triển mạnh mẽ. Khối lượng vận tải đường bộ luôn chiếm 70 - 80% trong tổng khối lượng vận tải toàn ngành, đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa, cải thiện rõ rệt điều kiện đi lại của nhân dân…
Áp dụng nhiều công nghệ mới trong quản lý
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục ĐBVN Nguyễn Văn Huyện, hiện nay Tổng cục ĐBVN đang quản lý 166 quốc lộ với chiều dài trên 25.500km, trên 1.000km đường cao tốc, 7.450 cầu được quản lý bằng phần mềm VBMS, đồng thời quản lý 2.376km quốc lộ thuộc các dự án BOT.
Trong điều kiện nguồn vốn mới đáp ứng khoảng 40% nhu cầu, nhưng Tổng cục ĐBVN đã đổi mới công tác kế hoạch, bố trí vốn thực hiện thứ tự ưu tiên cho công tác bảo trì, xử lý các điểm đen, sửa chữa kịp thời các cầu yếu, sửa chữa lớn, sửa chữa vừa các tuyến huyết mạch.
Đặc biệt, từ năm 2018 đã đấu thầu bảo trì đường bộ qua mạng thay hình thức đấu thầu bằng hồ sơ giấy trước đây. Cùng với đó, từ năm 2013 đến nay, ngành GTVT đường bộ đã xóa trên 700 điểm đen tai nạn giao thông.
Việc quản lý chất lượng bảo dưỡng sửa chữa đường bộ được tăng cường cả về xây dựng thể chế và tổ chức, chất lượng tuổi thọ cầu đường ngày càng tăng, tải trọng và tốc độ khai thác được nâng cao, góp phần gìn giữ hạ tầng giao thông, tiết kiệm ngân sách, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Bên cạnh đó, ngành GTVT đường bộ cũng đã hoàn thành cơ bản việc nâng cấp toàn tuyến trục dọc “xương sống” của đất nước như QL1 từ Lạng Sơn đến Cà Mau; đường Hồ Chí Minh. Các cầu lớn như: Cần Thơ, Mỹ Thuận, Thanh Trì, Bãi Cháy, Phú Lương, sông Gianh, Tân Đệ, Hàm Luông, Rạch Miễu, Cổ Chiên, Vàm Cống được hoàn thành. Nhiều tuyến quốc lộ khác được đầu tư, nâng cấp như: QL6; QL14, QL61...
Nhiều tuyến cao tốc được xây dựng như: Cầu Giẽ - Ninh Bình, Hà Nội - Hải Phòng, Hà Nội - Thái Nguyên, Hà Nội - Lào Cai, Dầu Giây - Phan Thiết, Bến Lức - Long Thành.
Lĩnh vực phương tiện và người lái, đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe cũng được quản lý hiện đại, chặt chẽ góp phần kiềm chế gìn giữ trật tự an toàn xã hội, giảm tai nạn giao thông. Bên cạnh đó, vận tải đường bộ đã thực hiện đúng mục tiêu chung trong chiến lược đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đó là: Phát triển vận tải theo hướng hiện đại, chất lượng cao với chi phí hợp lý, an toàn, hạn chế ô nhiễm môi trường và tiết kiệm năng lượng.
Ông Nguyễn Văn Huyện cũng chia sẻ thêm, phát huy truyền thống 75 năm xây dựng và phát triển, ngành GTVT đường bộ sẽ tiếp tục đoàn kết, nỗ lực phấn đấu hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Mỗi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành đường bộ tiếp tục ý thức sâu sắc về trách nhiệm của mình về sứ mệnh “đi trước mở đường”, phát triển và giữ vững mạch máu giao thông của đất nước đúng như lời Bác Hồ đã căn dặn.
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam - Nguyễn Văn Huyện, hiện nay Tổng cục Đường bộ Việt Nam đang quản lý 166 quốc lộ với chiều dài trên 25.500km, trên 1.000km đường cao tốc, 7.450 cầu được quản lý bằng phần mềm VBMS, đồng thời quản lý 2.376km quốc lộ thuộc các dự án BOT. |
Trí Dũng - Văn Nam