Sẽ có nhiều chuyển biến tích cực

Theo TS. Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV, kinh tế Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội hồi phục trong năm 2024. Cơ sở cho nhận định này do Việt Nam đang xuất hiện nhiều động lực tăng trưởng tích cực. Cụ thể, Việt Nam hiện đang có 04 động lực tăng trưởng chính, bao gồm: Trung Quốc mở cửa trở lại; Việt Nam đang đón đầu cơ hội dịch chuyển chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư toàn cầu; dịch vụ, tiêu dùng tăng trưởng khá khả quan; đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022 - 2023 được đẩy mạnh.

Cũng theo TS. Cấn Văn Lực, bên cạnh những động lực tăng trưởng, Việt Nam còn đang sở hữu một nền tảng vĩ mô ổn định khi lạm phát thấp, tỷ giá vừa phải, rủi ro nợ xấu trong tầm kiểm soát. Cùng với đó, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và đặc biệt là hội nhập quốc tế thông qua việc ký kết các hiệp định FTA đang được Việt Nam thực hiện tốt. Chưa kể, Việt Nam cũng đang trong quá trình đẩy mạnh hoàn thiện thể chế. Mới đây nhất, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi). Sang năm 2024, Quốc hội sẽ tiếp tục thông qua Luật Đất đai (sửa đổi).

“Đây là những cơ sở để chúng ta mạnh dạn dự đoán, nền kinh tế Việt Nam có triển vọng hồi phục trong năm 2024. Khi kinh tế khởi sắc, thị trường bất động sản tất yếu cũng chuyển biến tích cực” - TS. Cấn Văn Lực nhìn nhận.

Thị trường bất động sản khi nào có thể khởi sắc?
Thị trường bất động sản nói riêng đang ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực để có thể “đảo chiều” trong năm 2024

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Quốc Anh - Phó Tổng giám đốc Batdongsan.com.vn cũng cho rằng, nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản nói riêng đang ghi nhận nhiều tín hiệu tích cực để có thể “đảo chiều” trong năm 2024. Theo đó, lãi suất, tăng trưởng tín dụng và các chính sách bất động sản là 3 tín hiệu sẽ thúc đẩy thị trường bất động sản hồi phục trong thời gian tới.

Từ đầu năm 2023, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh giảm trần lãi suất huy động, 4 lần hạ lãi suất điều hành. Hiện nhiều ngân hàng đã giảm mạnh 3 - 5% lãi suất huy động so với đầu năm. Như vậy, lãi suất đang dần tiệm cận ở mức lý tưởng.

Về hạn mức tăng trưởng tín dụng, Ngân hàng Nhà nước đề ra năm 2023 đạt 14 - 15%, song tính đến ngày 22/11, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống mới đạt 8,21%.

Đối với chính sách, năm 2023, Việt Nam đã sửa đổi và thông qua nhiều bộ luật quan trọng, đặc biệt trong đó là Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) và Luật Nhà ở (sửa đổi). Với Luật Đất đai (sửa đổi), dự kiến sẽ được thông qua vào năm 2024.

Cùng với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, năm nay Việt Nam còn đẩy mạnh nhiều chính sách hỗ trợ thị trường như gói hỗ trợ lãi suất 40 nghìn tỷ đồng, gói hỗ trợ 120 nghìn tỷ đồng cho nhà ở xã hội, lập 5 tổ công tác tháo gỡ đầu tư công; Nghị định 08 gỡ khó cho thị trường trái phiếu; Nghị quyết 33 thúc đẩy thị trường bất động sản lành mạnh, bền vững…

Kỳ vọng thị trường địa ốc có thể sớm "đảo chiều"

Ông Nguyễn Quốc Anh dự báo, trong khoảng nửa cuối năm 2024, thị trường bất động sản khả năng sẽ “đảo chiều”, chuyển từ trạng thái trầm lắng sang xu hướng dần hồi phục. Tuy nhiên, thị trường bất động sản “đảo chiều” không có nghĩa là ngay lập tức sôi động mà chỉ mới thoát khỏi xu hướng đi ngang. Để thị trường thực sự khởi sắc, vẫn cần một lộ trình rõ ràng.

