Ngày 23/4, tại Hà Nội, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Chiến lược Việt Nam (VESS) tổ chức buổi tập huấn “Một số tác động của việc tăng thuế thuốc lá tới sức khỏe người dân và phản ứng của thị trường”, nhằm phân tích đa chiều chính sách thuế thuốc lá tại Việt Nam.

Giá thuốc lá ở Việt Nam gần thấp nhất trong khu vực Tây Thái Bình Dương

Tại sự kiện, ThS.BS. Phan Thị Hải - Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) cho biết, tại Việt Nam, sử dụng thuốc lá gây ra 85.500 ca tử vong mỗi năm. Hút thuốc lá thụ động gây ra 18.800 ca tử vong. Tổng cộng là 104.300 ca tử vong/năm vì các bệnh có liên quan đến thuốc lá.

Tăng thuế là biện pháp hiệu quả nhất để giảm tiêu dùng thuốc lá
ThS. BS. Phan Thị Hải- Phó Giám đốc Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá (Bộ Y tế) thông tin tại sự kiện

Bà Hải cho biết, theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tổn thất kinh tế toàn cầu do thuốc lá gây ra mỗi năm là 1.400 tỷ USD.

Tại Việt Nam, theo ước tính sơ bộ của Hội Kinh tế Y tế Việt Nam, năm 2022, tổng chi phí liên quan đến khám chữa bệnh, ốm đau và tử vong sớm do các bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá là 108.000 tỷ đồng/năm (tương đương 1,14% GDP năm 2022). Con số này lớn hơn gấp 5 lần so với đóng góp của nguồn thu thuế thuốc lá cho ngân sách quốc gia.

Quyết định số 568/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chiến lược Quốc gia về phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2030: Xây dựng lộ trình tăng thuế đối với các sản phẩm thuốc lá đảm bảo đến năm 2030 mức thuế đạt tỷ trọng trên giá bán lẻ theo khuyến nghị của WHO(70-75% trên giá bán lẻ) Nghiên cứu và đánh giá hiệu quả của phương án tính thuế các sản phẩm thuốc lá trên giá bán lẻ hoặc phương án sử dụng cơ cấu thuế hỗn hợp.

Nghiên cứu của WHO cho thấy, giá một bao thuốc nhãn phổ biến nhất ở Việt Nam chỉ vào khoảng 0,9 USD/bao. Với mức giá này, giá thuốc lá ở Việt Nam đứng thứ 15, gần thấp nhất, trong số 19 nước trong khu vực Tây Thái Bình Dương.

Trên thị trường có tới 40 nhãn hiệu thuốc lá có giá bán lẻ dưới 10.000 đồng/bao 20 điếu, có nhiều nhãn hiệu chỉ có mức giá 7.000 đồng đến 8.000 đồng/bao 20 điếu. Với mức giá thuốc lá bán lẻ thấp như vậy, thuốc lá rất dễ tiếp cận với người có thu nhập thấp và người mới hút, kể cả trẻ em và trẻ vị thành niên.

Không thể trì hoãn thêm việc tăng thuế đối với thuốc lá

Theo ThS. BS. Phan Thị Hải, thuốc lá là sản phẩm gây nghiện, nếu không đánh vào túi tiền thì sẽ khó có thể ngăn chặn tỷ lệ hút thuốc lá. Vì vậy, bà Phan Thị Hải rất ủng hộ đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá trong dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và cho rằng không thể trì hoãn thêm việc tăng thuế đối với thuốc lá thêm nữa.

Thậm chí, bà Phan Thị Hải còn cho rằng, nên đánh thuế cao hơn cả mức mà dự thảo đưa ra, do tác động tới sức khỏe, tới kinh tế của thuốc lá là rất lớn. “Tăng là phải tăng cao, tăng thường xuyên thì mới tác động mạnh tới ý thức của người tiêu dùng” - bà Hải nêu quan điểm.

Tăng thuế là biện pháp hiệu quả nhất để giảm tiêu dùng thuốc lá
Khuyến nghị thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá của Quỹ Phòng chống tác hại thuốc lá. Bộ Y tế.

Đồng tình với quan điểm trên, TS. Nguyễn Ngọc Anh - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu chính sách và phát triển (DEPOCEN) cho biết, có thể cho cho rằng, thuế tiêu thụ đặc biệt với thuế thuốc lá chính là “thuế sức khỏe”.

Theo TS. Ngọc Anh, mối lo ngại về buôn lậu thuốc lá là rào cản đối với chính sách thuế, từ đó làm suy yếu các cải cách chính sách. Theo đó, lập luận của các bên phản đối tăng thuế thuốc lá là tăng thuế sẽ làm tăng tiêu thụ thuốc lá lậu, dẫn tới tăng buôn lậu thuốc lá.

“Lập luận này không mới, cứ khi nào Nhà nước có ý định tăng thuế thì các công ty thuốc lá lại đưa ra lập luận này. Tuy nhiên, thực tế, nghiên cứu từ năm 2018 của DEPOCEN cho thấy, khi tăng thuế, tiêu dùng thuốc lá lậu giảm đi chứ không hề tăng lên và thực tế thuốc lá lậu có giá cao hơn đáng kể so với thuốc lá hợp pháp” - TS. Nguyễn Ngọc Anh cho biết.

Khảo sát cho thấy, khi việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với thuốc lá mới đang được dự thảo, thuế chưa tăng nhưng giá đã tăng. Theo khảo sát, có 26/65 hãng đã tăng giá, mức tăng trung bình 2.000 đồng/bao, khoảng gần 10%. Đồng thời, giá thuốc lá lậu cũng tăng tương ứng, dù thuốc lá nhập lậu không hề chịu thuế. Vì vậy, những lo ngại kia hoàn toàn không có cơ sở.

“Tăng thuế là công cụ đặc biệt và quan trọng nhất để giảm tiêu dùng thuốc lá; đồng thời là chính sách "win - win" cho nền kinh tế, vừa tăng thu ngân sách, vừa giảm được chi ngân sách cho bảo vệ sức khỏe, tức là lợi đôi đường” - TS. Nguyễn Ngọc Anh nhấn mạnh.

Chia sẻ về việc có nên giãn lộ trình tăng thuế thuốc lá theo kiến nghị của các công ty sản xuất thuốc lá, ông Phạm Văn Long - Giám đốc VESS khẳng định: “Tăng thuế là biện pháp hiệu quả nhất để giảm tiêu dùng thuốc lá. Cần rất nghiêm túc với mục tiêu tăng thuế lần này vì chúng ta có hẳn một Chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống tác hại của thuốc lá. Nếu giãn ra thì tác động sẽ rất thấp. Tăng mạnh, ngay, cao, liên tục thì mới đạt được tác dụng, đạt được mục tiêu quốc gia”.