tro lai

Cảnh diễn trong phim Trở lại, đạo diễn Phạm Đông Hồng (ảnh cắt từ clip phim)

Nhà sản xuất bị chi phối

Thị trường hài tết miền Bắc 2016 vẫn là các nhà sản xuất quen thuộc như hãng phim Bình Minh, Công ty CP Nghe nhìn Thăng Long… Ra mắt khán giả đầu tiên trong dịp tết này phải nói tới bộ phim "Làng ế vợ" của hãng phim Bình Minh. Xem phim, khán giả không khó để nhận ra nhiều đoạn hội thoại là ngôn ngữ suồng sã chỉ có thể khiến người xem cười khiên cưỡng.

Đạo diễn Trần Trọng Bình thừa nhận, phim hài Tết không cần quá cầu kỳ, miễn sao mang đến cho khán giả tiếng cười giải trí. Anh cho biết: “Làm phim xong tôi thấy không ưng ý chút nào. Nhưng thường những tác phẩm tôi không ưng ý thì khán giả lại thích, ví dụ như phim Làng ế vợ. Xem xong phim tôi này cảm thấy ngượng với chính mình, vì thấy nó nhảm nhí, chính bản thân tôi nhìn thấy điều đó nhưng khán giả cần những điều đó, vì nó mang tính giải trí nhẹ nhàng”.

Anh dẫn chứng cho tính giải trí, nhẹ nhàng này là việc chỉ sau 7 ngày đưa lên youtobe, bộ phim "Làng ế vợ" đã thu hút gần 10 triệu lượt xem. Ngoài "Làng ế vợ" còn có "Đại gia chân đất 6", "Tiền đồ", "Đa cấp về thôn"

Tuy vậy, bên cạnh những bộ phim hài nhảm nhí, thị trường hài tết vẫn có những phim được khán giả đánh giá cao, trung thành với việc khai thác những câu chuyện dân gian, như 2 bộ phim hài dân gian là “Trở lại”“Chôn nhời 3” của đạo diễn Phạm Đông Hồng.

Với 2 bộ phim này, đạo diễn Phạm Đông Hồng đã truyền tải được nhiều thông điệp mang tính thời sự cao. Theo ông, các nhà sản xuất phim hài hiện nay đang bị phụ thuộc lớn vào kinh phí của nhà tài trợ nên nội dung kịch bản bị chi phối là điều không tránh khỏi.

“Sau khi kêu gọi được một khoản kinh phí từ nhà tài trợ, các nhà sản xuất mới bắt đầu tiến hành làm nội dung. Do đó, nội dung kịch bản rất dễ bị các nhà tài trợ chi phối. Trong khi tôi thường bỏ vốn ra để làm một sản phẩm tốt, sau đó mới kêu gọi các nhà tài trợ. Ngoài ra, phim của tôi thường lấy chủ đề dân gian, nên nếu đưa các sản phẩm quảng cáo như cái cốc, chén cũng không được. Vì thế, phim của tôi không bao giờ bị nhà sản xuất chi phối", đạo diễn Phạm Đông Hồng chia sẻ.

Do phụ thuộc vào kinh phí nhà tài trợ nên nhiều phân cảnh trong phim khán giả buộc phải xem quảng cáo một cách lộ liễu. Từ chiếc xe đạp, tấm lợp đến các hãng nước giải khát. Lâu nay, việc khan hiếm kịch bản hay đã trở thành bài toán khó đối với nhiều nhà sản xuất. Do đó, nhiều phim hài vẫn chỉ là “bình mới rượu cũ” như "Làng ế vợ" phần 2, "Đại gia chân đất" tới phần 6.

Ngay cả bản thân các nghệ sĩ cũng thừa nhận, thị trường phim hài dường như đang trở nên dễ dãi hơn. “Cái cười bây giờ nhạt lắm, gượng. Riêng với hài, tôi nghĩ cần phải chắt lọc, không thể coi nó như một nghệ thuật dễ dàng được”, NSƯT Phạm Bằng bộc bạch.

