Thị trường chứng khoán sẽ tiến tới vùng đỉnh mới trong tháng 9?
Thị trường chứng khoán vẫn nhận được sự hỗ trợ tích cực của các yếu tố vĩ mô. Ảnh: Duy Dũng

Dòng tiền trong nước tiếp tục cho thấy sức mạnh

Dù chịu sự biến động mạnh sau nhiều tháng tăng trưởng, song thị trường chứng khoán (TTCK) tháng 8 vẫn ghi nhận một tháng tăng nhẹ. Đóng cửa phiên giao dịch cuối cùng của tháng 8/2023, chỉ số VN-Index đóng cửa tại 1.224,05 điểm, chỉ tăng 0,09% so với tháng trước. Trên thực tế, đà tăng của chỉ số VN-Index trong tháng vừa qua chủ yếu là do phiên bán tháo diện rộng ngày 18/8, khiến chỉ số giảm rất mạnh với trên 55 điểm.

Ngoài diễn biến bất ngờ trong phiên 18/8, theo các chuyên gia, việc thị trường điều chỉnh trong tháng 8 còn là do nhà đầu tư nhận thấy một vài rủi ro vĩ mô dần xuất hiện trên thị trường như: Đà tăng mạnh gần đây của tỷ giá trong nước trong bối cảnh lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ leo lên mức cao nhất kể từ năm 2007; diễn biến tiêu cực tại Trung Quốc liên quan tới tăng trưởng chậm lại và thị trường bất động sản vẫn ảm đạm.

Trong khi đó, trên sàn HNX, hai chỉ số chính vẫn duy trì đà tăng so với tháng trước. Theo đó, chỉ số HNX-Index đóng cửa phiên cuối tháng tại 249,75 điểm, tăng +4,25% và UPCoM-Index đóng cửa tại 93,32 điểm, tăng 4,4% so với cuối tháng 7/2023.

Lý giải về diễn biến thị trường tháng 8, chuyên gia của Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho rằng, TTCK Việt Nam không nằm ngoài xu hướng điều chỉnh của thế giới. Sau khi tăng mạnh trong vài tháng trở lại đây, các chỉ số chứng khoán lớn tại Mỹ, Nhật Bản đã cho thấy dấu hiệu hạ nhiệt khi giảm điểm trong tháng 8. Điều này là do kỳ vọng lãi suất sẽ neo ở mức cao trong thời gian dài hơn để kiềm chế với lạm phát và việc Chính phủ Mỹ tích cực phát hành trái phiếu chính phủ để bù đắp thâm hụt ngân sách đã kéo theo đà tăng mạnh của lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ trong những tuần qua và khiến cho các tài sản rủi ro trông có vẻ “đắt đỏ” hơn.

Theo dữ liệu thống kê của VNDIRECT, nhịp tăng điểm vượt trội của VN-Index trong giai đoạn tháng 5 - 7/2023 góp phần giúp hiệu suất TTCK Việt Nam (+17,5% so với đầu năm) vượt qua TTCK lớn khác như Mỹ (+14% so với đầu năm), Hàn Quốc (12,6% so với đầu năm) và chỉ xếp sau Nhật Bản với mức tăng 21,2% so với đầu năm.

Điểm số không mang lại ấn tượng, nhưng thanh khoản bình quân của thị trường tháng 8 lại khác. Giá trị giao dịch bình quân phiên trên 3 sàn tăng trên 23% so với tháng trước, tăng +46,5% so với cùng kỳ, lên 26.117 tỷ đồng/phiên. Theo lý giải của các chuyên gia, thanh khoản tiếp tục xu hướng tăng nhờ việc Chính phủ quyết liệt ban hành và triển khai các chính sách hỗ trợ cho nền kinh tế.

Nhiều ý kiến đồng thuận cho rằng, tăng trưởng kinh tế vĩ mô và lợi nhuận doanh nghiệp niêm yết đã đi qua giai đoạn khó khăn nhất, chạm đáy và đang hồi phục dần. Tâm lý kỳ vọng tích cực, kết hợp với việc mặt bằng lãi suất hạ, các kênh đầu tư khác còn khó khăn để thúc đẩy dòng tiền tìm tới kênh chứng khoán.

Tiền sẽ tìm tới cổ phiếu cơ bản tốt

Sau nhịp điều chỉnh gần đây, TTCK trong nước đã lấy lại sự cân bằng, khi chỉ số VN-Index đang tích lũy trở lại và tiến sát vùng đỉnh cũ. Dù có thể xuất hiện các nhịp điều chỉnh, thậm chí rung lắc mạnh khi gặp các ngưỡng cản lớn, song nhiều chuyên gia vẫn bày tỏ quan điểm thị trường đang cho thấy nhiều dấu hiệu “uptrend” trung hạn rõ ràng hơn.

Theo chuyên gia của VNDIRECT, dòng tiền sẽ có sự sàng lọc hơn và tập trung vào nhóm cổ phiếu cơ bản tốt, có câu chuyện riêng. Các chuyên gia này vẫn cho rằng, các nhóm cổ phiếu liên quan tới đầu tư công sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm của dòng tiền trong tháng 9 này khi duy trì kỳ vọng giải ngân đầu tư công trong năm 2023 sẽ tăng 25% so với cùng kỳ.

Nhận định về TTCK trong nước tháng 9 này, chuyên gia của VNDIRECT đã đưa ra 2 kịch bản. Ở kịch bản 1 (khả năng xảy ra 70%), thị trường có thể vượt đỉnh cũ ngay trong tháng 9 và tiến tới vùng 1.280 - 1.300 điểm. Xu hướng tăng có thể được kích hoạt nhờ: Chính phủ tiếp tục thực thi các chính sách hỗ trợ kinh tế, mặt bằng lãi suất duy trì đà giảm thúc đẩy dòng vốn giá rẻ gia nhập TTCK; thời điểm công bố kết quả kinh doanh quý III đang đến gần với kỳ vọng tích cực hơn so với nửa đầu năm 2023; và chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Mỹ Joe Biden có thể mở ra nhiều cơ hội kinh doanh mới cho doanh nghiệp hai nước.

Ở kịch bản 2 (xác suất xảy ra là 30%), chuyên gia của VNDIRECT dự báo thị trường giao dịch tích lũy trong biên độ hẹp từ 1.180 - 1.240 điểm. Thị trường vẫn ghi nhận những thông tin tích cực ở trên, nhưng bị lu mờ bởi những rủi ro đang nổi lên về nguy cơ giảm phát tại Trung Quốc ảnh hưởng tới triển vọng xuất khẩu và tăng trưởng của Việt Nam; đà tăng của lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tiếp tục gây áp lực lên tỷ giá trong nước và do đó thu hẹp đáng kể dư địa chính sách tiền tệ của Việt Nam.

“Với dự báo lợi nhuận thị trường sẽ dần được cải thiện kể từ quý III và mặt bằng lãi suất huy động có thể giảm xuống 6%/năm vào cuối năm 2023, thì kênh chứng khoán sẽ cải thiện sức hấp dẫn so với kênh tiền gửi tiết kiệm trong những tháng cuối năm 2023” - VNDIRECT Research.