Luật đã thúc đẩy sự phát triển lĩnh vực kế toán

Phát biểu tại hội thảo "Những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán" do Bộ Tài chính tổ chức ngày 5/5/2023, ông Vũ Đức Chính - Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát kế toán, kiểm toán, Bộ Tài chính cho biết, thực hiện các nội dung của Chiến lược kế toán, kiểm toán đến năm 2030, Bộ Tài chính đã xây dựng báo cáo đánh giá tình hình triển khai Luật Kế toán 2015. Trong đó, Bộ Tài chính đã nhấn mạnh tới công tác chỉ đạo, điều hành và tổ chức triển khai thực hiện luật, đánh giá kết quả chủ yếu trong thi hành Luật Kế toán, những vấn đề phát sinh, vướng mắc trong quá trình triển khai luật.

Theo ông Chính, Luật Kế toán số 88/2015/QH13 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 20/11/2015, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2017 đã phát huy tác dụng, đi vào cuộc sống, góp phần thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực kế toán Việt Nam nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung.

Sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán phù hợp với yêu cầu chuyển đổi số
Hội thảo "Những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán" diễn ra ngày 5/5/2023. Ảnh: Đức Minh

Tuy nhiên, theo đại diện Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán, sau khi triển khai, bên cạnh đạt được một số kết quả nhất định thì cũng xuất hiện một số tồn tại, hạn chế. Đơn cử như, việc mở cửa thị trường, hội nhập quốc tế đòi hỏi các cơ chế chính sách về tài chính, kế toán phải điều chỉnh kịp thời.

Trong bối cảnh Việt Nam có kế hoạch áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) và sửa đổi Chuẩn mực quốc gia theo định hướng IFRS, việc thiếu khuôn khổ pháp lý để thừa nhận việc áp dụng IFRS, cũng như còn nhiều xung đột giữa cơ chế tài chính và chuẩn mực kế toán đã gây nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình lập và trình bày báo cáo tài chính của các doanh nghiệp.

Các khác biệt về cơ chế chính sách liên quan đến chính sách thuế, hoặc các quy định khác dẫn đến việc các đơn vị dường như chỉ quan tâm và tập trung đến việc thực hiện theo chính sách thuế, hoàn tất các thủ tục để thực hiện nghĩa vụ thuế, không quan tâm nhiều đến việc thực hiện theo quy định của kế toán để cung cấp thông tin tài chính của đơn vị theo quy định của Luật Kế toán, chuẩn mực kế toán.

Sửa đổi cho phù hợp thực tiễn

Cũng theo ông Vũ Đức Chính, cách mạng công nghệ cùng với yêu cầu của quá trình số hóa, nhất là quá trình chuyển đổi số, dẫn đến các quy định về kế toán trong Luật Kế toán hiện hành chưa theo kịp thực tế. Các đơn vị phản ánh vướng mắc trong việc thực hiện ký chứng từ, luân chuyển xử lý chứng từ, lưu trữ tài liệu kế toán...

Mặc dù các giao dịch kinh tế trên phương tiện điện tử hiện nay được thực hiện theo quy định của Luật Giao dịch điện tử và các luật chuyên ngành khác, tuy nhiên trong phạm vi Luật Kế toán, cũng cần có những quy định để làm rõ hơn, đồng bộ với Luật Giao dịch điện tử và các quy định pháp luật khác có liên quan và phù hợp với quá trình chuyển đổi số.

Chứng từ kế toán cần được quy định trên phương diện điện tử

Các quy định hiện nay về chứng từ, sổ kế toán, báo cáo tài chính và các tài liệu kế toán khác chủ yếu hướng theo quy định trên giấy, đồng thời quy định thêm cho các trường hợp giao dịch điện tử. Vì vậy, các quy định về chứng từ kế toán điện tử, lập và lưu trữ chứng từ kế toán, ký chứng từ kế toán cần được quy định chủ yếu trên phương diện điện tử.

Ông Trịnh Đức Vinh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát kế toán, kiểm toán cho rằng, quá trình số hóa và chuyển đổi số, hiện đại hóa công nghệ thông tin trong lĩnh vực kế toán không chỉ đòi hỏi việc ứng dụng tại các đơn vị kế toán, mà còn phải sửa đổi, bổ sung các quy định pháp lý về kế toán phù hợp với môi trường điện tử.

Ông Trịnh Đức Vinh đưa ra câu hỏi, việc quy định bắt buộc phải có chữ ký (kể cả dạng chữ ký tay hay chữ ký điện tử) trên mọi chứng từ kế toán có còn phù hợp với thực tế khi doanh nghiệp ghi chép lại một số hoặc toàn bộ hoạt động kế toán và gửi nhận dữ liệu (hóa đơn, hợp đồng, chứng từ...) trên phương tiện điện tử hay không? Ngoài ra, một số quy định về nội dung công tác kế toán, từ khâu chứng từ, tài khoản, sổ kế toán, báo cáo tài chính, báo cáo quản trị cần được rà soát, đánh giá để quy định phù hợp.

Để đáp ứng yêu cầu số hóa và chuyển đổi số, một số quy định trong Luật Kế toán cần được nghiên cứu, chỉnh sửa, đó là: Rà soát các quy định về chứng từ kế toán, sổ kế toán, sữa chữa sai sót kế toán không phù hợp với thực tế ứng dụng công nghệ thông tin hiện nay, cần phải được sửa đổi cho phù hợp; rà soát các quy định về chữ ký trên chứng từ kế toán, tài liệu kế toán và các nội dung khác liên quan, để có sửa đổi phù hợp với việc tạo lập, luân chuyển, xử lý và lưu trữ bằng phương tiện điện tử, icloud… Các nội dung này cần phù hợp, đồng bộ với việc triển khai hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc./.