Thị trường chứng khoán (TTCK) trong nước tuần qua (29/5 – 2/6) diễn biến rất tích cực cả điểm số lẫn thanh khoản. Với mức tăng mạnh về điểm số, đặc biệt là phiên cuối tuần đã giúp thị trường chính thức phá vỡ xu hướng đi ngang, tích lũy của nhiều tuần trước đó. Thống kê cho thấy, TTCK Việt Nam lọt Top thị trường có mức tăng mạnh nhất thế giới tuần vừa qua.

Thị trường chứng khoán: Cơ hội chuyển trạng thái từ đi ngang sang tăng điểm?

Đóng cửa phiên cuối tuần, chỉ số VN-Index ghi nhận mức tăng 2,6% và chốt tuần tại mức 1.090,84 điểm. Đây là mức điểm cao nhất của chỉ số này kể từ đầu tháng 2/2023. Sự tích cực cũng lan tỏa sang sàn Hà Nội với chỉ số HNX-Index tăng mạnh 3,9% lên mức 226,03 điểm và UPCoM-Index bật tăng 4,2% lên mức 83,96 điểm.

Theo số liệu từ MBS, thanh khoản bình quân kể từ đầu tháng 4 đến nay đã tăng gần 25% so với mức bình quân ở quý I/2023. Đáng chú ý kể từ đầu tháng 5 dòng tiền vào thị trường rất ổn định theo và theo xu hướng tăng dần, từ mức bình quân 11.500 tỷ đồng cuối tháng 4 đã tăng lên mức gần 18.500 tỷ đồng ở đầu tháng 6, tức tăng hơn 60%.

Tín hiệu đáng chú ý của TTCK trong nước trong tuần vừa qua là việc dòng tiền đảo ngược từ nhóm smallcap sang nhóm bluechips, tập trung chủ yếu ở nhóm cổ phiếu ngân hàng diễn ra ở phiên cuối tuần. Tuy vậy, nhóm smallcap và midcap vẫn ghi nhận mức tăng vượt trội, lần lượt 4,21% và 4,71%, trong khi nhóm VN30 tăng 2,47%.

Cổ phiếu ngân hàng vừa có 1 tuần bùng nổ nhưng không phải là nhóm có mức tăng mạnh nhất do mức tăng chỉ tập trung ở nhóm vốn hóa nhỏ: TPB + 11,21%; VIB +9,5%; TCB +7,69%; MBB +6,78%… Thanh khoản bùng nổ đã giúp nhóm cổ phiếu chứng khoán tăng mạnh nhất trong vòng 18 tuần vừa qua nhờ đóng góp của các cổ phiếu tiêu biểu như: VND +14,73%; SSI +6,87%; MBS +5,71%; SHS +8,11%… Ngoài 2 nhóm trên thì nhóm cổ phiếu hóa chất (DGC, DCM, DRC…) và bất động sản khu công nghiệp (VGC, KBC, SZC…)… cũng có mức tăng rất tốt trong tuần vừa qua.

Thị trường chứng khoán: Cơ hội chuyển trạng thái từ đi ngang sang tăng điểm?

Thanh khoản toàn thị trường bình quân đạt 18.497 tỷ đồng, tăng 27,2% so với tuần trước. Đây cũng là mức thanh khoản cao nhất trong vòng 25 tuần vừa qua. Trong đó, thanh khoản khớp lệnh cũng vọt gần 29% lên 16.397 tỷ đồng. Theo thông tin từ MBS, mức thanh khoản tăng vọt ghi dấu ấn dòng tiền nội, từ mức bình quân khớp lệnh hơn 9.000 tỷ đồng (giữa tháng 4 và tuần đầu tháng 5) đã tăng lên mức gần 16.400 tỷ đồng - đây chính là chất xúc tác giúp thị trường vượt đỉnh tháng 4 và tiệm cận vùng đỉnh tháng 2.

Thị trường chứng khoán: Cơ hội chuyển trạng thái từ đi ngang sang tăng điểm?

Trái ngược với xu hướng dòng tiền nội đang cuồn cuộn đổ vào thị trường, khối ngoại tiếp tục bán ròng từ mức mua ròng đỉnh điểm hơn 7.000 tỷ đồng về còn gần 2.000 tỷ đồng.

Thị trường chứng khoán: Cơ hội chuyển trạng thái từ đi ngang sang tăng điểm?

Khối ngoại bán ròng 1.279 tỷ đồng trên toàn thị trường, nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận hơn 1.300 tỷ đồng ở cổ phiếu STG ở tuần kết thúc ngày 19/5 vừa qua, khối ngoại đang duy trì mạch bán ròng 10 tuần liên tiếp. Lũy kế từ đầu năm, khối ngoại chỉ còn mua ròng 1.975 tỷ đồng từ mức đỉnh điểm hơn 7.000 tỷ đồng ở tuần cuối tháng 3.

