Sửa luật là giải pháp căn cơ giải quyết vấn đề nợ bảo hiểm
Đảm bảo quyền lợi cho người lao động là ưu tiên hàng đầu. Ảnh minh họa

Nợ bảo hiểm xã hội chiếm 2,91% số thu

Thông tin về tình trạng nợ bảo hiểm xã hội (BHXH), ông Dương Văn Hào - Trưởng ban Quản lý Thu - Sổ thẻ (BHXH Việt Nam) cho biết, trong những năm qua, đặc biệt là thời kỳ Covid-19, hoạt động của doanh nghiệp (DN) hết sức khó khăn, nhiều DN giải thể, phá sản. Vì vậy, nhiều DN không có tiền trả lương cho người lao động dẫn đến nợ BHXH, mặc dù đã có nhiều chính sách tạm dừng đóng vào Quỹ BHXH, tạm miễn, hoãn các khoản đóng góp. Tuy nhiên, với sự khó khăn DN không có nguồn để đóng BHXH nên số nợ, đặc biệt là số phát sinh của năm 2021 - 2022 vẫn tồn tại. Cũng theo ông Hào, tổng số nợ trên là số tồn tích từ thời gian BHXH Việt Nam thành lập (1995) cho đến nay. Số nợ này được ghi nhận rất chi tiết các DN nợ và người lao động đã có thời gian làm ở các DN này.

Dựa trên thẩm quyền của mình, BHXH Việt Nam đã quyết liệt thực hiện các giải pháp giảm nợ, từ việc nắm bắt đơn vị, đôn đốc, gửi thông tin, thông báo, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng, thực hiện thanh tra, kiểm tra phối hợp với các cơ quan đến gửi sang các cơ quan có thẩm quyển để xử lý hình sự, khởi kiện ra tòa. Ông Nguyễn Thế Mạnh - Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam cho biết: “Ngành BHXH đã cố gắng làm hết trách nhiệm quản lý để đòi nợ, đảm bảo quyền lợi cho người lao động. Chúng tôi đã làm hết sức quyết liệt nên số nợ BHXH đã giảm. Số nợ chung BHXH, bảo hiểm y tế từ chiếm 5,6% tổng thu năm 2016 đến nay chỉ còn chiếm 2,91% tổng số thu”.

Liên quan đến thông tin mà nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm về con số hơn 200.000 người bị "treo" sổ tại các DN đã giải thể, ngừng hoạt động, ông Mạnh cho biết, sau khi chuẩn hóa lại số liệu thì hiện chỉ còn khoảng 120.000 người lao động bị ảnh hưởng, số còn lại đã được giải quyết quyền lợi thỏa đáng. Cụ thể, có 2.291 người đã được giải quyết chế độ hưu trí, 535 người đã được giải quyết chế độ tử tuất, 27.415 người đã được giải quyết chế độ một lần, 34.574 người đã được xác nhận thời gian tham gia BHXH để bảo lưu quá trình đóng, 77.627 người đang tiếp tục tham gia ở các DN mới…

Sửa luật để đảm bảo quyền lợi cho người lao động

Theo ông Nguyễn Thế Mạnh, thu hồi nợ là công việc rất khó khăn. Để giảm nợ thì phương pháp phải quyết liệt. Theo đó, cơ quan BHXH căn cứ vào cơ sở dữ liệu đã có để chuẩn hóa và phân loại nợ theo tuổi nợ, đối tượng nợ để trên cơ sở đó quản lý, thu hồi nợ. Từ cơ sở dữ liệu đó, cơ quan BHXH nắm bắt sức khỏe của DN, thực hiện đôn đốc bằng nhiều cách như: Văn bản, email, kể cả công khai trên phương tiện thông tin đại chúng.

“Chúng tôi hiểu rằng, nợ là tất yếu của nền kinh tế, đặc biệt trong lúc khó khăn, không những nợ BHXH mà DN còn nợ nhiều khoản khác với nhà nước, ngân hàng… Nhưng ngành BHXH cố gắng làm hết trách nhiệm quản lý để đòi nợ, sau đó mới tiến hành thanh tra, kiểm tra, nếu có dấu hiệu vi phạm thì chuyển cơ quan công an điều tra” - ông Mạnh thông tin.

Cũng theo ông Mạnh, trong cơ cấu nợ của 2,7 triệu người lao động bị nợ BHXH, ngoài nợ BHXH của lao động ở đơn vị giải thể phá sản thì gần 2,4 triệu lao động bị nợ trong các DN khác. Nhưng so với tuổi nợ thì số nợ trong các DN chỉ trên 1 tháng và các DN đó vẫn đang hoạt động. Đó là số nợ gối đầu, nợ luân chuyển, thường thì 1 tháng, 2 tháng lại đòi được, nên 2,4 triệu người lao động ở DN này khi giải quyết chế độ đến tuổi hưu, các chế độ khác thì cơ bản BHXH Việt Nam phối hợp với DN xử lý bằng được nợ, giải quyết quyền lợi cho người lao động.

Về số lao động bị nợ BHXH trong các DN bị giải thể phá sản, ông Dương Văn Hào cho biết, trước thực trạng nhiều DN phá sản, ngừng hoạt động, không còn người đại diện DN, không có ai đứng ra trả được khoản tiền nợ BHXH cho người lao động, trong báo cáo số 193 của Chính phủ năm 2017 có nêu, có đề xuất 2 hướng xử lý. Một là, xử lý từ nguồn Quỹ BHXH, hai là lấy từ nguồn ngân sách. Tuy nhiên, hiện cả 2 hướng đó đều chưa được giải quyết.

Theo công văn mới nhất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH), tất cả những người có thời gian thực đóng đủ chế độ hưu trí, đủ điều kiện thì được giải quyết. Sau này nếu có một nguồn tiền hợp pháp nào đó để đóng bù cho thời gian nợ này thì lúc đó, cơ quan BHXH sẽ ghi nhận lại thời gian đóng và tính lại cho người lao động. Tuy nhiên, đây là giải pháp mang tính tình thế. Còn theo Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam, giải pháp căn cơ cho vấn đề này là sửa Luật BHXH. BHXH Việt Nam đang phối hợp với Bộ LĐTBXH kiến nghị, sửa đổi các chính sách để đảm bảo quyền lợi cho người lao động.

Kiến nghị sớm có nghị quyết về xử lý nợ bảo hiểm xã hội

Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam kiến nghị Quốc hội sớm ban hành nghị quyết về xử lý nợ BHXH với doanh nghiệp (DN) đã phá sản, giải thể, chủ là người nước ngoài bỏ trốn khỏi Việt Nam, DN dừng hoạt động, chờ giải thể, phá sản không còn khả năng trả nợ BHXH. Các bộ ngành liên quan sớm chia sẻ thông tin dữ liệu DN từ khi thành lập tới lúc ngừng hoạt động để dễ quản lý người lao động tham gia BHXH và thực thi đúng chính sách.