ck

Tâm lý nhà đầu tư đã dần ổn định trở lại giúp TTCK hồi phục tích cực trong tháng 4/2020.

Tuy nhiên, từ đầu tháng 4 đến nay, thị trường đang cho thấy dấu hiệu phục hồi khá bền bỉ và đang tạo ra kỳ vọng sẽ phục hồi mạnh mẽ hơn trong thời gian tới, khi công tác kiểm soát dịch bệnh tại Việt Nam đạt được nhiều kết quả rất tích cực

TTCK đã dần hồi phục

Thông tin từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cho biết, diễn biến của TTCK Việt Nam trong quý I/2020 có nhiều nét tương đồng với TTCK thế giới. Trong tháng 1/2020, TTCK Việt Nam tiếp tục đà tăng điểm từ cuối năm 2019. Tuy nhiên, do những diễn biến phức tạp của dịch bệnh, TTCK Việt Nam đã trải qua 2 kỳ giảm điểm nhanh và mạnh. Kết thúc quý I/2020, chỉ số VN-Index đã mất 33% giá trị so với thời điểm cuối năm 2019.

Sang tháng 4, TTCK Việt Nam là một trong những thị trường phục hồi nhanh và mạnh nhất thế giới khi từ ngày 1/4 đến ngày 17/4, thị trường ghi nhận 11/12 phiên tăng điểm và đã tăng trên 19% nhờ diễn biến tích cực hơn của TTCK quốc tế, công tác kiểm soát dịch

Covid-19 hiệu quả tại Việt Nam và đánh giá tích cực của các tổ chức quốc tế về tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2020 so với các nước trong khu vực.

Thanh khoản của thị trường cổ phiếu duy trì ở mức tốt, với giá trị giao dịch bình quân từ đầu năm đến nay (17/4) đạt trên 4.700 tỷ đồng, tăng 2% so với bình quân năm 2019. Lực cầu chủ yếu đến từ trong nước, khi trong tháng 3/2020, TTCK ghi nhận nhóm nhà đầu tư (NĐT) trong nước mở mới 31.949 tài khoản, cao nhất trong 2 năm trở lại đây và gấp đôi so với trung bình 6 tháng qua.

Trên TTCK phái sinh, giao dịch của sản phẩm hợp đồng tương lai trên chỉ số VN30 sôi động hơn, đặc biệt khi thị trường cơ sở biến động mạnh. Điều này thể hiện TTCK phái sinh đóng vai trò phòng vệ rủi ro hiệu quả, có tác dụng ổn định tâm lý NĐT, là một công cụ phòng ngừa rủi ro đối với danh mục chứng khoán cơ sở.

Tuy nhiên, cũng theo thông tin từ UBCKNN, cũng như xu hướng chung của các thị trường toàn cầu, trong quý đầu năm, NĐT nước ngoài (NĐTNN) đã gia tăng bán ròng. Tính chung cả quý, khối ngoại đã bán ròng 10.164 tỷ đồng cổ phiếu, chứng chỉ quỹ và bán ròng 3.483 tỷ đồng trái phiếu. Đồng thời, NĐTNN cũng có dấu hiệu rút ròng trong những tháng vừa qua. Ngoài ra, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động huy động vốn và cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước có xu hướng chậm lại.

Nhiều giải pháp bước đầu phát huy hiệu quả

Sự sụt giảm của TTCK Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu do tác động trực tiếp của dịch bệnh làm giảm tăng trưởng, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp (DN) niêm yết gặp khó khăn, đồng thời do tâm lý bất an của NĐT trong bối cảnh dịch bệnh. Diễn biến của TTCK phụ thuộc phần lớn vào khả năng kiểm soát dịch bệnh, sự hỗ trợ từ các chính sách kích thích để hỗ trợ DN trong sản xuất kinh doanh, và việc ổn định tâm lý của NĐT, nhất là NĐTNN.

Lãnh đạo UBCKNN cho biết, mặc dù TTCK trong nước và thế giới trong thời gian qua diễn biến hết sức phức tạp, UBCKNN vẫn luôn giữ quan điểm mở cửa thị trường, tuân theo nguyên tắc điều chỉnh cung - cầu, tránh can thiệp hành chính gây tác động tiêu cực tới tâm lý NĐT. Nhờ đó, TTCK Việt Nam đã có những phiên phục hồi từ đầu tháng 4, NĐT dần ổn định và tham gia tích cực. Đặc biệt, từ đầu năm đến nay đã có hơn 50 nghìn tài khoản chứng khoán mở mới. NĐT nước ngoài tuy vẫn tiếp tục xu hướng bán ròng trên thị trường cổ phiếu nhưng đã thu hẹp giá trị, đồng thời chuyển sang mua ròng trên thị trường trái phiếu.

