Áp lực tăng giá hiện hữu

Mấy năm gần đây việc kiềm chế và giữ ổn định giá một số yếu tố đầu vào, trong đó có giá điện đã góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu của nền kinh tế như ổn định vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và phát triển bền vững. Tuy nhiên sang năm 2023, một số giá hàng hóa, dịch vụ có thể được tính toán điều chỉnh, bởi việc tiếp tục kiềm chế giá điện sẽ gây áp lực lớn cho ngành điện.

Có thể việc điều chỉnh giá bán lẻ điện là không thể trì hoãn, song theo chuyên gia kinh tế, TS. Cấn Văn Lực đánh giá, giá điện là giá đầu vào của hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, cho nên khi tăng giá điện sẽ tác động đến cả lực cầu (đâu đó có thể giảm đi một chút) và lạm phát có thể tăng lên. Chính vì thế, mỗi lần tăng giá điện, Quốc hội và Chính phủ đều yêu cầu tính toán thận trọng, ở mức độ, thời điểm, liều lượng phải phù hợp; đồng thời phải đảm bảo đồng bộ hóa các chính sách khác để không chịu tác động dồn dập cùng một lúc đối với nền kinh tế, trong đó có việc kiểm soát ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế.

Việc tăng giá điện tác động tương đối nhiều. Chính vì thế, vị chuyên gia này đề xuất nên chăng xem xét mức điều chỉnh từ 5 - 7%, là mức tương đối phù hợp, trong bối cảnh lạm phát dự báo ở mức cao hơn, đời sống của người dân và doanh nghiệp cũng còn khó khăn trong năm 2023. Tuy nhiên, ông cho rằng phải chấp nhận tăng giá điện, nếu không các doanh nghiệp trong ngành này lỗ nặng sẽ để lại hệ lụy khó lường, ảnh hưởng tới sức khỏe của doanh nghiệp.

Nguồn: Công ty cổ phần VIETDATA
Nguồn: Công ty cổ phần VIETDATA

Trong diễn biến gần đây, giá xăng tiếp tục tăng trong khi giá dầu quay đầu giảm nhẹ. Giá xăng trong 2 kỳ điều hành gần đây đều tăng ở mức khá cao, khoảng gần 1.000 đồng/lít và hơn 600 đồng/lít. Giá xăng hiện đã tiệm cận gần 24.000 đồng/lít là mức khá cao. Nếu không có Quỹ Bình ổn giá xăng dầu gánh đến gần 1.000 đồng/lít, thì giá xăng còn cao hơn nữa. Đây cũng là áp lực hiện hữu lên mặt bằng giá những tháng đầu năm.

Đã 3 năm trì hoãn điều chỉnh giá một số hàng hóa, dịch vụ

Theo Bộ Tài chính, xét bối cảnh trong nước, việc điều chỉnh giá các hàng hóa dịch vụ do Nhà nước định giá theo lộ trình thị trường tiếp tục là vấn đề cần xem xét thực hiện trong năm 2023 đối với một số dịch vụ công (dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, dịch vụ giáo dục...), sau khi đã trì hoãn 3 năm qua. Một số mặt hàng nhà nước định giá chịu áp lực từ biến động về yếu tố hình thành giá như điện. Việc ban hành bộ sách giáo khoa mới lớp 4, 8, 11 dự kiến có sự điều chỉnh so với bộ sách hiện hành.

Ở chiều ngược lại, giá lợn hơi hiện đang giảm, trong khi giá thức ăn chăn nuôi vẫn ở mức cao khiến người chăn nuôi có nguy cơ thua lỗ dẫn đến việc rời bỏ thị trường, ảnh hưởng đến khả năng tái đàn trong dài hạn. Đây cũng là yếu tố có thể khiến giá mặt hàng này tăng trong thời gian tới, khi người chăn nuôi rời bỏ thị trường, khan hiếm lượng hàng cung sẽ khiến giá thịt lợn tăng.

Tăng giá phải tính toán tác động tới các cân đối lớn của nền kinh tế

“Mỗi lần tăng giá điện, Quốc hội và Chính phủ đều yêu cầu tính toán thận trọng, ở mức độ, thời điểm, liều lượng phải đảm bảo phù hợp, đồng thời phải đảm bảo đồng bộ hóa các chính sách khác, không dồn dập tác động cùng một lúc đối với nền kinh tế, trong đó có việc kiểm soát ổn định kinh tế vĩ mô và các cân đối lớn của nền kinh tế” - Chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực.

Ngoài ra, một số chính sách hỗ trợ về thuế sẽ hết hiệu lực từ đầu năm 2023 (như chính sách giảm thuế giá trị gia tăng - GTGT). Sau thời điểm điều chỉnh tăng lương cơ bản (từ 1/7/2022), giá một số mặt hàng lương thực, thực phẩm thường có xu hướng tăng. Những người làm công tác quản lý giá cũng tính toán đến các yếu tố thiên tai, dịch bệnh có thể gây ảnh hưởng cục bộ đến giá lương thực, thực phẩm và một số nhu yếu phẩm tại một số địa bàn bị ảnh hưởng...

