Hoạt động bốc xếp hàng hóa xuất khẩu tại cảng Hải Phòng.

Hoạt động bốc xếp hàng hóa xuất khẩu tại cảng Hải Phòng. Ảnh: Hải Anh

Tuy nhiên, kết quả đạt được còn khiêm tốn, đòi hỏi ngành Hải quan cũng như các bộ, ngành cần quyết liệt cải cách, có giải pháp mạnh mẽ nhằm đáp ứng mục tiêu của Chính phủ và kỳ vọng của doanh nghiệp (DN)…” - ông Kim Long Biên - Vụ trưởng, Phó Trưởng ban thường trực Ban Cải cách hiện đại hóa hải quan, Tổng cục Hải quan chia sẻ với phóng viên TBTCVN.

-PV: Xin ông cho biết, những nỗ lực của Bộ Tài chính và cơ quan hải quan trong việc cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho DN XNK, đáng được ghi nhận, trong thời gian gần đây?

- Ông Kim Long Biên: Trong những năm qua, toàn ngành Hải quan đã tích cực thực hiện các giải pháp về cải cách hành chính (xây dựng thể chế; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và các phương pháp quản lý hải quan hiện đại,…) với mục tiêu hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả quản lý, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa qua biên giới.

Điển hình như, Hải quan Việt Nam đã triển khai hệ thống thông quan hàng hóa tự động (VNACCS/VCIS) đảm bảo vận hành ổn định 24/7, an ninh, an toàn tại 100% chi cục trên cả nước, tạo thuận lợi cho cả DN và cơ quan hải quan, giảm thời gian, chi phí thực hiện thủ tục hải quan.

Hơn nữa, sau 3 năm triển khai (từ năm 2017 đến nay), cơ quan hải quan đã triển khai hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động (VASSCM) tại 33/35 cục hải quan tỉnh, thành phố, với sự tham gia của 416 DN kinh doanh kho/bãi/cảng và kho ngoại quan. Hệ thống này làm giảm thời gian đi lại làm thủ tục của DN; tốc độ giao hàng nhanh; thời gian làm thủ tục lấy hàng ra khỏi kho/bãi/cảng giảm được từ 1 đến 2 giờ/lô hàng, khắc phục được tình trạng ùn tắc tại cổng cảng/kho bãi; chi phí làm thủ tục lấy hàng hóa ra khỏi kho/bãi/cảng cũng giảm đáng kể.

Ông Kim Long Biên
Ông Kim Long Biên


Đồng thời, để tạo thuận lợi cho DN, cơ quan hải quan đã triển khai nhiều hình thức thanh toán thuế và lệ phí cơ bản bằng phương thức điện tử. Đến nay, tỷ lệ DN XNK nộp thuế điện tử qua ngân hàng đạt gần 100%, với tổng số thu ngân sách qua cổng thanh toán điện tử đạt 96,8% tổng số thu ngân sách ngành Hải quan.

Ngoài ra, với vai trò là cơ quan chủ trì, điều phối, Tổng cục Hải quan đã tích cực đôn đốc, phối hợp với các bộ, ngành triển khai đề án nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động kiểm tra chuyên ngành (KTCN).

-PV: Mặc dù Chính phủ và các bộ, ngành đã nỗ lực cải cách rất nhiều, song chỉ số GDTMQBG của Việt Nam vẫn chưa được cải thiện như mong muốn. Ông nhận định thế nào về việc này?

- Ông Kim Long Biên: Báo cáo “Môi trường kinh doanh – Doing Business 2020” được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố cho kết quả xếp hạng chỉ số GDTMQBG của Việt Nam giảm 4 bậc, ít hơn 2 bậc so với năm 2019 (từ vị trí 100/190 xuống vị trí 104/190), vẫn đứng thứ 5/10 nước ASEAN.

Kết quả thời gian, chi phí và điểm số GDTMQBG của Việt Nam 3 năm liền tại báo cáo Môi trường kinh doanh (DB2018, DB2019, DB2020) theo đánh giá của WB lại không có sự thay đổi có nguyên nhân cả khách quan và chủ quan.

Về nguyên nhân khách quan, hàng năm, Bộ Tài chính đều tích cực trao đổi, làm việc với WB, cập nhật kịp thời các hoạt động cải cách của cơ quan hải quan cũng như cơ quan KTCN như: tăng cường ứng dụng quản lý rủi ro trong kiểm tra hải quan; thanh toán thuế điện tử; triển khai Cơ chế một cửa quốc gia và Cơ chế một cửa ASEAN; triển khai hệ thống quản lý giám sát hải quan tự động và các cải cách về thể chế, chính sách, thủ tục KTCN của các bộ, ngành theo Quyết định 2026/QĐ-TTg, Quyết định 1254/QĐ-TTg. Tuy nhiên, những cải cách này chưa được WB ghi nhận.

