thoái vốn ngoài ngành

Tập đoàn Dệt may phải thoái 100% vốn tại 37 doanh nghiệp, hiện hoàn thành tại 5 doanh nghiệp. Ảnh: Đ.T

Mới chỉ thoái được một số ít các khoản vốn

Báo cáo của Chính phủ về Tình hình triển khai Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng vừa được gửi tới Quốc hội cho biết, các tập đoàn, tổng công ty đang rất tích cực triển khai việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành.

Tuy nhiên, việc thoái vốn chỉ mới thực hiện được ở một số ít các khoản vốn hoặc tài sản có giá thị trường cao hơn giá hạch toán hay giá đầu tư ban đầu. Việc thoái vốn đầu tư ngoài ngành còn lại đang gặp phải khó khăn do phải tuân thủ yêu cầu về bảo toàn vốn đã đầu tư theo quy định.

Ví dụ như Tập đoàn Dệt may phải thoái 100% vốn tại 37 doanh nghiệp, hiện nay đã hoàn thành tại 5 doanh nghiệp, dự kiến hết năm 2013 sẽ hoàn thành thêm 9 doanh nghiệp, các doanh nghiệp còn lại sẽ thực hiện theo lộ trình đến hết năm 2015. Hay Tổng công ty thép Việt Nam mới hoàn thành thoái vốn theo kế hoạch tại 2 đơn vị.

Tập đoàn Cao su Việt Nam đã thực hiện thoái vốn từng phần tại Công ty CP đầu tư Sài Gòn và Công ty Đá Bình Định; Sáp nhập công ty cấp nước Phú Riềng vào Công ty TNHH MTV Cao Su Phú Riềng. Các đơn vị khác trong danh mục phải thoái vốn đang tìm kiếm đối tác và trình phương án thoái vốn chờ phê duyệt.

Tương tự, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam dự kến đến năm 2015 sẽ phải thoái vốn đầu tư tại 37 doanh nghiệp; cho đến nay đã hoàn thành thoái theo kế hoạch tại 6 doanh nghiệp, đang làm thủ để thoát vốn tại 8 doanh nghiệp khác…

“Như vậy, việc thoái vốn vốn nhà nước đã đầu tư vào các ngành không phải kinh doanh chính hoặc không trực tiếp liên quan đến ngành kinh doanh chính theo cơ chế thị trường chưa đạt yêu cầu quy định tại Quyết định số 339/QĐ-TTg ngày 19/02/2013 của Thủ tướng Chính phủ”, Chính phủ nhận định.

Theo phản ánh của phần lớn các tập đoàn, tổng công ty, bên cạnh những diễn biến bất lợi của thị trường vốn và thị trường bất động sản, thực tế nói trên còn do một số nguyên nhân như tư duy, tiêu chí và cách thức thực hiện bảo toàn và phát triển vốn chưa phù hợp với cơ chế thị trường.

Bên cạnh đó, một số phương thức bảo toàn vốn theo quy định hiện hành còn hình thức và thiếu linh hoạt, làm tăng chi phí hoạt động của doanh nghiệp; chưa thật sự thúc đẩy doanh nghiệp đổi mới công nghệ, kinh doanh sáng tạo và cẩn trọng để bảo toàn vốn và phát triển vốn.

Một nguyên nhân quan trọng khác cũng phải kể đến là “vốn” phải thoái của các DNNN là rất đa dạng. Trong đó, việc thoái vốn không chỉ là chuyển nhượng cổ phần, phần góp vốn, mà cả bán tài sản (thành phần và bán thành phẩm), chuyển nhượng quyền sử dụng đất, chuyển nhượng dự án…

Trong khi đó, các quy định hiện hành về thoái vốn nằm phân tán ở nhiều văn bản pháp luật khác nhau; nội dung của các quy định đó chưa bao quát hết sự đa dạng của các loại vốn cần thoái, và không còn phù hợp với điều kiện thị trường và yêu cầu của Quyết định số 339/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ.

“Lãnh đạo của nhiều tập đoàn, tổng công ty cho rằng, nếu không giải quyết kịp thời các vướng mắc nói trên, thì việc thoái vốn khó hoàn thành trước năm 2015 như chỉ đạo của các cơ quan có thẩm quyền. Qua đó, ảnh hưởng lớn đến quá trình tái cơ cấu tập đoàn, tổng công ty nói chung”, báo cáo viết.

68 tập đoàn, tổng công ty được phê duyệt đề án tái cơ cấu

Cũng theo báo cáo này, Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương đang tích cực triển khai xây dựng và phê duyệt Đề án tái cơ cấu và Điều lệ tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Cho đến nay, đã có 68 tập đoàn, tổng công ty đã được phê duyệt Đề án tái cơ cấu. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tái cơ cấu của 17/21 Đề án của các Tập đoàn kinh tế nhà nước và các Tổng công ty 91. Các bộ, ngành phê duyệt 31 Đề án, các địa phương đã phê duyệt được 20 doanh nghiệp.

Chính phủ cũng đã quyết định dừng thí điểm mô hình tập đoàn kinh tế đối với 03 tập đoàn kinh tế, và chuyển đổi tương ứng thành các tổng công ty. Tính đến hết tháng 8/2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt 100/101 phương án sắp xếp đổi mới doanh nghiệp của các bộ, ngành và địa phương.

Chính phủ đang chỉ đạo các bộ, ngành khẩn trương soạn thảo và hoàn thiện 30 đề án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật liên quan nhằm tăng cường công tác kiểm tra giám sát tại các DNNN, đặc biệt là các tập đoàn, tổng công ty. Về cơ bản đã hoàn thành phê duyệt phương án sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp giai đoạn 2011-2015 trên phạm vi toàn quốc.

Phần lớn các tập đoàn, tổng công ty đã rà soát, phân loại và xác định danh mục ngành nghề, phạm vi kinh doanh chính, ngành nghề có liên quan và ngành nghề không liên quan. Trên cơ sở đó, đã xác định được các khoản mục đầu tư cần phải thoái vốn, kế hoạch thoái các khoản vốn đầu tư ngoài ngành.

Đồng thời, tiến hành phân loại các đơn vị trực thuộc, đơn vị thành viên, trong đó xác định các đơn vị thành viên tiếp tục duy trì 100% vốn tập đoàn, tổng công ty; danh mục các thành viên sẽ được cổ phần hóa với các tỷ lệ khác nhau như trên 75%, 65-75%, 51-65%. Số còn lại sẽ cổ phần hóa, cũng như kế hoạch dự kiến tiến hành cổ phần hóa./.

Hoàng Lâm