![]() |
Nguồn: Bộ Tài chính |
Thêm cơ hội tạo cạnh tranh lành mạnh
Theo số liệu từ Bộ Tài chính, tính đến cuối năm 2024, Việt Nam có 19 công ty bảo hiểm nhân thọ trên thị trường, tổng doanh thu đạt hơn 148 nghìn tỷ đồng, trong đó chỉ có Bảo Việt nhân thọ là doanh nghiệp nội địa, chiếm 21,7% thị phần. Hơn 70% thị phần vẫn do các công ty bảo hiểm nước ngoài chiếm lĩnh như: Prudential (16%), Manulife (16%), Dai-ichi (13%), AIA (10%)…
Minh bạch và cơ hội mở rộng hợp tác“Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp nước ngoài khi đầu tư vào thị trường Việt Nam cũng mong muốn hợp tác với những công ty bảo hiểm uy tín để đảm bảo an toàn rủi ro. Do đó, nếu ngân hàng Việt xây dựng được một công ty bảo hiểm nhân thọ đủ mạnh, đây không chỉ là tạo lợi thế cạnh tranh mà còn mở ra cơ hội hợp tác” - chuyên gia kinh tế Lê Bá Chí Nhân. |
Một số công ty liên doanh giữa các ngân hàng Việt với sự tham gia của các đối tác nước ngoài chỉ chiếm thị phần nhỏ, như: MB Ageas Life (3%); BIDV MetLife (1,1%)… Còn lại hầu hết các ngân hàng tham gia thị trường bảo hiểm nhân thọ thông qua mô hình hợp tác phân phối (bancassurance).
Trong sân chơi phần lớn do doanh nghiệp nước ngoài chi phối, một "ông lớn" ngân hàng vừa tạo dấu ấn khi chuyển hướng thành lập các công ty con hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ lẫn phi nhân thọ, sau khi chấm dứt hợp tác với một doanh nghiệp nhân thọ nước ngoài.
Theo đó, Techcombank tham gia góp vốn thành lập Công ty Bảo hiểm Nhân thọ Kỹ Thương (TCLife) với tư cách là công ty con. TCLife dự kiến có vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng, trong đó Techcombank đầu tư 1.040 tỷ đồng, tương đương 80% cổ phần. Sau 5 năm hoạt động, Techcombank kỳ vọng thu lợi nhuận ròng 1.195 tỷ đồng, tương ứng với tỷ suất sinh lời 23,4%.
Đáng chú ý, TCLife còn tận dụng thế mạnh của hai cổ đông lớn là Techcombank và các doanh nghiệp thuộc hệ sinh thái Tập đoàn Vingroup, giúp cộng hưởng tiềm lực tài chính mạnh mẽ và tệp khách hàng rộng lớn từ hệ sinh thái cả hai tập đoàn lớn.
Theo chuyên gia kinh tế Lê Bá Chí Nhân, việc ngân hàng lớn tham gia vào lĩnh vực này có thể xem là bước đi chiến lược nhằm đa dạng hóa nguồn thu và tối ưu hóa hệ sinh thái tài chính của ngân hàng. Điều vị chuyên gia này lưu ý, đó là một trong những vấn đề gây tranh cãi trong hoạt động bancassurance thời gian qua là “bán bia kèm lạc”, khi ngân hàng yêu cầu khách hàng mua bảo hiểm khi vay vốn. Điều này không chỉ tạo áp lực cho khách hàng mà còn dẫn đến nhiều hệ lụy về mặt pháp lý và uy tín của ngân hàng.
Ủng hộ việc ngân hàng Việt thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ, song ông Nhân cho rằng, để đạt được thành công, các ngân hàng cần đặt sự minh bạch và quyền lợi của khách hàng lên hàng đầu, khách hàng tự nguyện mua bảo hiểm, tránh lặp lại những sai lầm của mô hình bancassurance trong quá khứ.
Cùng chung quan điểm, ông Trần Nguyên Đán - chuyên gia kinh tế, thành viên Hội Luật gia Việt Nam cho rằng, việc một “ông lớn” ngành Ngân hàng gia nhập thị trường bảo hiểm nhân thọ - phi nhân thọ là một tín hiệu tích cực. Điều quan trọng không chỉ nằm ở việc có thêm một tay chơi mới, mà là cách họ tham gia có tạo ra sự khác biệt hay không, phương thức kinh doanh đổi mới, thay vì chỉ là sự thay đổi trong cách thức vận hành, từ việc phân phối sản phẩm cho bên thứ ba sang tự kinh doanh để tối ưu hóa lợi nhuận.
