Số lao động trong doanh nghiệp giảm

Ngày 10/1/2023, tại Hà Nội, Tổng cục Thống kê (TCTK) tổ chức họp báo tình hình lao động việc làm quý IV và năm 2022. Theo công bố của Tổng cục Thống kê, lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong quý IV/2022 là 52,1 triệu người, cao nhất trong vòng 2 năm trở lại đây, tăng gần 0,3 triệu người so với quý trước và tăng gần 1,4 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Thị trường lao động tiếp tục phục hồi nhưng tốc độ chậm dần
Quang cảnh buổi họp báo. Ảnh: H.Q

Lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm trong quý IV/2022 là 51 triệu người, tăng 239,4 nghìn người so với quý trước và tăng gần 2 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Lao động có việc làm ở khu vực thành thị là 18,8 triệu người, tương đương với quý trước và tăng 0,9 triệu người so với cùng kỳ năm trước; số có việc làm ở nông thôn là 32,2 triệu người, tăng 247,7 nghìn người so với quý trước và tăng 1,1 triệu người so với cùng kỳ năm trước.

Trong quý IV/2022, có gần 296 nghìn lao động bị buộc nghỉ giãn việc, trong đó đa số ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (chiếm 64,2%), tập trung chủ yếu ở ngành dệt may, da giầy (chiếm 72,5%); chủ yếu ở các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam như: TP. Hồ Chí Minh (khoảng 36 nghìn người), Tây Ninh (42 nghìn người)...

Báo cáo tổng quan về tình hình lao động việc làm quý IV/2022, ông Phạm Hoài Nam - Vụ trưởng Vụ Thống kê dân số và lao động, Tổng cục Thống kê cho biết, giai đoạn 2019-2021, lao động trong khối doanh nghiệp ở quý IV các năm luôn ghi nhận mức tăng trưởng dương so với quý trước, tuy nhiên đến quý IV/2022, số lao động trong các doanh nghiệp đã ghi nhận sự sụt giảm. So với quý III/2022, số lao động trong các doanh nghiệp giảm 10,4 nghìn người.

Sự chuyển dịch giữa lao động trong các doanh nghiệp và lao động trong hộ/cá nhân/tập thể nói trên đã làm tăng số lao động phi chính thức, đồng thời giảm số lao động chính thức so với quý trước. Quý IV/2022, số lao động phi chính thức là 33,4 triệu người, tăng 337,1 nghìn người; số lao động chính thức là 17,7 triệu người, giảm 97,7 nghìn người so với quý trước, điều này làm tỷ lệ lao động phi chính thức tăng lên 0,4 điểm phần trăm (65,4% so với 65,0%).

Thông thường, quý IV là quý mà thị trường lao động cần huy động rất nhiều nguồn nhân lực phục vụ các dịp lễ tết cuối năm, do đó số có việc làm thường tăng cao, như trong năm 2019, thời điểm trước khi có dịch Covid-19, lao động có việc làm trong quý IV tăng 4,6 nghìn người (tương đương tăng gần 1%).

"Tuy nhiên trong quý IV/2022, lần đầu tiên ở Việt Nam diễn ra tình trạng thiếu đơn hàng vào dịp cuối năm, do tác động của tình hình an ninh chính trị nhiều nơi trên thế giới bất ổn; giá nguyên liệu, nhiên liệu, khí đốt tăng cao, buộc các nước châu Âu phải cắt giảm chi tiêu, mua sắm vào dịp cuối năm. Cùng với đó lãi suất và tỷ giá tăng khiến các doanh nghiệp càng gặp nhiều khó khăn và buộc phải cắt giảm lao động. Điều này làm giảm tốc độ tăng lao động trong quý IV/2022 chỉ còn 0,5%" - ông Nam lý giải nguyên nhân khiến số việc làm giảm trong quý cuối cùng của năm 2022.

Tỷ lệ thất nghiệp có xu hướng tăng

Trước biến động của thị trường quốc tế và trong nước, những tháng cuối năm 2022, một số doanh nghiệp, đặc biệt là trong lĩnh vực dệt may, da giày, chế biến gỗ đã gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh, bị cắt giảm đơn hàng, dẫn đến phải cắt giảm việc làm. Do đó, tình hình thất nghiệp quý IV có xu hướng tăng lên so với quý trước.

"Cụ thể, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý IV/2022 là hơn 1,08 triệu người, tăng 24,9 nghìn người so với quý trước và giảm 520 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý IV/2022 là 2,32%, tăng 0,04 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,24 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước" - ông Nam cho hay.

Thị trường lao động tiếp tục phục hồi nhưng tốc độ chậm dần
Số người và tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động theo quý giai đoạn 2020-2022

Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên từ 15-24 tuổi trong quý IV/2022 là 7,7%, giảm 0,32 điểm phần trăm so với quý trước và giảm 1,08 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên khu vực thành thị là 10,78%, cao hơn 4,67 điểm phần trăm so với khu vực nông thôn.

Lý giải vì sao tỷ lệ thất nghiệp trong quý vẫn thấp, không giảm nhiều so với quý trước, Tổng cục Thống kê cho biết là nhờ số việc làm phi chính thức tăng cao. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức của quý IV là 65,4%, tăng 0,4 điểm phần trăm so với quý trước.

Số lao động làm công việc tự sản, tự tiêu trong quý IV/2022 là 4,2 triệu người, giảm gần 80 nghìn người so với quý trước và giảm mạnh 0,7 triệu người so với cùng kỳ năm trước. Số lao động này chủ yếu ở khu vực nông thôn. Gần hai phần ba số người sản xuất sản phẩm tự sản, tự tiêu trong quý IV/2022 là nữ giới (chiếm 63,4%).

Trong tổng số 4,3 triệu người là lao động sản xuất tự sản, tự tiêu, có khoảng gần 2,2 triệu người đang trong độ tuổi lao động (chiếm 51,7%). Hầu hết lao động sản xuất tự sản, tự tiêu đều không có bằng cấp, chứng chỉ. Trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng đòi hỏi, yêu cầu cao về tay nghề, kỹ năng, cũng như mở cửa nền kinh tế sau đại dịch Covid-19, cơ hội để nhóm lao động này có một công việc trên thị trường lao động là rất khó khăn.

Thu nhập bình quân tháng của người lao động năm 2022 là 6,7 triệu đồng

Thu nhập bình quân tháng của người lao động năm 2022 là 6,7 triệu đồng, tăng 927 nghìn đồng so với năm trước và tăng 759 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2019. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam là 7,6 triệu đồng, tăng 950 nghìn đồng so với năm trước và tăng 830 nghìn đồng so với cùng kỳ năm 2019; thu nhập bình quân tháng của lao động nữ là 5,6 triệu đồng, tăng 914 nghìn đồng so với năm trước và tăng 709 nghìn đồng so với cùng năm 2019./.