KBNN

Nộp NSNN qua máy chấp nhận thẻ (POS), một hình thức giao dịch không dùng tiền mặt đang được thí điểm tại KBNN Hà Nội. Ảnh: Hạnh Thảo

Dự thảo thông tư quy định về quản lý thanh toán bằng tiền mặt và quản lý một số phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt qua KBNN.

Việc quản lý tiền mặt tại KBNN cấp tỉnh và cấp huyện được thực hiện theo định mức tồn quỹ tiền mặt quý do KBNN cấp tỉnh thông báo.

Định kỳ hàng quý (trước ngày 25 tháng cuối quý), KBNN cấp tỉnh có trách nhiệm xác định và thông báo cho các đơn vị KBNN trực thuộc định mức tồn quỹ tiền mặt quý sau.

Trường hợp đến thời điểm trên mà KBNN cấp tỉnh chưa thông báo định mức tồn quỹ tiền mặt, các đơn vị KBNN thực hiện theo định mức tồn quỹ tiền mặt đã được thông báo trước đó.

KBNN cấp tỉnh, cấp huyện được sử dụng các khoản thu bằng tiền mặt phát sinh tại đơn vị mình để đáp ứng nhu cầu thanh toán, chi trả bằng tiền mặt cho các đơn vị giao dịch, đảm bảo không được vượt quá định mức tồn quỹ tiền mặt quý đã được thông báo.

Khi có phát sinh các khoản thu NSNN bằng tiền mặt (phí, lệ phí, phạt vi phạm hành chính,…), các đơn vị giao dịch phải nộp đầy đủ, kịp thời số tiền mặt đã thu vào tài khoản tương ứng tại KBNN nơi đơn vị giao dịch hoặc nộp vào tài khoản của KBNN tại ngân hàng thương mại nơi KBNN mở tài khoản, theo chế độ quy định. Đơn vị giao dịch không được giữ lại nguồn thu NSNN bằng tiền mặt để chi, trừ trường hợp được phép để lại.

Trong lĩnh vực ủy nhiệm thu phí bằng tiền mặt, dự thảo quy định, đối với một số khoản thu phí bằng tiền mặt từ hoạt động dịch vụ do đơn vị sự nghiệp công lập thực hiện và được để lại một phần hoặc toàn bộ cho đơn vị, thì đơn vị được phép mở tài khoản chuyên thu tại ngân hàng thương mại và ủy nhiệm cho ngân hàng này thu hộ. Tài khoản chuyên thu này chỉ được sử dụng để tập trung các khoản thu phí của đơn vị, không được sử dụng để thanh toán hoặc sử dụng vào các mục đích khác.

Một điểm đáng lưu ý tại mục này là việc đăng ký rút tiền mặt. Theo đó, các đơn vị sử dụng NSNN có nhu cầu rút tiền mặt trong 1 ngày (một hoặc nhiều lần thanh toán) vượt mức quy định phải đăng ký với KBNN nơi mở tài khoản trước ít nhất 1 ngày làm việc về số lượng và thời điểm rút tiền để KBNN có kế hoạch chuẩn bị và cung ứng tiền mặt đầy đủ.

Về quản lý một số phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt, các đối tượng áp dụng là cán bộ công chức, viên chức thuộc các cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp,..., sỹ quan, hạ sỹ quan, công nhân quốc phòng,... nội dung chi trả là tiền lương, tiền công và các khoản phụ cấp lương, chi bổ sung thu nhập, một số khoản chi thanh toán cá nhân khác theo đề nghị của đơn vị.

Với việc thanh toán bằng hình thức thẻ tín dụng mua hàng sẽ có phạm vi thực hiện cụ thể. Những khoản chi đầu tư, mua sắm trang thiết bị phương tiện làm việc cá nhân và các khoản chi khác phải qua đấu thầu.

Ngoài ra, căn cứ khả năng cung ứng dịch vụ thanh toán qua thẻ tín dụng mua hàng và mạng lưới các điểm chấp nhận thẻ của hệ thống ngân hàng thương mại, các đơn vị giao dịch được quyền chủ động quyết định việc sử dụng hình thức thanh toán thẻ để mua hàng đối với các khoản chi còn lại.

Về trách nhiệm của KBNN, các đơn vị phải chấp hành nghiêm định mức tồn quỹ tiền mặt quý đã được thông báo. Trường hợp tồn quỹ tiền mặt thực tế vượt định mức đã được thông báo, các đơn vị KBNN phải có trách nhiệm nộp số tiền vượt định mức vào ngân hàng, nơi mở tài khoản vào đầu giờ làm việc của ngày hôm sau. Trừ trường hợp được sự chấp thuận bằng văn bản của giám đốc KBNN cấp tỉnh hoặc có nhu cầu chi lớn bằng tiền mặt vào ngày làm việc kế tiếp, nhưng tối đa không quá 2 ngày làm việc./.

Vân Hà