Bên cạnh xác định thời điểm thị trường bất động sản “đảo chiều”, giới chuyên gia cho rằng, cũng cần dự báo diễn biến thị trường sau thời điểm “đảo chiều” để có những định hướng phát triển phù hợp.

Ông Nguyễn Quốc Anh cho biết thêm, ở chu kỳ trước, sau khi bước ra khỏi giai đoạn khó khăn, trầm lắng, thị trường đã phát triển theo 4 giai đoạn chính: Thăm dò - củng cố - khởi sắc - ổn định. Và ở chu kỳ này, thị trường khả năng cũng sẽ diễn biến tương tự.

Thị trường bất động sản khi nào có thể khởi sắc?
Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở có hiệu lực từ đầu năm 2025 sẽ góp phần khơi thông nguồn tiền, tháo gỡ pháp lý để định hướng và tạo động lực cho một thị trường phát triển bền vững. Ảnh: Q.H

Theo đó, giai đoạn thăm dò dự kiến diễn ra vào nửa cuối năm 2024 với thanh khoản nhỏ lẻ đến từ sản phẩm chung cư đáp ứng nhu cầu ở thực​. Tiếp theo sẽ là giai đoạn củng cố, dự kiến rơi vào​ quý IV/2024 - quý I/2025, trong điều kiện các công cụ, chính sách tiền tệ được đẩy mạnh ở diện rộng, giúp tháo gỡ khó khăn về nguồn tiền.

Ngoài ra, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở có hiệu lực từ đầu năm 2025 sẽ góp phần khơi thông nguồn tiền, tháo gỡ pháp lý để định hướng và tạo động lực cho một thị trường phát triển bền vững.

Ông Quốc Anh dự báo thị trường bất động sản Việt Nam sẽ bước vào thời kỳ khởi sắc từ quý II - quý IV/2025. Ông kỳ vọng giai đoạn này ghi nhận sự phát triển kinh tế mạnh mẽ, nguồn tiền đầu tư vào lĩnh vực bất động sản tăng trưởng​. Tiềm lực tài chính của chủ đầu tư và môi trường tiền tệ cải thiện dẫn đến sự phục hồi về nguồn cung và thanh khoản trên diện rộng​, giá bất động sản trong giai đoạn này cũng sẽ cải thiện đồng thời với nguồn cung và thanh khoản​.

Cuối cùng là giai đoạn ổn định, dự kiến từ quý I/2026 trở đi. Giai đoạn này, thị trường sẽ tiếp đà tăng trưởng tốt về thanh khoản và giá. Đồng thời có sự xuất hiện đa dạng của nhiều loại hình bất động sản hay còn gọi là giai đoạn “trăm hoa đua nở”.

Còn theo TS. Nguyễn Văn Đính - Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, rõ ràng thị trường bất động sản năm 2023 đã không hồi phục như kỳ vọng. Sang năm 2024, những dự đoán vẫn chỉ mang tính chất dự đoán. Bởi khả năng hồi phục thị trường phụ thuộc vào nhiều yếu tố, từ việc Chính phủ hỗ trợ như thế nào đến doanh nghiệp tái cấu trúc ra sao hay tâm lý nhà đầu tư liệu có hồi phục.

Chưa kể, thị trường bất động sản cũng được xem là “biến số” của nền kinh tế. Bất động sản chỉ khởi sắc khi kinh tế khởi sắc và ngược lại. Vì vậy, để thị trường đi được đúng lộ trình dự báo về khả năng hồi phục và phát triển, rất cần sự chung tay của nhiều phía, trong đó phía nào cũng có phần quan trọng không kém.

TS. Nguyễn Văn Đính kỳ vọng, nửa sau từ quý II/2024, thị trường địa ốc có thể "đảo chiều" như dự tính. Và mong rằng, sau khi "đảo chiều", thị trường sẽ đi đúng lộ trình hồi phục của mình. Bước vào một chu kỳ mới với tính chất an toàn, bền vững, lành mạnh. Chúng ta không thể đòi hỏi thị trường sẽ “đi nhanh” sau khi bước qua “vũng lầy” mà thay vào đó, điều mong muốn là cần đi chắc để có độ bền, sức chống chịu tốt.