![]() |
Sử dụng tài sản công phù hợp sau tinh gọn, sáp nhập sẽ góp phần tránh lãng phí. Ảnh minh họa |
Bổ sung nhiều điểm mới
Ông Nguyễn Tân Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý công sản, Bộ Tài chính cho biết, dự kiến 1/7 tới đây, hệ thống bộ máy chính quyền địa phương chuyển sang mô hình chính quyền 2 cấp, vì thế tài sản công cũng phải được sắp xếp lại. Tuy nhiên, để quá trình thực hiện không bị vướng mắc, bắt buộc phải có một “khuôn” mới quy định về tiêu chuẩn, định mức, về thẩm quyền quyết định trong quản lý, sử dụng tài sản.
Bảo đảm tài sản công được sử dụng hiệu quảTại hội nghị hướng dẫn rà soát, chuẩn hóa dữ liệu trong phần mềm tổng kiểm kê tài sản công và lấy ý kiến về một số văn bản quy phạm pháp luật được Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 3/4/2025, ông Nguyễn Tân Thịnh cho biết, Bộ Tài chính sẽ tiếp thu tối đa các ý kiến của các đại biểu, khẩn trương hoàn thành các dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định tiêu chuẩn, định mức trụ sở làm việc; xe ô tô trình Chính phủ xem xét, ban hành. Đồng thời, Bộ Tài chính tiếp tục rà soát, sửa đổi các nội dung chính sách đảm bảo hợp lý, sát thực tế, tạo thuận lợi khi triển khai thực hiện chính sách. Việc quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản công đảm bảo tài sản được sử dụng tối đa, phát huy hiệu quả, tránh lãng phí. |
“Bộ Tài chính đang đẩy nhanh việc lấy ý kiến hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công, trong đó tập trung vào các tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, ô tô công” - ông Thịnh cho biết.
Đơn cử như về diện tích làm việc của các chức danh, ông Thịnh cho biết, trong quá trình đánh giá triển khai Nghị định 152/2017/NĐ-CP của Chính phủ (NĐ152) quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp, nhiều bộ, ngành, địa phương có phản ánh, diện tích làm việc của các chức danh hiện nay còn hạn chế do còn phải bố trí không gian đặt các máy móc, thiết bị văn phòng, tủ đựng tài liệu… Đồng thời, cần phải tăng diện tích để tạo môi trường làm việc hiệu quả, đảm bảo tính lâu dài, bền vững của trụ sở làm việc.
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất tăng thêm diện tích tối đa cho 1 chỗ làm việc theo quy định hiện hành đối với từng chức danh quy định tại NĐ152 và cập nhật chức danh mới theo Kết luận 35-KL/TW của Bộ Chính trị. Đồng thời điều chỉnh cho phù hợp hơn so với các chức danh đã quy định (trong đó có chức danh tăng lên 10m2, 5m2 và 3m2).
Về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô, do tất cả các cơ quan, đơn vị đều sắp xếp lại tổ chức bộ máy như nhau, nên Bộ Tài chính đề xuất bỏ quy định cho các đơn vị đặc thù (về định mức sử dụng xe ô tô phục vụ công tác chung) quy định tại Nghị định số 72/2023/NĐ-CP của Chính phủ về tiêu chuẩn, định mức sử dụng xe ô tô.
Về việc quyết định số xe ô tô phục vụ công tác chung, Bộ Tài chính cũng đề xuất bổ sung các trường hợp không thực hiện điều hòa xe gồm: xe phục vụ công tác chung của đơn vị sự nghiệp công lập tự bảo đảm chi thường xuyên, đầu tư; đơn vị thuộc, trực thuộc cục và tương đương; sở ngành (biên chế trên 20 người); khối văn phòng cấp tỉnh; đơn vị thuộc, trực thuộc các cục tổ chức ngành dọc…
Hay như quy định liên quan đến cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công, theo chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính, sẽ bỏ cấp huyện và chuyển phần lớn nhiệm vụ của cấp huyện cho cấp xã thực hiện. Do đó, Bộ Tài chính dự kiến sửa đổi quy định này theo hướng chuyển nội dung quy định cho cấp huyện thành cấp xã. Cụ thể, UBND cấp xã giao cơ quan tài chính cùng cấp giúp UBND thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước đối với tài sản công quy định tại Điều 18 của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công; trực tiếp quản lý, xử lý đối với một số loại tài sản công theo quy định tại Luật này và pháp luật có liên quan.
