Với việc áp dụng IFRS sẽ giúp nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp. Ảnh tư liệu |
Cải cách thể chế trong lĩnh vực kế toán
Đánh giá cao những hoạt động của Câu lạc bộ Kế toán trưởng toàn quốc (VCCA) qua 35 năm hoạt động, TS. Vũ Đức Chính - Cục trưởng Cục Quản lý giám sát Kế toán - Kiểm toán, Bộ Tài chính cho rằng, VCCA không chỉ là cầu nối hiệu quả giữa cơ quan quản lý nhà nước và cộng đồng doanh nghiệp, mà còn là nơi tập hợp và lan tỏa kiến thức chuyên môn mới, hỗ trợ tích cực trong việc triển khai các chính sách và chuẩn mực kế toán quốc tế tại Việt Nam.
Đánh giá thêm về vai trò của VCCA, ông Trịnh Đức Vinh - Phó Cục trưởng Cục Quản lý giám sát Kế toán - Kiểm toán, chủ nhiệm VCCA khẳng định, qua quá trình hoạt động, VCCA đã không ngừng nâng cao chất lượng chuyên môn, với khát vọng đưa ngành kế toán, kiểm toán Việt Nam vươn tầm quốc tế, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của nền tài chính quốc gia.
Đề cập tới định hướng hoàn thiện hệ thống kế toán trong khuôn khổ pháp luật về lĩnh vực kế toán, ông Vũ Đức Chính cho biết, trong tháng 11 này dự kiến Quốc hội sẽ xem xét và thông qua dự thảo 1 luật sửa đổi, bổ sung 7 luật, trong đó có sửa đổi, bổ sung Luật Kế toán. Bên cạnh việc đưa các quy định về áp dụng Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) và xây dựng khuôn khổ pháp lý cho việc áp dụng IRS tại Việt Nam, luật cũng sẽ có những sửa đổi nhằm: Hỗ trợ sự phát triển của các doanh nghiệp; giảm bớt thời gian, chi phí cho công tác kế toán của đơn vị; đơn giản nội dung chứng từ nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu quản lý; hỗ trợ chuyển đổi số trong công tác kế toán; nâng cao tính minh bạch và tuân thủ báo cáo tài chính.
Với việc áp dụng IFRS sẽ giúp nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp; nâng cao tính minh bạch của báo cáo tài chính, hạn chế rủi ro, tăng cường niềm tin và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, nhà đầu tư, chủ nợ và công chúng; thay đổi nhận thức, hành vi, thói quen của của người làm công tác kế toán, kiểm toán theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại...
Phát biểu về nội dung sửa đổi ở Luật Kế toán liên quan đến chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin, ông Chính cho rằng, chuyển đổi số là vấn đề hết sức nghiêm túc đặt ra để chúng ta phải thực hiện trong thời gian tới. Đơn cử như việc cho phép áp dụng các hình thức xác nhận bằng phương tiện điện tử để thay cho chữ ký điện tử sẽ giúp các đơn vị phát triển nhiều hơn các quy trình nghiệp vụ, các ứng dụng công nghệ trong công tác kế toán, tiết giảm đáng kể thời gian của người làm kế toán các cấp lãnh đạo, nhà quản lý..., từ đó đơn vị có nhiều thời gian hơn dành cho các hoạt động nghiệp vụ, cho việc quản lý, điều hành, tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả hoạt động tại đơn vị. Chính sách này cũng giúp tháo gỡ nút thắt trong công tác kế toán hiện nay, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số tại các đơn vị kế toán và tạo điều kiện thuận lợi cho ngành công nghiệp phần mềm Việt Nam phát triển.
Chuyển đổi số giúp tăng hiệu quả công tác kế toán
Tại hội nghị, các diễn giả trình bày, thuyết trình về các nội dung: Nhu cầu áp dụng IFRS tại Việt Nam; Phát triển kỹ năng toàn diện người kế toán trưởng; tạo dựng thị trường xếp hạng tín nhiệm để nâng cao tính minh bạch tại các doanh nghiệp; tác động chuyển đổi số và ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong công tác kế toán… Đặc biệt trong phần thảo luận, các phương pháp triển khai IFRS đã được các diễn giả trao đổi cụ thể, giúp các doanh nghiệp dễ dàng tiếp cận và áp dụng theo các chuẩn mực quốc tế.
Từ góc độ xếp hạng tín nhiệm, bàn về cải thiện chất lượng quản trị kế toán - tài chính nhằm tối ưu hóa chi phí vốn cho doanh nghiệp, Chủ tịch FiinGroup và FiinRatings - ông Nguyễn Quang Thuân cho rằng, vai trò của người làm kế toán - tài chính đang chuyển đổi rất mạnh mẽ. Người làm quản lý tài chính hiện dành trên 50% cho các hoạt động tạo ra giá trị gia tăng thay vì tập trung vào công tác hoạch toán - kế toán và báo cáo tài chính. Hoạt động giá trị gia tăng của người làm tài chính - kế toán tập trung vào: phân tích và lập kế hoạch tài chính; quản trị thanh khoản, huy động và phân bổ vốn; lập chiến lược kinh doanh; quản trị rủi ro; xây dựng chính sách; chuyển đổi doanh nghiệp.
Đề cập tới vai trò của kế toán trong bối cảnh chuyển đổi số và ứng dụng AI, Phó Giám đốc Trung tâm kinh doanh Doanh nghiệp vừa và nhỏ Công ty cổ phần MISA - ông Huỳnh Văn Thành cho biết, chuyển đổi số và AI đã giúp kế toán tăng trải nghiệm, năng suất, hiệu quả của người làm kế toán. Kế toán viên sẽ được tham gia phát triển chiến lược, kế hoạch nhằm định hướng hoạt động cho doanh nghiệp; bảo vệc các giá trị của doanh nghiệp bằng các biện pháp quản trị rủi ro hiệu quả như quy trình, kiểm soát, tuân thủ,…; hỗ trợ nhà quản trị trong công tác ra quyết định và thực thi các quyết định; cung cáp báo cáo rõ ràng, chính xác, đa góc độ và kịp thời.
Nâng cao tính minh bạch của báo cáo tài chính Việc áp dụng IFRS giúp nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp; nâng cao tính minh bạch của báo cáo tài chính, hạn chế rủi ro, tăng cường niềm tin và bảo vệ quyền lợi hợp pháp của Nhà nước, nhà đầu tư, chủ nợ và công chúng; thay đổi nhận thức, hành vi, thói quen của của người làm công tác kế toán, kiểm toán theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại... |