Lập 6 tổ công tác tháo gỡ khó khăn, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công Hối hả đốc thúc giải ngân vốn đầu tư công Giải ngân vốn đầu tư công: Phá tan sự ì ạch với các giải pháp mạnh

Tại Bộ Tài chính, Tổ công tác số 6 của Thủ tướng Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc làm Tổ trưởng đã thực hiện kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công năm 2022 tại 5 tỉnh: Vĩnh Phúc, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bình Phước theo hình thức trực tuyến.

Những vướng mắc và nguyên nhân được cho là “biết rồi khổ lắm nói mãi” cũng như những vấn đề phát sinh được bàn thảo, như: chậm giải phóng mặt bằng, giá nguyên vật liệu tăng, thẩm quyền kéo dài thời gian thực hiện và điều chỉnh dự án đầu tư công…

4 tháng, 5 tỉnh mới giải ngân được hơn 5 nghìn tỷ đồng

Phát biểu tại cuộc họp, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, hiện nay việc giải ngân vốn đầu tư công đang rất chậm, do đó cần thẳng thắn đánh giá thực trạng giải ngân, tập trung vào các khó khăn vướng mắc và giải pháp để đẩy nhanh tối đa giải ngân trong những tháng cuối năm.

Thẳng thắn nhận diện tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân làm chậm giải ngân vốn đầu tư công. Ảnh: Đức Minh.

“Số vốn Chính phủ giao cho 5 tỉnh là 26 nghìn tỷ đồng, nhưng đến nay mới giải ngân được hơn 5 nghìn tỷ đồng, trung bình giải ngân đạt 20,7%; cao nhất là hơn 34% và thấp nhất là hơn 14%. Đến nay đã gần hết nửa năm mà giải ngân rất thấp, chưa kể nguồn bổ sung từ Chương trình mục tiêu quốc gia, nguồn từ vượt thu, gói kích cầu… Các tỉnh cần báo cáo những khó khăn, vướng mắc, những lực cản và giải pháp khắc phục cũng như các kiến nghị nhằm tháo gỡ những nút thắt này” - Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.

Sau cuộc họp, Bộ Tài chính sẽ tổng hợp để báo cáo Thủ tướng Chính phủ, nhằm tháo gỡ các khó khăn, thúc đẩy giải ngân.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn NSNN năm 2022 cho 5 tỉnh với tổng số vốn là hơn 26,6 nghìn tỷ đồng; trong đó: Vốn ngân sách trung ương (NSTW) là hơn 5,7 nghìn tỷ đồng, nguồn vốn cân đối ngân sách địa phương (NSĐP) là hơn 29,9 nghìn tỷ đồng.

Địa phương đã phân bổ chi tiết tổng số là hơn 28 nghìn tỷ đồng, bằng 108% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, vốn NSTW giao đạt 100% kế hoạch; vốn NSĐP, có 3 tỉnh giao vượt đó là Vĩnh Phúc, Phú Yên và Bình Phước; 2 tỉnh giao thấp hơn kế hoạch là Bình Thuận và Khánh Hòa.

Về tình hình giải ngân, trong 5 địa phương, Khánh Hòa thấp nhất, mới đạt 14,5%, Bình Thuận cao nhất đạt 28,5%.

Những vướng mắc chung được nêu ra, đó là: trong quý I của năm do dịch bệnh vẫn ảnh hưởng đến tiến độ phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, ảnh hưởng tiến độ thực hiện các dự án; giá nguyên vật liệu xây dựng tăng cao trong thời gian qua khiến các doanh nghiệp, nhà thầu thi công cầm chừng hoặc tạm dừng thi công, dự án phải điều chỉnh chủ trương, điều chỉnh tổng mức đầu tư.

Một nguyên nhân được nhắc đến nhiều nhất, cũng là vướng mắc ảnh hưởng lớn nhất đó là công tác giải phóng mặt bằng; vướng về đơn giá, hệ số điều chỉnh giá đất, phương án đền bù…; các dự án mới khởi công đang triển khai thủ tục lập, thẩm định và phê duyệt thiết kế, dự toán, tổ chức đấu thầu xây lắp chưa giải ngân được vốn…

Giá nguyên vật liệu tăng cao gây khó khăn trong triển khai dự án

Sau khi các địa phương báo cáo tiến độ giải ngân và những vướng mắc, ông Nguyễn Đức Tâm- Vụ trưởng Vụ Địa phương và lãnh thổ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư “nhận diện” các vướng mắc chính, đó là: do diễn biến thời tiết không thuận lợi, mưa nhiều; công tác chuẩn bị đầu tư của 5 tỉnh gặp khó khăn, đây là nguyên nhân từ nhiều năm nay. Năm 2022, là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch trung hạn, 15/9/2021 mới giao kế hoạch trung hạn 2021-2025, nên công tác chuẩn bị đầu tư không tốt nên giải ngân chậm. Nguyên nhân tiếp theo đó là công tác giải phóng mặt bằng, đặc biệt xác định nguồn gốc đất và đơn giá đền bù giải phóng mặt bằng; giá nguyên vật liệu tăng cao…

Thẳng thắn nhận diện tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm
Cuộc họp có sự tham dự của đại diện một số bộ, ngành. Ảnh: Đức Minh.

