ruou

Việc tăng thuế là một trong các giải pháp để hạn chế tiêu dùng các mặt hàng có ảnh hưởng tiêu cực như rượu, bia, thuốc lá. (ảnh minh họa)

Sáng 25/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã cho ý kiến về dự án Luật thuế Tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi).

Áp thuế TTĐB với hàng vào khu phi thuế quan

Theo tờ trình, Chính phủ đề nghị đưa ra khỏi đối tượng chịu thuế TTĐB đối với nap-ta, chế phẩm tái hợp và các chế phẩm khác để pha chế xăng. Lý do là để tăng sức cạnh tranh về vốn cho DN, giảm các thủ tục hành chính trong việc kê khai thuế. Một mặt hàng nữa cũng được đề nghị không chịu thuế TTĐB là máy bay phục vụ mục đích an ninh, quốc phòng.

Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đề nghị áp thuế TTĐB đối với hàng hóa chịu thuế TTĐB đưa vào khu phi thuế quan. Theo giải trình, thực tế thời gian qua đã phát sinh một số trường hợp lợi dụng việc miễn thuế TTĐB đối với một số hàng hóa chịu thuế TTĐB với thuế suất cao (như thuốc lá, xì gà, rượu, bia) để đưa vào trong khu được áp dụng quy chế khu phi thuế quan và có dân cư sinh sống, sau đó đưa vào nội địa bằng nhiều hình thức nhằm trốn thuế, gian lận thương mại. Do vậy, để hạn chế gian lận, Chính phủ đề nghị áp dụng thu thuế TTĐB đối với hàng hóa chịu thuế TTĐB đưa vào khu được áp dụng quy chế khu phi thuế quan có dân cư sinh sống để khắc phục tình trạng gian lận trong thực tế.

Về thuế suất, Chính phủ đề nghị điều chỉnh tăng thuế suất đối với 3 mặt hàng là thuốc lá, rượu, bia để hạn chế tiêu dùng.

Theo Chính phủ, tăng thuế với thuốc lá phù hợp với quy định của Luật phòng, chống tác hại của thuốc lá, với Công ước Khung quốc tế về Kiểm soát Thuốc lá và góp phần đạt mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc đối với nam giới đến năm 2020 là 8,4% (từ mức 47,4% hiện nay xuống mức 39%). Hơn nữa, hiện Việt Nam có tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ thuốc lá là: 44,9%, thấp hơn nhiều nếu so với tỷ lệ thuế trên giá bán lẻ của các nước trong khu vực (Brunei 81%, Thái Lan 70%, Singapore 69%, Malaysia 57%...) cũng như các nước trên thế giới (Úc: 62%, Đức: 75%, Pháp 80%...).

Vì vậy, Chính phủ đề xuất tăng thuế TTĐB với thuốc lá theo lộ trình: từ ngày 1/1/2016 tăng từ 65% lên 70%; từ ngày 1/1/2019 tăng từ 70% lên 75%.

Tương tự để hạn chế tác động tiêu cực từ việc tiêu thụ rượu bia tăng, Chính phủ đề nghị tăng thuế TTĐB với bia theo lộ trình: từ ngày 1/7/2015 tăng từ 50% lên 55%; từ ngày 1/1/2017 tăng lên 60%; từ ngày 1/1/2018 tăng lên 65%. Đối với rượu, rượu từ 20 độ đến dưới 40 độ tăng thuế suất từ 50% lên 65%; rượu dưới 20 độ áp dụng thuế suất 35% (tăng 10%). Rượu từ 40 độ trở lên vẫn áp dụng mức thuế cũ.

Đề nghị áp thuế TTĐB với game online

Theo báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính ngân sách (UBTCNS) và thảo luận tại phiên họp, đa số các đại biểu tán thành với các nội dung trình của Chính phủ. Bên cạnh đó, UBTCNS cũng đề nghị xem xét bổ sung nhóm dịch vụ game online vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Theo ý kiến này, hiện nay game bạo lực tràn lan, tỷ lệ nghiện game khá lớn trong giới trẻ, bạo lực ở thanh thiếu niên gia tăng và có tính chất ngày càng nghiêm trọng. Đây cũng là mặt hàng có doanh thu lớn, lợi nhuận cao. Vì vậy, đề nghị Chính phủ có giải pháp để quản lý, ngăn chặn game online có hại tại Việt Nam.

Một số ý kiến trong UBTVQH đề nghị đẩy nhanh hơn lộ trình tăng thuế TTĐB với thuốc lá, sớm hơn một năm so với đề nghị của Chính phủ. Ủy ban các vấn đề xã hội đề nghị tăng mạnh hơn nữa các mức thuế đối với rượu, bia, thuốc lá, cao hơn 5 – 15% so với mức đề nghị của Chính phủ.

Một số đại biểu đề nghị đánh giá tổng thể hơn tác động của việc tăng thuế đối với đời sống xã hội, với ngân sách, tăng cường giải pháp chống buôn lậu, đẩy mạnh tuyên truyền thông tin về thuế để tăng hiệu quả của các chính sách thuế. Có ý kiến băn khoăn về việc áp thuế TTĐB với hàng chịu thuế TTĐB vào khu phi thuế quan.

Trình bày thêm trước UBTVQH về các nội dung sửa đổi lần này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết theo tính toán, khi áp thuế TTĐB tăng thêm với 3 mặt hàng thuốc lá, bia, rượu, nguồn thu từ thuế năm 2015 sẽ tăng thêm 660 tỷ đồng, năm 2016 sẽ tăng thêm 2.862 tỷ đồng, năm 2017 tăng thêm 4.484 tỷ đồng, năm 2018 là 6.525 tỷ đồng và năm 2019 là 9.403 tỷ đồng.

Về áp thuế đối với hàng vào khu phi thuế quan, Bộ trưởng giải thích khu phi thuế quan ở các nước miễn thuế TTĐB cho hàng chịu thuế TTĐB với điều kiện là khu phi thuế quan phải có hàng rào cứng, không có dân cư gần, trong khi đó 2 khu phi thuế quan của chúng ta hiện nay lớn bằng một huyện với hơn 100.000 dân sinh sống, không có hàng rào cứng, nên đã bị lợi dụng để trốn lậu thuế. Khu phi thuế quan thực chất không đảm bảo điều kiện là một khu phi thuế quan.

Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng cho biết sẽ xem xét tiếp thu ý kiến áp thuế TTĐB với game online.

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhất trí với các nội dung sửa đổi Luật lần này và nêu quan điểm không nên vì sợ buôn lậu tăng mà không sửa luật thuế. Đồng thời, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng thống nhất trình thông qua dự án Luật thuế TTĐB (sửa đổi) trong kỳ họp thứ 8 sắp tới, để Luật có hiệu lực từ năm 2015.

Hoàng Yến