Ngày 18/3/2020, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 14/2020/TT-BTC giảm giá một số dịch vụ trong lĩnh vực chứng khoán để hỗ trợ DN và NĐT. Đồng thời, đang tiếp tục rà soát sửa đổi Thông tư 272/2016/TT-BTC ngày 14/11/2016 quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán để cắt giảm một số khoản phí và lệ phí, tiếp tục hỗ trợ thị trường hơn nữa trong giai đoạn khó khăn. Các chính sách kịp thời, đúng thời điểm của Bộ Tài chính đã tạo tâm lý hứng khởi và yên tâm hơn cho NĐT trong bối cảnh dịch bệnh.

Ngoài ra, thực hiện nghiêm việc cách ly xã hội theo đúng yêu cầu của Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, UBCKNN đã có công văn hướng dẫn các DN gia hạn tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên năm 2020, chuẩn bị thêm phương án tổ chức ĐHĐCĐ trực tuyến và đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch Covid-19. Thực hiện theo hướng dẫn của UBCKNN, nhiều DN đã tiến hành các bước chuẩn bị nhằm thực hiện họp ĐHĐCĐ trực tuyến.

Việt Nam vẫn có nhiều yếu tố thuận lợi hỗ trợ TTCK

Trao đổi với phóng viên TBTCVN, ông Trần Văn Dũng – Chủ tịch UBCKNN cho biết, những thông tin tích cực trong công tác phòng chống và kiểm soát dịch Covid-19 của Việt Nam những ngày qua là điểm sáng trên bản đồ phòng chống dịch Covid-19 toàn cầu. “Chúng ta không được chủ quan, nhưng chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào nỗ lực, quyết tâm chung của cả nước, cũng như các giải pháp đúng đắn của Chính phủ, các bộ, ban, ngành, địa phương trong công tác kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh. Việt Nam sẽ là một trong những nước sớm nhất trên thế giới kiểm soát tốt dịch Covid-19” – Chủ tịch UBCKNN chia sẻ.

Thời gian qua, Chính phủ thúc đẩy triển khai các biện pháp thiết thực hỗ trợ DN, trong đó có các chính sách như chính sách về thuế, phí; cắt giảm chi phí đầu vào, chi phí liên quan đến người lao động; cắt giảm chi phí

logistics. Ngân hàng Nhà nước đã giảm lãi suất điều hành và thực hiện cơ cấu lại nợ, giãn nợ đối với các DN chịu ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Động thái này giúp DN niêm yết tăng khả năng phục hồi hoạt động sau khi dịch được kiểm soát.

Nhìn một cách tổng quan, khi Việt Nam kiểm soát hoàn toàn được dịch bệnh, với nội lực của nền kinh tế Việt Nam, chúng ta có nhiều cơ sở để trông đợi vào khả năng hồi sinh và tăng trưởng trở lại của nền kinh tế. Việt Nam được các tổ chức quốc tế đánh giá là một trong những nước có có triển vọng tăng trưởng khả quan nhất khu vực châu Á trong giai đoạn khó khăn vì dịch bệnh hiện tại. Đây là điều kiện quan trọng nhất để DN vượt khó và phát triển sản xuất kinh doanh. Chính vì vậy, đây là những yếu tố nền tảng hỗ trợ TTCK Việt Nam phục hồi mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.

Chủ tịch UBCKNN cho biết thêm, TTCK đang là một trong những kênh đầu tư hấp dẫn và nhận được sự quan tâm của các NĐT trong nước. Đối với NĐT nước ngoài, TTCK Việt Nam đang được định giá khá thấp so với các nước trong khu vực cùng với những thành công nổi trội trong kiểm soát dịch bệnh sẽ giúp Việt Nam trở thành một điểm sáng, giúp thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài quay trở lại trong tuần giữa tháng 4 trở lại đây, chấm dứt chuỗi ra ròng 9 tuần liên tiếp và kỳ vọng sẽ tiếp tục diễn biến tích cực sau khi Việt Nam chính thức khống chế dịch bệnh, mở cửa trở lại nền kinh tế.

Phân tích trên tương quan toàn cầu, dòng tiền đầu tư khi gặp biến cố có thể tạm thời co cụm, nhưng khi mọi việc đã ổn trở lại, dòng tiền thông minh sẽ luôn tìm tới những nơi an toàn và có khả năng sinh lời cao. “Việt Nam chúng ta có nền tảng vĩ mô tốt, có lợi thế trong các hiệp định thương mại tự do cũng như xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu, Chính phủ luôn tạo mọi điều kiện cho phát triển kinh tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài,... Chúng tôi cho rằng, Việt Nam vẫn là điểm sáng thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát” – ông Trần Văn Dũng nói.

“Việt Nam chúng ta có nền tảng vĩ mô tốt, có lợi thế trong các hiệp định thương mại tự do cũng như xu thế dịch chuyển dòng vốn đầu tư toàn cầu, Chính phủ luôn tạo mọi điều kiện cho phát triển kinh tế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài,... Chúng tôi cho rằng, Việt Nam vẫn là điểm sáng thu hút dòng vốn đầu tư trực tiếp và gián tiếp khi dịch bệnh được kiểm soát” – Ông Trần Văn Dũng - Chủ tịch UBCKNN

Chu Thái