Thị trường chứng khoán: Cơ hội chuyển trạng thái từ đi ngang sang tăng điểm?

Các quỹ ETF cũng bị rút ròng 9 triệu USD ở tuần vừa qua. Đây là tuần rút ròng thứ 9 liên tiếp, lũy kế từ đầu năm các quỹ ETF đã giải ngân 143 triệu USD (~ 3.334 tỷ đồng). Theo thống kê, dòng vốn quốc tế tuần vừa qua giải ngân mạnh ở các thị trường lớn như: Hàn Quốc, Đài loan, Ấn Độ… trong khi rút ròng ở các thị trường Đông Nam Á, ngoại trừ thị trường Indonesia…

Thị trường chứng khoán: Cơ hội chuyển trạng thái từ đi ngang sang tăng điểm?

TTCK trong nước đang mở ra cơ hội tăng điểm tích cực hơn trong tuần giao dịch tới (5/9 – 6/9). Các chính sách hỗ trợ nền kinh tế đang được dòng tiền nội đón nhận tích cực dù có độ trễ để phản ánh ở dữ liệu vĩ mô và kết quả thu nhập doanh nghiệp. Xu hướng lãi suất giảm khiến kênh gửi tiết kiệm kém hấp dẫn đang tạo đà cho kênh chứng khoán thu hút dòng tiền trở lại.

Thị trường chứng khoán: Cơ hội chuyển trạng thái từ đi ngang sang tăng điểm?

Về kỹ thuật, chỉ số VN-Index đã vượt ngưỡng đường trung bình 200 ngày kể từ tháng 8/2020, kèm thanh khoản cao cho thấy nhà đầu tư đang kỳ vọng chỉ số này có thể tạo đỉnh cao mới trong năm 2023 như đã diễn ra ở các nhóm cổ phiếu smallcap và midcap.

Nhà đầu tư cần quan sát kỹ diễn biến giao dịch của chỉ số VN-Index tuần tới để có thể khẳng định là thị trường đã thực sự bước vào sóng tăng hay chưa. Nhà đầu tư đã giải ngân thành công trong những tuần trước đó có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu, đồng thời hạn chế mua đuổi những cổ phiếu đã tăng mạnh gần đây vì việc mua vào với giá vốn cao tiềm ẩn rủi ro khi bước vào nhịp điều chỉnh kỹ thuật.

Tuy vậy, theo chuyên gia MBS, mặc dù dòng tiền đã có tín hiệu quay trở lại ở nhóm VN30, trong đó nổi bật là nhóm cổ phiếu ngân hàng ở phiên cuối tuần trước nhưng mới diễn ra 1 phiên. Do vậy, cần có thời gian để kiểm chứng, nhất là trong bối cảnh áp lực chốt lời vẫn diễn ra khi chỉ số tiến về các ngưỡng cản quan trong ở 1.096 điểm hay 1.100 điểm. Bên cạnh đó, tín hiệu cũng cần lưu ý là khối ngoại vẫn tiếp tục bán ròng ở nhóm cổ phiếu VN30.

“Dù chưa xuất hiện những tín hiệu qua đáy từ lợi nhuận của các doanh nghiệp cũng như dữ liệu vĩ mô nhưng yếu tố thanh khoản đang tăng mạnh sẽ giúp nhóm cổ phiếu chứng khoán có lợi thế. Ngoài nhóm cổ phiếu chứng khoán thì nhóm cổ phiếu bất động sản khu công nghiệp, sản xuất điện, dầu khí… cũng rất đáng quan tâm” – chuyên gia của MBS khuyến nghị.

Còn theo chuyên gia của VNDIRECT, tuần tới, chỉ số VN-Index có thể kiểm định lại mốc 1.080 điểm và nếu duy trì thành công trên ngưỡng này, TTCK Việt Nam sẽ chuyển dịch trạng thái từ “xu hướng đi ngang trước đó” sang “xu hướng tăng điểm”.

“Do đó, nhà đầu tư cần quan sát kỹ diễn biến giao dịch của chỉ số VN-Index tuần tới để có thể khẳng định là thị trường đã thực sự bước vào sóng tăng hay chưa. Nhà đầu tư đã giải ngân thành công trong những tuần trước đó có thể tiếp tục nắm giữ cổ phiếu, đồng thời hạn chế mua đuổi những cổ phiếu đã tăng mạnh gần đây vì việc mua vào với giá vốn cao tiềm ẩn rủi ro khi bước vào nhịp điều chỉnh kỹ thuật”- chuyên gia của VNDIRECT khuyến nghị./.