DN XK lo ngại nếu tham gia BHTDXK sẽ làm tăng chi phí, giá thành và giảm tính cạnh tranh của sản phẩm. Ảnh: P.V
DN không mặn mà mua bảo hiểm
Tổng giá trị BHTDXK 6 tháng đầu năm chỉ đạt 6.825 tỷ đồng tương đương 329,8 triệu USD, doanh thu phí bảo hiểm ước đạt 12,6 tỷ đồng. Số liệu của Cục quản lý, Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, trong số 21 hợp đồng được cấp thì có 16 hợp đồng tái tục và có hiệu lực từ năm 2012 chuyển sang và 5 hợp đồng được cấp mới.
Công ty Bảo hiểm Bảo Minh cấp được 12 hợp đồng, Công ty TNHH Bảo hiểm Chartis Việt Nam thực hiện được vài hợp đồng với doanh thu hơn 4 tỷ đồng, Công ty Bảo hiểm Liên Hiệp (UIC) đạt doanh thu khoảng 2 tỷ đồng…, nhiều hợp đồng vẫn trong quá trình thương thảo.
Việc triển khai thí điểm đang gặp khó khăn, mục tiêu đặt ra khó mà thực hiện được khi mà việc DN XK thờ ơ với việc mua bảo hiểm.
"Đây là sản phẩm bảo hiểm tự nguyện nên không thể bắt buộc DN XK mua bảo hiểm, DN bảo hiểm cũng đẩy mạnh tuyên truyền nhưng việc bán BHTDXK vẫn gặp nhiều khó khăn. Hiện nhiều DN đang gặp khó khăn về tài chính để duy trì hoạt động kinh doanh, khó khăn trong thanh toán chi phí hoạt động, nên không tính toán đến chi phí cho việc mua bảo hiểm. Một số DN thiếu thông tin về BHTDXK thường lựa chon các hình thức thanh toán truyền thống như thư tín dụng, bao thanh toán", ông Phùng Đắc Lộc, Tổng thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam chia sẻ.
Đặc biệt, nhiều DN XK lo ngại nếu tham gia BHTDXK sẽ làm tăng chi phí, giá thành và giảm tính cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường quốc tế do giá thành tăng cao.
Đại diện một DN bảo hiểm lớn triển khai BHTDXK cho biết: Hiện nay, Nhà nước đã hỗ trợ phí bảo hiểm là 20% với DN XK 23 mặt hàng như: Thủy sản; gạo; cà phê; rau quả; cao su; hạt tiêu; nhân điều; chè; sắn và các sản phẩm từ sắn…nhưng nhiều DN không xuất khẩu mặt hàng được ưu đãi phí vẫn mong muốn nhà nước có chính sách hỗ trợ thì mới mua bảo hiểm.
Thực tế, đây là loại hình bảo hiểm có mức phí rất cao, hỗ trợ 20% phí, 80 % phí còn lại cũng là một vấn đề lớn đối với DN nhất là ở trong thời điểm nền kinh tế gặp nhiều khó khăn.
Giải pháp kỳ vọng
Theo ông Phùng Đắc Lộc, BHTDXK là sản phẩm bảo hiểm thực sự mới và khó đối với cả cơ quan quản lý, DN bảo hiểm và DN XK của Việt Nam.
Theo kinh nghiệm quốc tế, BHTDXK liên quan chặt chẽ với ngân hàng, ở nhiều nước hợp đồng BHTDXK được coi là tài sản cho khách hàng vay vốn, nên việc triển khai thuận lợi rất nhiều. Tuy nhiên Việt Nam chưa có sự gắn kết này, do đó hợp đồng BHTDXK chưa được coi là tài sản đảm bảo cho việc vay vốn XK.
Nếu có sự hợp tác giữa ngân hàng và DN bảo hiểm trong việc triển khai BHTDXK, ngân hàng chỉ cam kết cho DN vay vốn khi có BHTDXK như một tài sản để đảm bảo rủi ro và có nhiều chính sách ưu tiên dành riêng cho DN XK tham gia BHTDXK thì triển khai BHTDXK sẽ dễ dàng hơn.
DN bảo hiểm và các ngân hàng cần hợp tác trong việc tuyên truyền, phổ biến BHTDXK cho các DN XK khi đến làm thủ tục vay vốn tại ngân hàng giúp khách hàng nhận thức rõ được vai trò, lợi ích của BHTDXK để hình thành thói quen và nhu cầu đối với loại hình bảo hiểm này.
Hồng Chi