Thách thức nhân lực đối với ngành dệt may khi chuyển đổi số
Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Băng Tâm

Một cuộc khảo sát của Novaon - đơn vị cung cấp giải pháp công nghệ quản trị cho thấy, hơn 50% doanh nghiệp trong ngành dệt may vẫn chưa áp dụng công nghệ trong quản trị nguồn nhân lực, chủ yếu vẫn sử dụng Excel. 85% doanh nghiệp chưa biết bắt đầu chuyển đổi số từ đâu và gặp khó khăn trong việc lựa chọn đơn vị triển khai.

81% doanh nghiệp trong ngành dệt may mong muốn tăng hiệu suất nhân viên, giảm chi phí quản lý, tăng độ hài lòng của nhân viên.

Có 3 vấn đề các doanh nghiệp dệt may đang ưu tiên để tối ưu việc quản trị nguồn nhân lực: Quản lý công lương tự động, quản lý hồ sơ – hợp đồng – bảo hiểm, báo cáo quản trị minh bạch.

Theo bà Nguyễn Thị Tuyết Mai - Phó Tổng Thư ký VITAS, ứng dụng công nghệ mới, chuyển đổi số trong sản xuất, quản trị là xu hướng tất yếu, giải pháp “hai trong một” giúp doanh nghiệp dệt may nhanh chóng hồi phục sau đại dịch và tiến lên vị trí cao hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Tuy nhiên, với 80% doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, việc đầu tư cho công nghệ tiên tiến thực sự là “bài toán” khó.

Có nhiều rào cản mà doanh nghiệp gặp phải trong quá trình chuyển đổi số. Trong đó, đầu tư vào các giải pháp công nghệ số, triển khai, duy trì công nghệ khó khăn nhất bởi chi phí khá cao, trong khi hiệu quả của việc ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh không thể hiện rõ trong thời gian ngắn hạn.

Bên cạnh cải tiến quy trình sản xuất, đầu tư máy móc, thiết bị hiện đại, để chuyển đổi số thành công, bà Nguyễn Thị Tuyết Mai cho rằng, một trong những thách thức với doanh nghiệp trong ngành là khả năng đáp ứng của nguồn nhân lực để ứng dụng công nghệ số.

Trước đòi hỏi ngày càng khắt khe của các nhãn hàng, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam đang đầu tư vào trí tuệ nhân tạo (AI) và tự động hóa, nhưng vấn đề này sẽ liên quan trực tiếp đến nguồn lực con người. Do vậy, doanh nghiệp dệt may Việt Nam phải có tầm nhìn, tập trung đào tạo nguồn nhân lực và có khả năng thích ứng với chuyển đổi số./.