Tiền vào lại, thanh khoản cao nhất 4 tháng qua

Thị trường chứng khoán trong nước cho thấy nhiều dấu hiệu tích cực trên nhiều phương diện kể từ đầu tháng 8 tới nay. Tính trong 10 phiên giao dịch gần nhất, số phiên tăng của chỉ số VN-Index áp đảo với 7 phiên tăng, trong khi chỉ có 3 phiên giảm. Điều đáng lưu ý, trong 3 phiên giảm, VN-Index chỉ mất điểm rất nhẹ, trong khi thị trường có nhiều phiên tăng khá ấn tượng, điểm nhấn là phiên đầu tháng tăng 25 điểm. Tính chung từ đầu tháng đến nay, VN-Index đã tăng tới 56 điểm, đóng cửa phiên giao dịch ngày 12/8 tại 1.262,33 điểm, củng cố tương đối vững chắc mốc kháng cự quan trọng 1.200 điểm.

Chưa dừng ở đó, một dấu hiệu đáng quan tâm hơn trên thị trường chứng khoán hai tuần nay chính là thanh khoản đã vào trở lại, khi tâm lý nhà đầu tư tích cực hơn sau cả một tháng 7 giằng co, tích lũy.

Thị trường chứng khoán Việt Nam tháng 8 và phần còn lại của quý III/2022 sẽ có sự cải thiện đáng kể cả về điểm số và thanh khoản.
Thị trường chứng khoán Việt Nam tháng 8 và phần còn lại của quý III/2022 sẽ có sự cải thiện đáng kể cả về điểm số và thanh khoản.

Nhìn vào đồ thị thống kê cho thấy, thanh khoản thị trường chứng khoán trong nước lập đỉnh vào tháng 11/2021 và sau đó có dấu hiệu điều chỉnh giảm khi giai đoạn tiền rẻ qua đi. Nếu như giai đoạn từ tháng 11/2021 đến 3/2022, giá trị giao dịch toàn thị trường đều đạt xung quanh mốc 30.000 tỷ đồng/phiên, thì con số này đã giảm mạnh trong tháng 4, 5 và tháng 6/2022. Thanh khoản thị trường đã về mức thấp nhất kể từ đầu năm trong tháng 7 vừa qua, với con số chỉ dưới 15.000 tỷ đồng/phiên, chỉ bằng khoảng 1/2 so với giai đoạn cuối năm 2021 và đầu 2022.

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, chuyên gia tại một công ty chứng khoán cũng cho rằng, thanh khoản toàn thị trường dường như đã tìm thấy “đáy” khi lạm phát ở Mỹ có dấu hiệu tạo “đỉnh” trong tháng 7 vừa qua đã hỗ trợ thị trường chứng khoán thế giới hồi phục 3 tuần liên tiếp. Theo thống kê, thanh khoản bình quân tháng 7 đã xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm, chỉ đạt 13.782 tỷ đồng, tương đương giai đoạn cuối năm 2020. Kể từ đầu tháng 8 đến nay, thanh khoản thị trường đã tăng trở lại trên mức 19.300 tỷ đồng - mức cao nhất 4 tháng qua.

“Thị trường cũng cho thấy triển vọng dòng tiền đang quay trở lại khi nhóm cổ phiếu chứng khoán, vốn nhạy cảm với sự biến động của thanh khoản đã hồi phục gần 50% kể từ đáy, trong vòng 1 tháng trở lại đây, nhóm cổ phiếu này cũng có mức tăng gần 25%, cao nhất thị trường” - chuyên gia này nói.

Thanh khoản vẫn kỳ vọng tiếp tục tăng trong giai đoạn cuối năm

Nhiều chuyên gia đều nhận định, thị trường chứng khoán từ nay tới cuối năm nhiều khả năng sẽ tích cực hơn. Dòng tiền sẽ có thêm cơ hội để gia tăng khi thị trường chứng khoán đã trải qua giai đoạn dài điều chỉnh và tích lũy. Các rủi ro hiện vẫn khó lường, nhưng nhiều rủi ro đã được phản ánh vào giá; đồng thời, những yếu tố tích cực về vĩ mô, kết quả kinh doanh của doanh nghiệp sẽ tiếp tục tạo lực đỡ cho thị trường. Chính vì vậy, dù vẫn có sự phân hóa, song nhà đầu tư sẽ có nhiều cơ hội tìm kiếm lợi nhuận hơn và từ đó thúc đẩy thanh khoản gia tăng.