Gần như năm nào cũng góp mặt ở các đĩa hài tết, NSƯT Quang Thắng cho biết, để không bị tiếng cười nhảm, cười nhạt anh thường lựa chọn kịch bản rất khắt khe. “Tuy nhiên, tìm đâu được kịch bản vừa hay vừa thâm thúy không phải là hài nhảm thì cực kỳ khó. Khi đã chọn được rồi ekip tha hồ sáng tạo”, NSƯT Quang Thắng chia sẻ.

Địa lậu chiếm lới 70%

Nếu như chất lượng phim hài Tết vẫn còn nhiều phải bàn luận thì vấn đề chống đĩa lậu cũng thu hút sự quan tâm của nhiều người. Thị trường đĩa lậu năm nay vẫn rất phong phú và đa dạng. Chỉ mất từ một đến chục nghìn đồng, người mua có thể sở hữu một đĩa hài Tết.

Tuy nhiên, dù đĩa lậu có phong phú nhưng lại không mấy người tìm đến mua. Lý do là bởi sự tiện lợi và phát triển của mạng internet hiện nay. Phim hài Tết thường xem trên mạng là chủ yếu.

"Bây giờ mạng phổ biến, mình mở ra là có, xem đi xem lại được nhiều, thay cho đĩa, trong khi băng đĩa phải ra quán mua, rất mất thời gian", Nguyễn Anh Đức, sinh viên trường Đại học Kỹ thuật Công nghiệp chia sẻ.

Mỗi năm chỉ sản xuất từ 1 – 2 phim hài Tết, Công ty CP Nghe nhìn Thăng Long thường chi in 1 vài nghìn đĩa. Doanh thu từ bán đĩa thấp thậm chí còn sụt giảm do nạn đĩa lậu. Vì thế năm nay đạo diễn Phạm Đông Hồng đã bắt tay với youtobe để đưa các tác phẩm hài lên mạng xã hội. Hàng triệu lượt xem giúp đã cho đơn vị này có một khoản doanh thu không nhỏ từ quảng cáo.

"Đầu năm vừa rồi chúng tôi là 1 trong 6 đối tác với hãng youtobe Châu Á Thái Bình Dương, với mục đích phát hành các sản phẩm của Công ty nghe nhìn Thăng Long trên mạng internet và mạng xã hội. Ký với youtobe, các sản phẩm của chúng tôi còn được bảo vệ về việc bản quyền. Ngoài ra, chúng tôi chú trọng sản xuất tốt về cả nội dung và hình ảnh để bán bản quyền cho các kênh truyền hình địa phương", Đạo diễn Phạm Đông Hồng chia sẻ.

Trong khi đó, đạo diễn Trần Bình Trọng, hãng phim Bình Minh cho biết, phân khúc đĩa lậu hiện chiếm tới 70% số đĩa do công ty anh phát hành. Do không chống được nạn này nên ngoài việc phát hành trên mạng youtobe, anh đành phải "hoan nghênh" với đĩa lậu bằng nhiều hình thức.

"Trước đây khi thành lập doanh nghiệp được 3 năm tôi cực lực lên án đĩa lậu, đến giờ tôi nghĩ mình không cạnh tranh được với nó thì đành phải hoan nghênh nó. Tôi chia các phân khúc thị trường ra, đĩa lậu thì rõ ràng những ai nghèo không có tiền mua đĩa xịn nên họ chỉ mua loại này thôi", vị đạo diễn này chia sẻ.

Phân chia thị trường trong đó có thị trường đĩa lậu đã giúp nhiều bộ phim hài được lan rộng trong cộng đồng và thu hút được sự quan tâm của các nhà tài trợ. Việc “bắt tay” với các nhà tài trợ đã giúp nhà sản xuất thu hồi vốn và kiếm lãi, nhưng quan trọng là tránh được thảm họa đĩa lậu. Tuy nhiên, điều này lại chi phối lớn đến nội dung kịch bản, mà điển hình là những bộ phim hài nhảm, khiên cưỡng đã ra mắt khán giả.

Thị trường hài nhảm tiếp tục lấn sân so với các tác phẩm hài chất lượng.Trong khi đó việc kiểm soát chất lượng của những bộ phim này lại chưa mấy được quan tâm. Những tác phẩm hài nhảm này liệu sẽ đứng được lâu trong lòng công chúng hay chỉ “mua vui cũng được một vài trống canh"?./.

Lê Phượng - Hồng Quyên