Trong đó số dự án bất động sản được cấp mới, có 44 dự án với giá trị vốn đăng ký gần 1,1 tỷ USD. Số lượt dự án điều chỉnh từ đầu năm là 17 dự án, với giá trị điều chỉnh tăng gần 116 triệu USD. Số lượt góp vốn mua cổ phần là 94, đạt gần 912 triệu USD.

Tính lũy kế đến nay, số dự án bất động sản còn hiệu lực là 978 với giá trị lên đến 61,3 tỷ USD. Đây là lĩnh vực có vốn FDI đăng ký lũy kế lớn thứ 2 cho đến nay (chỉ xếp sau lĩnh vực chế biến chế tạo với con số 239 tỷ USD).

Thị trường bất động sản đón hơn 2 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài
Khá nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài trong việc phát triển các kho lạnh tại Việt Nam. Ảnh: TL

Báo cáo của Tổng cục Thống kê đánh giá, bất động sản là số ít ngành có lượng doanh nghiệp thành lập mới tăng so với cùng kỳ (bên cạnh tài chính và vận tải kho bãi). Có hơn 5.900 doanh nghiệp bất động sản ra đời kể từ đầu năm, tăng 7,8% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, số doanh nghiệp kinh doanh bất động sản quay trở lại hoạt động cũng tăng 13,8%, đạt 1.161 đơn vị. Đây cũng là 1 trong 3 ngành ghi nhận doanh nghiệp quay lại hoạt động tăng lên kể từ đầu năm.

Thời gian gần đây liên tục phát sinh các giao dịch mua bán và sáp nhập giữa các doanh nghiệp nước ngoài và doanh nghiệp trong nước. Điển hình như Nishi Nippon Railroad mua lại phần vốn góp của Công ty CP đầu tư Nam Long tại Công ty TNHH MTV Paragon Đại Phước cũng là tín hiệu cho thấy thị trường đầu tư bất động sản ở Việt Nam dần khởi sắc, hay Công ty Aseana Properties Ltd đã bán cổ phần tại Bệnh viện Quốc tế City cho một đối tác liên doanh với tổng giá trị khoảng 95 triệu USD. Tập đoàn Ascott Ltd. (CapitaLand) mua lại tổ hợp 364 căn hộ Somerset Metropolitan West Hanoi với giá khoảng 93 triệu USD.

Ở góc nhìn khác, ông Troy Griffiths – Phó Tổng giám đốc Savills Việt Nam cho rằng, khá nhiều sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài trong việc phát triển các kho lạnh tại Việt Nam để tận dụng lợi thế của quá trình đô thị hóa và hiện đại hóa bán lẻ sẽ thay đổi cách các thành phố lớn của Việt Nam tìm nguồn thực phẩm tươi sống. Với sự đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng lớn như Sân bay Quốc tế Long Thành, các tuyến cung ứng sẽ được định hình lại trong tương lai. Khả năng cung cấp dịch vụ trong nước của các kho lạnh tại nước ta đã được kiểm chứng và sẽ tiếp tục phát triển trong thời gian tới. Điều này sẽ tạo điều kiện cho các đầu mối vận tải hàng không đẩy nhanh xuất khẩu, đặc biệt là thủy sản của Việt Nam với yêu cầu giữ lạnh chất lượng cao.

Kho bảo quản lạnh theo quy mô nhà xưởng là hình thức dịch vụ có thể cung cấp tủ đông và thiết bị làm lạnh để bảo quản cho các mặt hàng đông lạnh hoặc hàng tươi sống. Hầu hết các mặt hàng thực phẩm đều sẽ được bảo quản trong các kho lạnh, nhưng không chỉ riêng mỗi loại mặt hàng đó, kho lạnh cũng có thể được sử dụng để lưu trữ dược phẩm, hóa chất hoặc rượu vang. Người thuê có thể là các bên thứ ba như công ty logistics, các đơn vị chuyên về logistics kho lạnh hoặc chuỗi siêu thị.

Nghiên cứu thị trường bất động sản của Savills Việt Nam cũng ghi nhận, khu vực Châu Á - Thái Bình Dương đang ngày càng trở nên giàu có và đông dân hơn, kéo theo nhu cầu về các dịch vụ kho bảo quản lạnh cũng dần tăng cao, thu hút được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn ở hầu hết các nước.

Theo đó, bất động sản công nghiệp và hậu cần kho bãi (logistics) luôn được coi là một thị trường tiềm năng đối với các nhà đầu tư trong vài năm gần đây. Mặc dù vậy, phân khúc kho lạnh lại khá kén chọn khách hàng, cũng vì thế mà xảy ra hiện tượng nguồn cung tương đối khan hiếm tại hầu hết khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Đại diện Savills Việt Nam cho hay, ngay cả những thị trường phát triển như Nhật Bản hoặc Australia cũng có khá ít kho lạnh, với tổng nguồn cung thấp hơn cả các thị trường như Mỹ hay các quốc gia Tây Âu./.