Buôn lậu, gian lận thương mại tăng và diễn biến phức tạp

Tại tọa đàm “Cao điểm chống buôn lậu, sản xuất hàng giả, hàng nhái, bảo vệ doanh nghiệp, người tiêu dùng” diễn ra ngày 16/12/2022, ông Trần Hữu Linh - Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương), cho biết đồng thời với hoạt động kinh tế, tiêu dùng phục hồi sau dịch Covid-19, hàng lậu, hàng giả, sản xuất kinh doanh hàng hoá cuối năm 2022 tăng hơn so với các năm trước.

Đáng chú ý năm 2022, hàng lậu, hàng giả lại chuyển hướng đi theo các cửa khẩu tại miền Trung, Tây Nam Bộ, thậm chí hàng giả còn vận chuyển ra phía Bắc. “Cách đây 3 tuần, lực lượng chức năng đã bắt giữ số lượng lớn dầu gội đầu, kem dưỡng da giả nhãn hiệu nước ngoài. Qua đấu tranh, cơ quan chức năng phát hiện một lượng lớn hàng giả, hàng nhái sản xuất trong nước nhưng lại vận chuyển quay trở lại biên giới để nhập vào Việt Nam” - ông Trần Hữu Linh chia sẻ.

Sức mua tăng, buôn lậu, gian lận thương mại “bùng phát” cuối năm và dịp tết 2023
Sức mua tăng, buôn lậu, gian lận thương mại “bùng phát” cuối năm dịp tết 2023. Ảnh: CTV

Mặt hàng buôn lậu, gian lận thương mại, vận chuyển trái phép chủ yếu là xăng dầu, khoáng sản, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, gỗ và sản phẩm từ gỗ, vật tư nông nghiệp, sản phẩm và nguyên liệu sản phẩm dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, vật tư y tế, sản phẩm và nguyên liệu may mặc, sắt, thép, vật liệu xây dựng, cơ khí, điện tử, linh kiện điện tử, điện thoại di động, kim khí quý, đá quý, ngoại tệ, rượu, bia, sữa, đường cát, thuốc lá, bánh kẹo và các mặt hàng cấm như ma túy, vũ khí, pháo nổ, vật liệu nổ, động vật hoang dã.

Đề cập đến tình hình vi phạm pháp luật, ông Vũ Như Hà - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) Bộ Công an, cho hay thời gian qua, các loại tội phạm đã dùng nhiều phương thức thủ đoạn tinh vi, phức tạp, có sự cấu kết với tội phạm hình sự như lừa đảo, rửa tiền, vận chuyển mua bán ngoại tệ… để đối phó, thách thức lực lượng chức năng.

Trong năm 2022, lực lượng công an đã bắt giữ 3.670 vụ buôn lậu, buôn bán hàng giả, hàng nhái, trong đó đã khởi tố 1.250 vụ việc, tạo sức răn đe phòng ngừa đối với các loại hình tội phạm.

Tại tọa đàm, ông Nguyễn Minh Tuấn - Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, cho rằng tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả có chiều hướng gia tăng trên các tuyến biên giới, vùng biển, hàng không và địa bàn nội địa, với phương thức, thủ đoạn mới và tinh vi hơn. Các lực lượng chức năng đang triển khai thực hiện Kế hoạch 115 - cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán 2023.

Các lực lượng phối hợp, quyết liệt thực hiện cao điểm chống buôn lậu tết 2023

Nhằm thực hiệu quả Kế hoạch cao điểm chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 (Kế hoạch 115), theo ông Nguyễn Minh Tuấn, cần có sự phối hợp, quyết liệt thực hiện các giải pháp của các lực lượng chức năng.

Cụ thể, lực lượng chức năng cần chủ động nắm chắc diễn biến tình hình; nhận diện phương thức, thủ đoạn hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, từ đó, xác định đối tượng, tuyến, địa bàn, mặt hàng trọng điểm để tập trung lực lượng, phương tiện, biện pháp đấu tranh; xác định trách nhiệm của cơ quan, đơn vị ở trung ương và địa phương trong quản lý, kiểm tra, kiểm soát địa bàn, lĩnh vực.

Sức mua tăng, buôn lậu, gian lận thương mại “bùng phát” cuối năm và dịp tết 2023
Lực lượng quản lý thị trường phát hiện, thu giữ mỹ phẩm không rõ nguồn gốc. Ảnh: CTV

Đề cập đến công tác đấu tranh chống tội phạm, ông Vũ Như Hà cho hay, C03 đã ban hành kế hoạch triển khai tới 63 tỉnh, thành đẩy mạnh thực hiện các giải pháp trong giai đoạn cao điểm dịp cuối năm và Tết Nguyên đán 2023, tiếp tục tham mưu hoàn thiện thể chế chính sách, bịt chặt lỗ hổng trong quy định để các đối tượng tội phạm không thể lợi dụng.

“C03 sẽ tăng cường phối hợp chặt chẽ với các lực lượng chức năng công tác tuần tra, kiểm soát; đồng thời, tập trung trọng tâm vào các loại mặt hàng trọng điểm là hàng cấm, hàng có giá trị lớn, thuế suất cao, hàng xuất nhập khẩu có điều kiện…; loại hình xuất nhập khẩu trọng điểm như gia công, sản xuất xuất khẩu, đầu tư miễn thuế, vận chuyển độc lập, hàng hóa tạm nhập tái xuất, tạm xuất tái nhập, chuyển cửa khẩu, quá cảnh và hàng hóa gửi kho ngoại quan… tại các cửa khẩu, các tuyến trọng điểm nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời, có hiệu quả các hành vi buôn lậu” - ông Vũ Như Hà khẳng định.

Kế hoạch 115 nêu rõ, yêu cầu lực lượng chức năng xây dựng, triển khai các phương án tăng cường lực lượng, phương tiện tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên các tuyến biên giới, cửa khẩu đường bộ, đường sắt, đường sông, đường biển đường hàng không các đường mòn, lối mở, khu vực tập kết hàng hóa gần biên giới.