Về nguyên nhân chủ quan, theo phản ánh của DN vẫn còn tình trạng chồng chéo trong quản lý chuyên ngành của các bộ và vướng mắc trong quá trình thực hiện các thủ tục hải quan và KTCN, theo Nghị định 74/2018/NĐ-CP, Nghị định số 15/2018/NĐ-CP, Nghị định số 69/2018/NĐ-CP…

-PV: Có ý kiến cho rằng vẫn còn nhiều dư địa để cải cách, nâng cao chỉ số GDTMQBG, xin ông cho biết quan điểm của mình về vấn đề này?

- Ông Kim Long Biên: Như đã nêu ở trên, công tác KTCN vẫn còn nhiều vướng mắc, bất cập. Do đó, trong thời gian tới các bộ, ngành cần tiếp tục khẩn trương, quyết liệt triển khai các giải pháp để cải cách toàn diện công tác KTCN đối với hàng hóa XNK, theo chỉ đạo của Chính phủ.

Cụ thể, tiếp tục thực hiện cải cách toàn diện công tác quản lý, KTCN và kết nối Cổng thông tin một cửa quốc gia theo nhiệm vụ phân công, tại Nghị quyết 19-2018/NQ-CP, Quyết định số 1254/QĐ-TTg, Nghị quyết số 02/NQ-CP và Nghị quyết số 99/NQ-CP.

Trong đó, để gỡ vướng, các bộ: Công thương, Y tế, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần xây dựng cơ sở dữ liệu về lô hàng, mặt hàng được áp dụng phương thức kiểm tra giảm và thực hiện kiểm tra theo phương thức kiểm tra giảm, theo quy định tại Nghị định số 15/2018/NĐ-CP; đẩy nhanh tiến độ triển khai thủ tục thông báo kết quả kiểm tra nhà nước về an toàn thực phẩm trên Cổng thông tin một cửa quốc gia...

-PV: Để nâng cao chỉ số GDTMQBG, Tổng cục Hải quan sẽ có những hoạt động cụ thể nào trong năm 2020, thưa ông?

- Ông Kim Long Biên: Triển khai nhiệm vụ nâng cao xếp hạng chỉ số GDTMQBG, Tổng cục Hải quan đã đề xuất Bộ Tài chính phối hợp với các bộ, ngành, hiệp hội thành lập Tổ công tác liên ngành, theo Quyết định số 881/QĐ-BTC (ngày 27/5/2019).

Từ nay đến cuối năm 2020, Tổng cục Hải quan cùng với Tổ công tác liên ngành sẽ đôn đốc, rà soát, đánh giá thường niên kết quả triển khai các giải pháp nâng cao xếp hạng chỉ số GDTMQBG. Trong đó, sớm làm việc với một số bộ còn nhiều vướng mắc về KTCN để trao đổi, đề xuất các giải pháp khắc phục vướng mắc, giảm thời gian, chi phí cho DN.

Đồng thời, cùng với các cơ quan liên quan như Phòng Thương mại và Công nghiệp (VCCI) tiếp tục thực hiện khảo sát về chỉ số GDTMQBG nhằm nắm bắt được chính xác, cụ thể những thuận lợi, khó khăn, những nút thắt trong từng khâu, từng thủ tục của từng cơ quan, đơn vị trong toàn bộ quá trình thực hiện thủ tục XNK. Kết quả khảo sát sẽ là cơ sở để Tổ liên ngành làm việc với các bộ, ngành nhằm trao đổi, khắc phục vướng mắc, đề xuất, kiến nghị Chính phủ các giải pháp thiết thực nhằm cải cách toàn diện hoạt động XNK hàng hóa.

Về phía cải cách nội ngành, từ nay đến cuối năm 2020, Tổng cục Hải quan tập trung vào một số nhiệm vụ quan trọng như: tiếp tục cải cách thể chế theo hướng đồng bộ, minh bạch, đáp ứng yêu cầu về cải cách thủ tục hành chính, phù hợp với các hiệp định thương mại tự do, Hiệp định Tạo thuận lợi thương mại, Luật Hải quan, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế XNK và các luật khác có liên quan, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong thực tiễn, đáp ứng yêu cầu hoàn thiện mô hình thủ tục hải quan điện tử, hiện đại; đẩy mạnh triển khai thanh toán thuế điện tử 24/7, đề án chương trình DN nhờ thu; tăng cường quan hệ đối tác hải quan DN và thực hiện liêm chính hải quan…

-PV: Xin cảm ơn ông!

Để nâng cao chỉ số GDTMQBG, Tổng cục Hải quan đang khẩn trương hoàn thiện một số đề án quan trọng nhằm tạo đột phá trong cải cách KTCN: Đề án thí điểm bảo lãnh thông quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu; Đề án cải cách công tác KTCN đối với hàng hóa XNK, theo hướng cơ quan hải quan là đầu mối thực hiện KTCN tại cửa khẩu.

Huyền Nguyễn - Song Linh (thực hiện)