Mức định giá về mức hấp dẫn

Theo thông tin từ Bộ Tài chính, tiếp nối đà tăng thị trường chứng khoán (TTCK) của năm 2021, sau khi VN-Index đạt mức đỉnh lịch sử (1.528,57 điểm vào ngày 6/1/2022), thị trường bước vào giai đoạn diễn biến giằng co và có sự bứt phá mạnh trở lại vào cuối tháng 3 và đầu tháng 4. Thanh khoản thị trường cổ phiếu trong giai đoạn này tiếp tục tăng trưởng khá với giá trị giao dịch bình quân quý I/2022 đạt 31.174 tỷ đồng, tăng 17,2% so với bình quân năm 2021.

Trong quý II/2022, thị trường đã trải qua những nhịp điều chỉnh giảm mạnh. Đóng cửa ngày 30/6/2022, chỉ số VN-Index đạt mức 1.197,6 điểm, giảm 20,1% và chỉ số HNX-Index đạt mức 277,68 điểm, giảm 41,4% so với cuối năm 2021.

Thị trường chứng khoán tìm điểm cân bằng để chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng mới
Các chỉ số chứng khoán biến động giảm trong 6 tháng đầu năm. Nguồn: SSI Research.

Thanh khoản thị trường có xu hướng giảm khiến giá trị giao dịch bình quân quý II/2022 đạt 20.491 tỷ đồng/phiên, giảm 34,27% so với bình quân quý I/2022. Tuy nhiên, tính chung từ đầu năm đến nay, giá trị giao dịch bình quân của thị trường cổ phiếu đạt 25.440 tỷ đồng, chỉ giảm 4,4% so với bình quân năm trước.

Số lượng tài khoản nhà đầu tư mới vẫn tăng hơn gấp đôi cùng kỳ

Tính chung cả 5 tháng đầu năm 2022, nhà đầu tư cá nhân trong nước mở mới gần 1,4 triệu tài khoản chứng khoán, gấp 2,5 lần cùng kỳ năm trước. Tổng số lượng tài khoản chứng khoán tại Việt Nam đã đạt 5,695 triệu tài khoản, tăng 32% so với cuối năm 2021.

Như vậy, tính đến thời điểm hiện tại, tổng số tài khoản chứng khoán trong nước tương đương hơn 5,7% dân số, vượt trước 3 năm so với mục tiêu của Chính phủ đặt ra. Xu hướng này phản ánh mức độ quan tâm của người dân đến kênh đầu tư chứng khoán ngày càng tăng và đầu tư chứng khoán đang trở thành một kênh đầu tư quan trọng bên cạnh các kênh đầu tư truyền thống.

Trong quý I/2022, doanh thu thuần của các doanh nghiệp niêm yết và đại chúng quy mô lớn đã tăng 18% và lợi nhuận sau thuế tăng khá mạnh 33,7% so với cùng kỳ năm trước. Ngoại trừ nhóm ngành bất động sản, tất cả các nhóm ngành đều có doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế tăng trong quý I/2022.

Bên cạnh đó, giá cổ phiếu giảm sâu kết hợp với tăng trưởng lợi nhuận của doanh nghiệp đã đưa định giá cổ phiếu trên TTCK Việt Nam trở nên hấp dẫn so với các thị trường trong khu vực với mức P/E của VN-Index dự phóng 11,5 lần trong khi tỷ lệ P/E dự phóng trung bình của các quốc gia ASEAN đang phát triển trong khu vực khoảng 16,2 lần.

Quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu giảm do chỉ số giảm mạnh, nhưng quy mô niêm yết vẫn tiếp tục tăng trưởng. Tính đến ngày 30/6, mức vốn hóa thị trường đạt 6.250 nghìn tỷ đồng, giảm 19,5% so với cuối năm 2021, tương đương 74,4% GDP. Quy mô niêm yết, đăng ký giao dịch (ĐKGD) của thị trường tính đến cuối tháng 5/2022 đạt 1.830 nghìn tỷ đồng, tăng 5,22% với cuối năm 2021 với 767 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết trên 2 sở giao dịch chứng khoán và 863 cổ phiếu ĐKGD trên UPCoM.

Thị trường phái sinh phát huy vai trò phòng vệ rủi ro hiệu quả

Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết, trong nửa chặng đường năm 2022, trên thị trường chứng khoán phái sinh, sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 ngày càng thu hút nhà đầu tư tham gia nhằm phòng vệ rủi ro trong những giai đoạn thị trường cổ phiếu có biến động mạnh.

Thị trường chứng khoán tìm điểm cân bằng để chuẩn bị cho giai đoạn tăng trưởng mới
TTCK giảm mạnh đã đưa mức P/E về vùng hấp dẫn. Ảnh: Duy Dũng.
Khối ngoại bền bỉ mua ròng khi thị trường cổ phiếu giảm sâu

Trong 6 tháng đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài đã mua ròng 3.397 tỷ đồng trên thị trường cổ phiếu, đặc biệt trong quý II là giai đoạn thị trường Việt Nam điều chỉnh giảm sâu, khối này đã đẩy mạnh mua ròng với giá trị 10.417 tỷ đồng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ. Trên thị trường trái phiếu, động thái tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã khiến dòng vốn rút ròng trên thị trường trái phiếu châu Á, trong đó, khối ngoại đã bán ròng 3.345 tỷ đồng trái phiếu Việt Nam từ đầu năm đến nay.

Tính chung từ đầu năm đến nay, khối lượng giao dịch bình quân đạt 211.463 hợp đồng/phiên, tăng 12% so với bình quân năm trước. Trong đó, khối lượng giao dịch bình quân trong tháng 5 và tháng 6 của hợp đồng đạt mức trên 310.000 hợp đồng/phiên. Ngày 21/6/2022, thị trường chứng khoán phái sinh chứng kiến phiên giao dịch kỷ lục với khối lượng giao dịch đạt 507.025 hợp đồng. Khối lượng mở (OI) tại ngày 30/06/2022 đạt 39.943 hợp đồng, tăng 31% so với cuối năm 2021.

Trong khi đó, thị trường trái phiếu chính phủ duy trì sự ổn định. Đến cuối tháng 5/2022, thị trường có 427 mã trái phiếu niêm yết với giá trị niêm yết đạt hơn 1.629 nghìn tỷ đồng, tăng 3,4% so với năm 2021 (tương đương 19,4% GDP). Thanh khoản thị trường trái phiếu giảm nhẹ, giá trị giao dịch bình quân từ đầu năm đến nay đạt 10.649 tỷ đồng/phiên, giảm 6,6% so với bình quân năm trước./.