“4 tháng qua, giá nguyên liệu là sắt thép, xi măng, cát sỏi rất cao, ảnh hưởng tới tiến độ, nên thi công cầm chừng, giá cả nguyên nhiên vật liệu cao ảnh hưởng tới giải ngân. Công tác triển khai ở các địa phương cũng còn nhiều hạn chế. Tăng cường phân cấp nhưng không đi đôi với năng lực. Năng lực của một số chủ đầu tư và nhà thầu thấp, khả năng tài chính thấp nên khi bị tác động” - đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư nói.

Bên cạnh đó, trong số 5 địa phương này, vốn NSNN giao hơn 26 nghìn tỷ đồng nhưng có địa phương còn chưa giao hết vốn Thủ tướng Chính phủ giao; cộng thêm vốn chuyển tiếp, vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia và vốn bổ sung thì số vốn sẽ tăng cao, nên các địa phương phải quyết liệt giải ngân.

Đưa ra các giải pháp khắc phục, đại diện một số bộ, ngành tại cuộc làm việc đã có những phương án hết sức cụ thể. Theo đó, cần phải đánh giá kỹ các nguyên nhân chủ quan và khách quan; cần thành lập các tổ công tác do Phó Chủ tịch tỉnh là tổ trưởng, đốc thúc giải ngân vốn cho các sở ngành; xử lý dứt điểm vướng mắc giải phóng mặt bằng; kiên quyết cắt giảm các dự án chậm giải ngân sang các dự án giải ngân tốt. Các dự án 6 tháng chưa giải ngân thì kiên quyết cắt giảm; tăng cường giám sát và công tác chỉ đạo để đẩy nhanh giải ngân vốn năm 2022.

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho rằng, chậm giải phóng mặt bằng không phải do chế độ mà do tổ chức thực hiện. Khi thực hiện, các địa phương phải theo hình thức cuốn chiếu, đây là vấn đề thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh chỉ đạo.

Về kéo dài vốn ngân sách từ 2021 sang 2022, theo đại diện đến từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản đồng ý cho phép, trong tuần này, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thông báo các địa phương danh mục và mức vốn kéo dài.

Thẳng thắn nhận diện tình trạng giải ngân vốn đầu tư công chậm
Cuộc họp của Tổ công tác số 6 do Bộ trưởng Hồ Đức Phớc làm Tổ trưởng thực hiện dưới hình thức trực tuyến. Ảnh: Đức Minh.

Đối với thẩm quyền kéo dài thời gian thực hiện, điều chỉnh kế hoạch đầu tư công hàng năm của các dự án sử dụng vốn ngân sách địa phương còn chưa linh hoạt, trên thực tế, HĐND tỉnh thường tổ chức 2-3 kỳ họp/năm, việc báo cáo HĐND tỉnh quyết định phải cần nhiều thời gian để thực hiện theo quy trình, bị động cho các cấp huyện và xã.

Liên quan đến vấn đề này, theo đại diện một số bộ, ngành, cần phải thực hiện theo quy định, niên độ cho phép giải ngân hết tháng 1 năm sau. Các quận huyện không giải ngân được, thì HĐND có thể điều tiết điều chỉnh dự án giải ngân thấp sang cao, tuy nhiên, nếu thế sẽ ngày càng giải ngân chậm. Có ý kiến cho rằng, HĐND tỉnh cần có những phiên họp bất thường, để có quyết sách điều chỉnh phù hợp trong những hoàn cảnh đặc biệt.

Về tách dự án đền bù giải phóng mặt bằng thành 1 dự án riêng biệt, Luật đã cho phép đối với 2 loại dự án quan trọng và dự án quốc gia. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét cho các dự án nhóm B và nhóm C được thực hiện như các dự án trên. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tiếp tục nghiên cứu để sẽ trình Quốc hội…

Giá nguyên vật liệu tăng cao cũng nhận được nhiều ý kiến “hiến kế”. Theo đại diện đến từ Bộ Giao thông vận tải, kinh nghiệm của Bộ này là đều thực hiện theo hình thức điều chỉnh giá, nên các địa phương cần có thông báo kịp thời, điều chỉnh cho các dự án để nhà thầu thi công. Với hợp đồng trọn gói không được điều chỉnh giá, thì cần có giải pháp để điều chỉnh phù hợp. Về bố trí vốn cho các dự án, do tăng giá nguyên vật liệu nên các dự án vốn bố trí không đủ, Bộ Giao thông vận tải đã điều chỉnh, do đó, các địa phương cần rà soát toàn bộ dự án, có thể giảm quy mô, có thể dừng một số dự án, tập trung cho dự án cần thiết trước.

Được biết, lãnh đạo một số địa phương đã cam kết đẩy nhanh tiến độ giải ngân, phấn đấu đạt từ 95% giải ngân kế hoạch vốn trở lên./.