* PV: Việc giãn cách xã hội đã và đang dần được nới lỏng tại TP. Hồ Chí Minh (HCM) và một số địa phương. Đây có phải là tín hiệu tích cực báo hiệu thị trường bất động sản đang chuẩn bị hồi phục, thưa ông?

- Ông Nguyễn Hoàng: Từ cuối tháng 5/2021, TP.HCM thực hiện giãn cách xã hội và kéo dài đến hiện tại. Thị trường bất động sản gần như "ngủ đông", tuy nhiên thực tế vẫn có giao dịch. Một số chủ đầu tư đã rất nhanh nhạy và linh hoạt tận dụng công nghệ để giới thiệu và bán hàng qua hình thức online. Dù số lượng chưa nhiều nhưng hiệu quả khá tích cực.

Sắp tới đây, xu hướng này sẽ tiếp tục ở nhiều dự án, khi việc gỡ bỏ giãn cách xã hội phải theo lộ trình từng bước chứ chưa thể gỡ bỏ hoàn toàn. Nếu gọi là “bật dậy” thì chưa hẳn. Thị trường bất động sản sẽ phục hồi từng bước vì tuy có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng cũng có những điểm tựa tích cực cho thị trường.

“Thị trường thứ cấp đang dậm chân tại chỗ khó tạo ra những cơn sốt đất”

* PV: Đến thời điểm hiện tại, ông đánh giá như thế nào về thực tế diễn biến của thị trường bất động sản?

Với tình hình hiện nay, khó có thể xảy ra những cơn sốt đất. Phải xét đến những yếu tố đầu vào cần và đủ để tạo nên sốt đất, ngoài ra còn có điều kiện môi trường.
“Thị trường thứ cấp đang dậm chân tại chỗ khó tạo ra những cơn sốt đất”
Ông Nguyễn Hoàng

- Ông Nguyễn Hoàng: Có thể tóm tắt trạng thái chung của thị trường bất động sản TP.HCM và vùng phụ cận trong quý III/2021 bằng một số điểm nổi bật như sau:

Thứ nhất, thị trường bất động sản TP.HCM và vùng phụ cận chịu sự tác động của dịch bệnh, giãn cách xã hội kéo dài nên thị trường hoạt động cầm chừng. Nguồn cung mới và sức tiêu thụ giảm mạnh so với nửa đầu năm 2021.

Thứ hai, thị trường thứ cấp gần như ngủ đông nhưng chưa đến mức bán tháo như tin đồn, vì đa số nhà đầu tư đều xác định lâu dài, tâm lý chờ đợi. Chỉ một số ít trường hợp, không đại diện cho toàn thị trường giảm lời/cắt lỗ trên danh nghĩa do áp lực tài chính hoặc dùng đòn bẩy không phù hợp.

Thứ ba, nhiều sàn môi giới hoạt động cầm chừng. Những sàn nhỏ hoặc yếu phải cắt giảm nhân sự, thậm chí đóng cửa, góp phần vào danh sách số lượng lớn doanh nghiệp rời bỏ thị trường trong 3 tháng qua tại TP.HCM. Bản thân nhiều môi giới không trụ được cũng phải bỏ nghề, rời TP.HCM về quê,…

Thứ tư, nhiều chủ đầu tư có dự án phải ngưng trệ, bao gồm dự án mới hoặc dự án đang triển khai thi công. Đa số chủ đầu tư phải điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh trong năm 2021 - 2022 và chiến lược lâu dài. Trong đó, bao gồm cả việc thay đổi kế hoạch và mở rộng cơ cấu nhân sự đồng thời hạn chế tuyển mới.

Thứ năm, thị trường luôn biến động và thích ứng với hoàn cảnh mới. Trong sự suy giảm chung vẫn có điểm sáng, điển hình như việc áp dụng công nghệ để bán hàng online. Xuất hiện nhu cầu về hình thức đầu tư bất động sản mới như đầu tư tài chính bất động sản hoặc chia nhỏ bất động sản để đầu tư chung.

* PV: Có quan điểm cho rằng, đây là giai đoạn suy thoái, trầm lắng của thị trường bất động sản sau khoảng thời gian phát triển nóng dù rằng nguyên nhân chính tác động đến thị trường là dịch bệnh. Quan điểm của ông thì sao?

- Ông Nguyễn Hoàng: Khó có thể gọi đây là giai đoạn suy thoái. Tuy nhiên, bản chất sự suy giảm đã có từ năm 2019, yếu tố dịch bệnh, giãn cách xã hội chỉ bổ sung và thúc đẩy mạnh thêm. Dù suy giảm mạnh so với năm 2019 trở về trước nhưng thị trường vẫn có những điểm khác biệt tích cực, vẫn có giao dịch và những nhà đầu tư xuống tiền như đã nói ở trên. Đây chính là giai đoạn phù hợp để điều chỉnh thị trường bền vững hơn.

* PV: Ở mỗi một thời điểm sau “đóng băng”, thị trường bất động sản đều có sự đổi thay, xuất hiện xu hướng đầu tư mới. Ông dự báo như thế nào về xu hướng đầu tư trong giai đoạn mới?

- Ông Nguyễn Hoàng: Có những xu hướng vẫn giữ nguyên, ví dụ như phân khúc đất nền luôn là ưu tiên lựa chọn hàng đầu.

Về xu hướng mới, có thể thấy dấu hiệu của đầu tư bất động sản chia nhỏ hoặc áp dụng công nghệ trong đầu tư bất động sản. Tuy nhiên, cần chú ý rằng quy định của pháp luật vẫn chưa theo kịp thị trường, nên khi tham gia những hình thức đầu tư mới có thể sẽ xuất hiện nhiều vấn đề. Ví dụ, loại hình bất động sản nghỉ dưỡng như biệt thự biển, condotel,… đến nay vẫn chưa được quy định rõ trong văn bản luật nên còn nhiều khó khăn về quyền lợi cho nhà đầu tư.

* PV: Các nhà đầu tư đang kỳ vọng rằng, sốt đất sẽ trở lại sau khi dịch bệnh được kiểm soát? Đó là sự tất yếu bởi thực tế họ tin vào quy luật hoạt động đầu tư công được đẩy mạnh thì giá đất sẽ tăng. Ông nghĩ sao về điều này?

- Ông Nguyễn Hoàng: Với tình hình hiện nay, khó có thể xảy ra những cơn sốt đất. Phải xét đến những yếu tố đầu vào cần và đủ để tạo nên sốt đất, ngoài ra còn có điều kiện môi trường. Trong khi hiện nay, đa số người dân bị ảnh hưởng thu nhập, nguồn tài chính bị tác động, ngay cả người có tiềm lực tài chính cũng rất thận trọng trong việc đầu tư. Thị trường thứ cấp đang "dậm chân tại chỗ" nên không thể tạo ra tác động cho những cơn sốt đất.

Tuy nhiên, một số dự án có những yếu tố tích cực như: được hưởng lợi từ các công trình giao thông trọng điểm, quy mô bài bản, pháp lý đầy đủ, của các chủ đầu tư lớn, uy tín và có chính sách bán hàng hấp dẫn,… sẽ thu hút người có tiềm lực tài chính. Do vậy vẫn có sự sôi động nhất định.

* PV: Cảm ơn những chia sẻ của ông!