Theo ông Đán, thị trường bảo hiểm còn dư địa phát triển lớn, do đó, việc có thêm doanh nghiệp, dù là vốn ngoại hay nội, đều đáng hoan nghênh, miễn là phần lớn phí bảo hiểm được tái đầu tư vào nền kinh tế Việt Nam và tạo thêm việc làm cho lao động trong nước.
Tận dụng dư địa phát triển của thị trường
Cũng theo chuyên gia kinh tế Lê Bá Chí Nhân, bảo hiểm từ lâu đã được xem là một lĩnh vực kinh doanh hấp dẫn tại Việt Nam, bởi tỷ lệ người tham gia bảo hiểm còn thấp, dư địa phát triển còn nhiều. “Đây cũng là thị trường mang lại cơ hội kinh doanh cao. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp nước ngoài sớm nhận ra cơ hội và xây dựng hệ thống phân phối bảo hiểm tại Việt Nam từ hơn một thập kỷ trước” - ông Nhân bày tỏ.
Thị trường bảo hiểm nhân thọ tại Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển với cơ hội rộng mở. Hiện Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, với hơn 50% dân số thuộc độ tuổi lao động, đây là nhóm đối tượng trụ cột rất cần được bảo vệ và có nhu cầu cao về bảo vệ tài chính. Thu nhập hộ gia đình cũng gia tăng đáng kể và nhận thức về các công cụ bảo vệ tài chính ngày một nâng cao, bảo hiểm nhân thọ hứa hẹn là một trong những sản phẩm được ưa chuộng trong thời gian tới.
Tuy nhiên, thống kê cho thấy, tỷ lệ dân số đang được bảo vệ bởi hợp đồng bảo hiểm nhân thọ là tương đối thấp, với 1,2% tỷ lệ phí bảo hiểm nhân thọ trên GDP và 11,87 triệu hợp đồng có hiệu lực cuối năm 2024.
"Với những biến động của thị trường bảo hiểm nhân thọ trong thời gian gần đây do những đứt gãy về cách phân phối cũ và chất lượng tư vấn, đã mở ra cơ hội cho những công ty bảo hiểm nhân thọ với định hướng số hóa trong tư vấn và dịch vụ sau bán hàng, đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp, hiệu quả để tiếp tục phục vụ thế hệ khách hàng mới và mở rộng thị trường” - đại diện Techcombank đánh giá.
Cơ hội nào cho bảo hiểm phi nhân thọ?Với thị trường bảo hiểm phi nhân thọ, tốc độ tăng trưởng được ghi nhận giai đoạn 2012 - 2023 lên tới 11% mỗi năm. Theo dự báo từ Công ty Chứng khoán Vietcap, trong năm 2025, tăng trưởng phí bảo hiểm dự kiến đạt 14,7%, đặc biệt là nhờ vào sự phát triển của bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm xe cơ giới. Cùng với đó, chiến lược tập trung tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng của Việt Nam, bao gồm các dự án năng lượng tái tạo và giao thông, thúc đẩy nhu cầu bảo hiểm tài sản. Bên cạnh đó, nhu cầu về bảo hiểm tài sản, xe cơ giới và bảo hiểm sức khỏe cho cá nhân đang gia tăng nhờ sự phát triển về kinh tế và cơ sở hạ tầng, nhu cầu sở hữu xe và nhu cầu chăm sóc sức khỏe trong tương lai khi xu hướng già hóa dân số đang diễn ra rất nhanh. Các phân khúc này mang lại cơ hội đáng kể để tạo ra doanh thu bền vững cho ngành bảo hiểm phi nhân thọ. Trước tiềm năng và dư địa phát triển cho công ty bảo hiểm phi nhân thọ khá lớn, Techcombank cũng vừa thông qua phương án mua lại 57% cổ phần của Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển NewCo, tương đương 28,5 triệu cổ phần với giá trị 285 tỷ đồng, đưa Công ty cổ phần Bảo hiểm Phi nhân thọ Techcom (TCGIns) trở thành công ty con của Techcombank. Trong vòng 5 tháng hoạt động kể từ khi thành lập tháng 10/2024 tới hết tháng 2/2025, doanh thu phí bảo hiểm TCGIns thu được 150 tỷ đồng (số liệu chưa kiểm toán)./. |