Một chuyên gia cho rằng, thanh khoản đang có dấu hiệu tăng trở lại khi các yếu tố tác động đang dần hạ nhiệt. CPI có dấu hiệu tạo đỉnh nhờ giá năng lượng và lương thực giảm mạnh. Ở trong nước, việc đưa vào giao dịch T+1,5 sắp tới cũng có thể là yếu tố tạo thêm vòng quay cho giao dịch ngắn hạn, qua đó tăng thêm thanh khoản cho thị trường.

Ông Đỗ Bảo Ngọc - Phó Tổng giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Việt Nam (CSI), cũng cho rằng bước sang tháng 8, thị trường chứng khoán có tín hiệu khả quan khi sắp tới thời điểm áp dụng chu kỳ thanh toán mới T+1,5, vận hành hệ thống giao dịch lô lẻ...

Giao dịch khối ngoại tích cực sẽ hỗ trợ thanh khoản

Mặc dù khối ngoại bán ròng trở lại hơn 1.000 tỷ đồng trong tháng 7; tuy nhiên, tính từ đầu tháng 8 tới nay, giao dịch của khối ngoại đã tích cực trở lại. Tính trong 2 tuần đầu tháng 8, khối ngoại duy trì 2 tuần mua ròng liên tiếp, với tổng mức mua ròng hơn 1.500 tỷ đồng. Nhiều nhận định cũng cho rằng, khả năng giao dịch của khối ngoại sẽ tích cực hơn vào cuối năm và duy trì mua ròng.

Cũng theo ông Ngọc, trên thế giới, thị trường chứng khoán Mỹ và châu Âu cũng có sự hồi phục ở giai đoạn này khi có nhiều tín hiệu đang chuyển biến theo hướng tích cực hơn. Các nhà đầu tư đang kỳ vọng lạm phát có thể tạo đỉnh trong tháng 7 khi giá cả nhiều loại hàng hóa cho tiêu dùng, nguyên vật liệu cho sản xuất, lương thực, năng lượng đã đồng loạt giảm mạnh trong 3 tuần cuối tháng 7. Đồng thời, kinh tế Mỹ đã suy thoái 2 quý liên tiếp, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có thể điều chỉnh giảm biên độ tăng lãi suất trong thời gian tới khi CPI hạ nhiệt. Thậm chí, nhà đầu tư còn kỳ vọng lãi suất ở Mỹ đã gần đến mức mục tiêu, nên áp lực tăng lãi suất sẽ giảm dần.

“Với những chuyển biến tích cực nêu trên, tôi cho rằng, thị trường chứng khoán Việt Nam tháng 8 và phần còn lại của quý III/2022 sẽ có sự cải thiện đáng kể cả về điểm số và thanh khoản, sau giai đoạn giảm mạnh trong quý II và tích lũy chặt chẽ trong tháng 7/2022” - ông Đỗ Bảo Ngọc cho hay.

Cũng theo lãnh đạo CSI, với việc trên 80% số lượng nhà đầu tư trên thị trường là cá nhân và phần đa là giao dịch ngắn hạn, thì việc rút ngắn thời gian thanh toán và vận hành hệ thống giao dịch lô lẻ sẽ giúp thị trường cải thiện tích cực về thanh khoản.

“Theo tính toán một cách số học về lý thuyết thì việc rút ngắn chu kỳ thanh toán xuống 0,5 - 1 ngày sẽ giúp tốc độ vòng quay vốn trên thị trường tăng lên khoảng gần 30%. Tuy nhiên, về thực tế có thể cần thời gian trả lời khi các giải pháp mới được vận hành chính thức, khi đó mới đo đếm được chính xác” - ông Ngọc phân tích.