Những bất cập khách quan từ thực tiễn

Trên đây là đề xuất của Bộ Tài chính trong tờ trình 1 luật sửa 7 luật, trong đó có Luật Ngân sách nhà nước (NSNN).

Luật NSNN năm 2015 được Quốc hội khóa XIII, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 25/6/2015, có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2017.

Tăng thẩm quyền của địa phương trong chi ngân sách
Luật NSNN góp phần củng cố kỷ luật tài chính, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả NSNN. Ảnh: Tư liệu minh họa.

Qua gần 6 năm thực hiện (2017-2022), Luật NSNN đã đi vào cuộc sống, quản lý thống nhất nền tài chính quốc gia, nâng cao tính chủ động và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý và sử dụng NSNN, củng cố kỷ luật tài chính, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả ngân sách và tài sản của Nhà nước.

Đồng thời, Luật NSNN đã góp phần làm tăng tích lũy nhằm thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống nhân dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại.

Tuy nhiên, trong quá trình tổ chức thực hiện, những tác động khách quan làm thay đổi cơ cấu thu, ngân sách trung ương (NSTW) vẫn giữ vai trò chủ đạo nhưng có xu hướng giảm, trong khi yêu cầu đòi hỏi cần tăng cường hơn nữa tính chủ động của ngân sách địa phương (NSĐP).

Công tác xây dựng, tổng hợp dự toán NSNN và phân bổ NSTW, chấp hành, quyết toán NSNN cũng đã phát sinh một số điểm hạn chế, bất cập cần được nghiên cứu để rà soát, sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn.

Trong khi chưa sửa được tổng thể dự án luật, Bộ Tài chính đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật NSNN cùng với 6 luật khác, để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Bộ Tài chính lựa chọn 2 chính sách để đề xuất trình cấp có thẩm quyền để đưa vào 1 luật sửa 7 luật liên quan đến chức năng quản lý nhà nước của Bộ Tài chính, cụ thể là: Chính sách 1: Chính sách mở rộng quy định sử dụng NSĐP để hỗ trợ NSTW, hỗ trợ các địa phương khác. Chính sách 2: Cho phép ngân sách địa phương được chi viện trợ cho các địa phương nước ngoài.

Đảm bảo củng cố vai trò chủ đạo của NSTW

Theo Bộ Tài chính, về phạm vi thu, cơ bản giữ như quy định hiện hành bên cạnh đó nghiên cứu hoàn thiện quy định thuế đối với nhà, đất; tiếp tục nghiên cứu mở rộng và chống xói mòn cơ sở thuế theo Chiến lược tài chính và Chiến lược cải cách thuế đến năm 2030. Đẩy mạnh thu trên nền tảng số cũng như ứng dụng công nghệ thông tin hiệu quả trong công tác quản lý thu. Thống nhất việc quản lý nguồn thu viện trợ không hoàn lại thuộc nguồn thu NSNN, đầu mối quản lý nhà nước là cơ quan Bộ Tài chính.

Tăng thẩm quyền của địa phương trong chi ngân sách
Sửa quy định để huy động tối đa nguồn lực ngoài nhà nước tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng. Ảnh: Tư liệu minh họa.

Về phân cấp các nguồn thu, tiếp tục phân chia các nguồn thu NSNN giữa trung ương và địa phương theo 3 nhóm; tuy nhiên cần điều chỉnh phương thức phân chia để đảm bảo củng cố vai trò chủ đạo của NSTW vững chắc, bền vững và nâng cao tính chủ động của NSĐP, thực hiện theo hướng quy định cụ thể tỷ lệ phân chia từng khoản thu theo nhóm các địa phương và chỉ thay đổi, bổ sung khi có những biến động lớn

Liên quan đến quy định phân cấp chi NSNN, theo Bộ Tài chính, phân định rõ trách nhiệm và khả năng tham gia của NSNN vào các hoạt động cung ứng dịch vụ công, xây dựng, quản lý vận hành các công trình hạ tầng kinh tế - kỹ thuật có khả năng thu hồi vốn cao. Đồng thời, khuyến khích huy động tối đa các nguồn lực ngoài nhà nước tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng; rà soát, sửa đổi bổ sung quy định của pháp luật có liên quan đối với Quỹ tài chính nhà nước ngoài NSNN để đảm bảo nguồn thu, nhiệm vụ chi của các Quỹ không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi của NSNN.

Đối với quy định phân cấp về thẩm quyền quyết định chính sách, chế độ chi NSNN, Bộ Tài chính đề xuất tăng thẩm quyền của địa phương trong việc quyết định chính sách, chế độ chi phù hợp với yêu cầu quản lý kinh tế - xã hội trên địa bàn và khả năng cân đối NSĐP.

Trung ương chỉ ban hành một số chính sách, chế độ áp dụng chung trong toàn quốc hoặc quy định mức khung để địa phương chủ động quyết định mức cụ thể. Thực hiện mở rộng thẩm quyền HĐND cấp tỉnh được ban hành chính sách thu nhập cán bộ, công chức theo Nghị quyết 27-NQ/TW.

Về phân cấp nhiệm vụ chi, định hướng sửa Luật sẽ phân định rõ nhiệm vụ giữa NSTW và NSĐP đối với chi quốc phòng, an ninh, chi hỗ trợ người có công, sự nghiệp kinh tế sửa chữa, bảo trì giao thông vận tải, công trình thủy lợi; phòng chống biến đổi khí hậu; bảo vệ môi trường... Ngoài ra, bổ sung quy định cho phép các địa phương quyết định sử dụng NSNN cấp mình để hỗ trợ NSTW, hỗ trợ địa phương khác để thực hiện hoặc tham gia các dự án đầu tư của NSTW trên địa bàn, đặc biệt là các dự án có tính chất Vùng và liên Vùng.

Phân cấp về vay, trả nợ và bội chi NSNN, cho phép Chính phủ trong điều hành được điều chỉnh chỉ tiêu tổng mức vay, số bội chi giữa các địa phương trên cơ sở đảm bảo không làm tăng tổng mức vay và số bội chi NSĐP đã được Quốc hội quyết định và không vượt quá giới hạn dư nợ vay của từng địa phương. Nghiên cứu quy định trong cho phép các địa phương được vay lại từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ NSTW huy động để giảm chi phí vay của địa phương./.

Đẩy mạnh giao quyền tự chủ tự chịu trách nhiệm

Về cơ chế phân bổ NSNN, Bộ Tài chính cho biết sẽ đẩy mạnh cơ chế giao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị; bổ sung quy định cho phép người đứng đầu đơn vị được quyết định một số chế độ chi đặc thù phù hợp với thực tế yêu cầu của đơn vị; các cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thực hiện đổi mới cơ chế tự chủ theo yêu cầu Nghị quyết 19-NQ/TW trên cơ sở đẩy nhanh lộ trình tính đúng, đủ giá, phí dịch vụ sự nghiệp công.