Đặc biệt, áp lực lạm phát bình quân sẽ tăng ngay từ quý I/2023, do lạm phát được tích lũy theo xu hướng tăng trong năm 2022. Đồng thời, Tết Âm lịch Quý Mão 2023 trùng vào tháng 1 dương lịch, giá cả thường có biến động tăng theo quy luật vào trước và sau tết.

Tuy nhiên vẫn có một số yếu tố hỗ trợ giúp ổn định mặt bằng giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như lương thực, thực phẩm nguồn cung vẫn dồi dào, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu…

Tại hội thảo dự báo về tình hình giá cả thị trường năm 2023, nhiều chuyên gia kinh tế đồng tình nhận định, các thách thức đối với kinh tế Việt Nam trong năm 2023 vẫn còn rất lớn. Tình hình lạm phát cao và xu hướng tăng lãi suất tại các nước phát triển được dự báo sẽ vẫn tiếp tục diễn ra ít nhất trong tương lai gần. Bên cạnh đó, yêu cầu phải điều chỉnh giá các hàng hóa, dịch vụ do Nhà nước định giá “không thể trì hoãn mãi được” như giá dịch vụ y tế, giáo dục, giá điện... Những nguy cơ nói trên chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tình hình tăng trưởng, giá cả và thị trường tại Việt Nam trong năm 2023.

Theo sát thị trường thế giới để ứng phó kịp thời

Vào cuối tháng 1, mọi sự chú ý đang đổ dồn vào báo cáo CPI của Mỹ. Đầu tháng 2, báo cáo của Bộ Lao động Mỹ đưa ra con số lạm phát 6,4%, đã hạ nhiệt so với trước đó nhưng vẫn đứng ở mức cao.

Sở dĩ có những lo lắng về lạm phát của một số nền kinh tế lớn trên thế giới là do nó sẽ tác động đến nhiều quốc gia khác. Các nhà hoạch định chính sách tại Fed đang dõi theo CPI và hàng loạt dữ liệu khác để đưa ra quyết định về việc tăng lãi suất. Nếu các đợt thắt chặt tiền tệ chưa đủ để kìm hãm lạm phát, Fed có thể sẽ phải đưa ra các động thái mạnh tay hơn.

Theo Bộ Tài chính, năm 2023 vẫn còn một số áp lực lên mặt bằng giá đến từ bối cảnh thế giới và tình hình trong nước. Trên thế giới, tình hình địa chính trị phức tạp và lạm phát ở một số nước là vấn đề cần phải giải quyết, bởi lạm phát sẽ đi cùng với mức độ điều chỉnh chính sách tiền tệ, tài khóa. Đồng Đô la Mỹ sau một thời gian tăng mạnh sẽ trở lại vùng điều chỉnh, nhưng có thể vẫn ở mức cao một thời gian so với nhiều đồng nội tệ của các nước, trong đó có đồng Việt Nam, tạo sức ép lên chi phí nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu trong nước, bên cạnh tác động theo độ trễ từ năm 2022 sang năm sau.

Xung đột Nga và Ukraina vẫn tiếp tục ảnh hưởng đến tình hình cung cầu, giá cả các mặt hàng chiến lược nhất là mặt hàng xăng dầu, các vật liệu cơ bản cho sản xuất. Việc Trung Quốc mở cửa trở lại sau thời gian dài “bế quan tỏa cảng” để phòng chống dịch Covid-19 sẽ là một biến số lớn về bài toán lạm phát của thế giới trong năm tới, làm tăng nhu cầu đối với các mặt hàng chiến lược. Ở chiều ngược lại, dự báo lạm phát thế giới có thể giảm xuống trong năm 2023 do chính sách thắt chặt tiền tệ, nguy cơ suy thoái kinh tế và người dân thắt chặt chi tiêu.

Để kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4,5% như chỉ tiêu Quốc hội và Chính phủ đề ra, tìm cách ổn định thị trường tài chính tiền tệ, tiếp tục hạ thấp tỷ lệ lạm phát, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, cần tiếp tục giữ vững ổn định giá trị VND, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, tạo nền tảng cho phục hồi và phát triển bền vững của nền kinh tế. “Tăng trưởng kinh tế sẽ là nhân tố hỗ trợ đắc lực cho việc giữ ổn định nền kinh tế, giúp tránh được tâm lý hoài nghi của các doanh nghiệp và các tầng lớn dân cư, tránh tình trạng lạm phát do tâm lý” - ông Thịnh cho hay.

Bên cạnh đó, Ngân hàng nhà nước cần tiếp tục theo dõi sát tình hình biến động của nền kinh tế thế giới và thị trường tài chính - tiền tệ, chủ động điều hành linh hoạt lãi suất, công cụ thị trường mở, điều chỉnh tỷ giá hối đoán linh hoạt, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế, góp phần kìm giữ lạm phát cơ bản để làm cơ sở cho việc kìm giữ chỉ số giá tiêu dùng bình quân.