Nghiên cứu trình sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân vào năm 2025 Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân để đảm bảo tính đồng bộ của hệ thống pháp luật

Hoàn thiện chính sách phù hợp với bối cảnh kinh tế

Chiều 14/3, Báo Lao động phối hợp cùng Đại học Kinh tế Quốc dân tổ chức Hội thảo “Luật Thuế thu nhập cá nhân - đảm bảo công bằng, thúc đẩy tăng trưởng”. Hội thảo được tổ chức nhằm góp phần hoàn thiện chính sách thuế thu nhập cá nhân (TNCN) theo hướng phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội.

Hội thảo với sự tham gia của các chuyên gia trong lĩnh vực thuế, tài chính, kinh tế, đại diện cơ quan quản lý, doanh nghiệp và tổ chức tài chính - ngân hàng.

Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân xem xét đến yếu tố công bằng, tăng nguồn thu ngân sách
Quang cảnh hội thảo.

Tại hội thảo, PGS.TS Phan Hữu Nghị - Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính (Đại học Kinh tế Quốc dân) cho biết, hiện nay thuế TNCN của Việt Nam là một trong 9 loại thuế đóng góp hơn 198 nghìn tỷ trong tổng thu hơn 1,9 triệu tỷ đồng (ước tính) năm 2024 chiếm khoảng 10% trên tổng thu ngân sách nhà nước.

So sánh tốc độ tăng thu thuế với tốc độ tăng thu nhập bình quân đầu người và lạm phát, PGS.TS Phan Hữu Nghị lấy dẫn chứng, dữ liệu thuế TNCN và thu nhập bình quân đầu người giai đoạn 2020 - 2024 cho thấy mức thu thuế tăng nhanh hơn đáng kể so với tốc độ tăng trưởng thu nhập bình quân đầu người.

Tổng thu từ thuế TNCN giai đoạn 2020 - 2024 tăng 72%, từ 115 nghìn tỷ đồng lên 198 nghìn tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người trong cùng kỳ tăng 30,2%, từ 3548 USD/năm lên 4622 USD/năm. Lạm phát trung bình hàng năm dao động từ 0,81% - 4,16%, với mức cao nhất vào năm 2023 (4,16%) và thấp nhất vào năm 2021 (0,81%).

Khi tính đến yếu tố lạm phát, mức tăng thực tế của thu nhập bình quân đầu người có thể thấp hơn so với con số danh nghĩa. Cụ thể: Giai đoạn 2020 - 2024, tổng lạm phát cộng dồn khoảng 12,58% nếu so với kỳ gốc 2020 mức tăng khoảng 28%. Điều này có nghĩa là dù thu nhập bình quân đầu người có tăng tới 30,2% nhưng sức mua thực tế có thể không tăng tương ứng.

Các chuyên gia kinh tế đồng tình cần thiết phải sửa đổi Luật Thuế TNCN cho phù hợp thực tiễn, vừa bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

Xem xét nên giảm số bậc thuế

Phát biểu tại hội thảo, PGS.TS Lê Xuân Trường - Trưởng Khoa Thuế và Hải quan (Học viện Tài chính), phân tích đến khía cạnh công bằng thuế khi xác định mức giảm trừ gia cảnh.

Theo PGS.TS Lê Xuân Trường, giảm trừ gia cảnh là số tiền trừ vào thu nhập chịu thuế TNCN khi xác định thu nhập tính thuế dựa trên hoàn cảnh gia đình của người nộp thuế. Theo thông lệ các nước, giảm trừ gia cảnh thường được áp dụng đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công hoặc/và thu nhập từ kinh doanh của cá nhân cư trú. Đối với những nước đánh thuế TNCN trên tổng thu nhập thì giảm trừ gia cảnh được xác định khi xác định thu nhập tính thuế đối với tổng thu nhập.

Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân thích ứng với sự thay đổi của nền kinh tế
Các chuyên gia tham gia hội thảo. Ảnh: LĐ

Quy định giảm trừ xuất phát từ quan điểm đánh thuế TNCN phải đảm bảo sau khi nộp thuế, người nộp thuế có thu nhập để trang trải cuộc sống ở mức trung bình của xã hội. Điều này có nghĩa là, xác định mức giảm trừ sao cho sau khi nộp thuế cho nhà nước thì người nộp thuế đảm bảo cuộc sống ở mức cần thiết trung bình xã hội.

Từ đó, đảm bảo công bằng trong điều tiết thu nhập của dân cư và đảm bảo đời sống cho người nộp thuế. Tức là, phần thu nhập còn lại để đảm bảo cuộc sống của người nộp thuế là phần giảm trừ gia cảnh cộng với phần thu nhập còn lại sau khi nộp thuế của phần vượt trên mức giảm trừ gia cảnh.

Ví dụ, một người độc thân, có mức thu nhập một tháng là 16 triệu đồng. Sau khi giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng thì thu nhập tính thuế là 5 triệu đồng. Với mức thu nhập này, số thuế thu nhập cá nhân người này phải nộp là 250.000 đồng. Như vậy, thu nhập sau khi nộp thuế của cá nhân này là 15.750.000 đồng.

Ở ví dụ trên, theo biểu thuế lũy tiến từng phần hiện hành của Việt Nam, do giảm trừ gia cảnh mà cá nhân đó được giảm thuế phải nộp so với trường hợp không có giảm trừ gia cảnh là: (16 - 10) x 15% + (10 - 5) x 10% + 5 x 5% - 250.000 = 1.400.000 đồng. Nếu không được giảm trừ gia cảnh thì cá nhân này phải nộp 1.650.000 đồng và như vậy, thu nhập còn lại sau khi nộp thuế là 14.350.000 đồng. Do được giảm trừ gia cảnh mà thu nhập còn lại sau thuế là 15.750.000 đồng.

Xem xét khía cạnh công bằng thuế khi xác định giảm trừ gia cảnh, công bằng được xét trên hai phương diện là: Công bằng theo chiều ngang và công bằng theo chiều dọc.

Phân tích thêm về khía cạnh này, PGS.TS Phan Hữu Nghị cho rằng, khấu trừ thuế là một vấn đề quan trọng trong hệ thống thuế TNCN, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến số đối tượng nộp thuế và số thuế phải nộp.

Hiện nay, khi xem xét thu nhập chịu thuế, cần tính đến chi phí cần thiết để tạo ra thu nhập, bao gồm cả chi phí sinh hoạt hàng ngày (đi lại, ăn uống, tái sản xuất sức lao động) và chi phí từ quá khứ như chi phí học hành, đào tạo..., để có công việc và thu nhập ngày hôm nay. Tuy nhiên, hệ thống thuế hiện hành có thể chưa phản ánh đầy đủ những yếu tố này, cần nghiên cứu để có quy định phù hợp.

Vậy xác định mức khấu trừ bao nhiêu? Căn cứ nào để xác định? PGS.TS Phan Hữu Nghị góp ý, nên giảm số bậc thuế từ 7 bậc xuống còn 5 bậc, đồng thời mở rộng khoảng cách giữa các bậc. Ngoài ra, thuế suất cao nhất có thể điều chỉnh về mức hợp lý hơn, khoảng 25%, thay vì 35% như hiện nay./.

Định hướng cải cách thuế thu nhập cá nhân trong giai đoạn tới

Theo Chiến lược cải cách hệ thống thuế giai đoạn 2021-2030, được phê duyệt tại Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 23/4/2022, việc hoàn thiện chính sách thuế TNCN cần đảm bảo đồng bộ với các mục tiêu cải cách chung của hệ thống thuế, vừa bảo đảm huy động hợp lý các nguồn lực cho ngân sách nhà nước, vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân. Hiện nay, Bộ Tài chính đang xây dựng dự thảo sửa đổi Luật Thuế TNCN để trình Quốc hội xem xét theo lộ trình, dự kiến cho ý kiến vào tháng 10/2025 và thông qua vào tháng 5/2026.