Chú thích ảnh
Các tòa nhà chung cư ở Bắc Kinh.

Theo hồ sơ tại Sàn giao dịch chứng khoán Hong Kong (Trung Quốc), Modern Land ngày 11/10 cho biết đang đề nghị các nhà đầu tư cho thêm thời gian để trả khoản trái phiếu 250 triệu USD. Khoản thanh toán này có hạn ngày 25/10. Modern Land cho biết muốn gia hạn hạn chót trên tới cuối tháng 1/2022 để tìm cách cải thiện quản lý thanh khoản và dòng tiền, tránh khả năng vỡ nợ.

Modern Land cũng cho biết Chủ tịch Zhang Lei và Chủ tịch Zhang Peng định cung cấp khoản vay 124 triệu USD để hỗ trợ công ty. Cổ phiếu Modern Land đã giảm hơn 2% giá trị ở Hong Kong ngày 11/10. Tính từ đầu năm, cổ phiếu của công ty đã giảm 45% giá trị.

Tập đoàn Modern Land có trụ sở ở Bắc Kinh, tự nhận mình là "nhà vận hành hàng đầu ngôi nhà công nghiệp công nghệ xanh". Modern Land đã hoàn thành gần 200 dự án ở trên 50 thành phố tại Trung Quốc và nước ngoài.

Tin tức về khó khăn tài chính của Modern Land xuất hiện cùng ngày khi nhà phát triển bất động sản Evergrande của Trung Quốc đối mặt với hạn chót thanh toán nợ lần nữa. Lần này là khoản nợ 148 triệu USD tiền lãi suất trái phiếu USD.

Tập đoàn Evergrande đang tìm người mua lại một số mảng kinh doanh khi tình trạng thiếu tiền khiến công ty có nguy cơ phá sản. Trước đó, Evergrande đã lỡ thời hạn trả lãi suất trái phiếu một lần. Tình trạng này khiến nhiều người đồn đoán công ty có thể được chính phủ Trung Quốc sẽ giải cứu, tái cơ cấu hoặc vỡ nợ.

Tuần trước, cổ phiếu của Evergrande bị đình chỉ giao dịch khi có thông tin đối thủ của tập đoàn này chuẩn bị mua mảng kinh doanh quản lý bất động sản của tập đoàn.

Trong những năm gần đây, ngành bất động sản Trung Quốc phát triển nhanh chóng, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Ngành này chiếm 29% khoản vay lớn bằng đồng nhân dân tệ của các ngân hàng Trung Quốc trong quý 2 năm 2021. Nếu tính cả các ngành liên quan, ngành bất động sản chiếm khoảng 30% GDP Trung Quốc.

Năm ngoái, Trung Quốc bắt đầu kiềm chế ngành này để hạn chế vay quá nhiều nhằm ngăn chận thị trường quá nóng. Trung Quốc muốn kiềm chế giá nhà tăng cao đang gây bất bình đẳng thu nhập, đe dọa ổn định kinh tế-xã hội.

Chú thích ảnh
Tòa nhà của tập đoàn bất động sản Evergrande ở Hong Kong, Trung Quốc, ngày 15/9/2021.

Từng là nhà phát triển bất động sản hàng đầu tại Trung Quốc, Evergrande đang lún sâu trong núi nợ lên đến 306 tỷ USD, tương đương 2% GDP của Trung Quốc. Tập đoàn này đang nỗ lực huy động vốn để trả cho các đơn vị cho vay, nhà cung cấp và ngăn chặn một cuộc khủng hoảng thanh khoản có thể dẫn tới sự sụp đổ. Cơ quan xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings của Mỹ đã hạ xếp hạng tín nhiệm của Evergrande từ mức "CC" xuống "CCC+", tức là chỉ trên mức vỡ nợ trong thang xếp hạng của cơ quan này.

Mới đây nhất, ngày 6/10, Chinese Estates Holdings, cổ đông lớn của tập đoàn phát triển bất động sản Evergrande của Trung Quốc, cho biết tập đoàn Solar Bright Ltd đã đề nghị mua lại cổ phần của Chinese Estates với giá 1,91 tỷ đô la Hong Kong (Trung Quốc), tương đương 245,3 triệu USD.

Trước đó, ngày 29/9, Evergrande thông báo bán 1,7 tỷ cổ phiếu trong Ngân hàng Shengjing (tương đương 19,93% cổ phần) với giá 10 tỷ Nhân dân tệ (1,55 tỷ USD) cho Tập đoàn đầu tư tài chính Shenyang Shengjing - một doanh nghiệp nhà nước liên quan tới quản lý vốn và tài sản. Evergrande cho hay thương vụ này phải được sự chấp thuận của ban giám đốc Ngân Shengjing. Đây được xem là động thái bán tháo cổ phần đầu tiên của Evergrande trong bối cảnh tập đoàn này đang nỗ lực đáp ứng nghĩa vụ tài chính của mình.