Kịp thời tháo gỡ khó khăn
Tại hội nghị hướng dẫn rà soát, chuẩn hóa dữ liệu trong phần mềm tổng kiểm kê tài sản công và lấy ý kiến về một số văn bản quy phạm pháp luật được Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) tổ chức ngày 3/4/2025, đại biểu tham gia hội nghị đều nhất trí cao các nội dung sửa đổi, bổ sung được Cục Quản lý công sản đưa ra tại các dự thảo đang lấy ý kiến. Theo các đại biểu, việc bổ sung, sửa đổi đã cơ bản bám sát thực tiễn, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị khi triển khai thực hiện. Tuy nhiên cũng có một vài băn khoăn được các đại biểu nêu ra.
Bà Lê Thị Hồng - chuyên viên chính Cục Kế hoạch Tài chính, Bộ Tài chính có đưa ra ý kiến liên quan đến quy định về điều chuyển tài sản là trụ sở làm việc. Bà Hồng cho biết, một trong các điều kiện để điều chuyển tài sản là phải đảm bảo tiêu chuẩn, định mức. Tuy nhiên, quy định này đang gây khó khăn cho đơn vị thực hiện, vì đơn vị A muốn nhận lại trụ sở của đơn vị B nhưng trụ sở này đã được xây dựng cách đây 30 - 40 năm rồi thì không thể đảm bảo về tiêu chuẩn, định mức.
Một vấn đề nữa được bà Hồng đề cập đến là về diện tích trụ sở. Tại NĐ 152 quy định là diện tích sàn sử dụng, tuy nhiên, tại đơn vị theo dõi trên sổ sách kế toán và hạch toán lại tính diện tích sàn xây dựng. Đây cũng là một khó khăn trong việc xác diện tích nào mới là chuẩn, là đúng để thực hiện công tác điều chuyển tài sản…
Bà Phạm Thu Nga - đại diện Tòa án Nhân dân tối cao cũng đưa ra băn khoăn về định mức sử dụng xe ô tô đối với đơn vị mình. Theo bà Nga, Tòa án Nhân dân tối cao thực hiện bỏ tòa án cấp huyện và thành lập tòa án khu vực, tại mỗi khu vực dự kiến từ 2 - 3 huyện. “Đặc thù của tòa án là phải đi xác minh án mỗi khi có vụ án xảy ra. Bây giờ sáp nhập 2 - 3 huyện nhưng đương sự vẫn ở 2 - 3 huyện đó, trong khi tòa án khu vực chỉ được tính là 1 đơn vị và chỉ có 1 xe ô tô, sẽ rất khó khăn cho đơn vị để đảm bảo công việc” - bà Nga nói.
Sửa đổi, bổ sung quy định về xe phục vụ công tác chungCăn cứ phạm vi, địa bàn các tỉnh sau khi sắp xếp rộng hơn và số lượng biên chế của các đơn vị lớn hơn so với hiện hành, dự thảo của Bộ Tài chính điều chỉnh theo hướng: tăng số lượng xe hoặc giảm số lượng biên chế hoặc thu hẹp khoảng cách số lượng biên chế để tăng số lượng xe khi xác định định mức; đồng thời, sửa các tiêu chí khác để xác định bổ sung xe phù hợp với sắp xếp các tỉnh. Đơn cử như đối với khối các văn phòng cấp tỉnh, điều chỉnh tổng số xe tối đa tăng từ 15 lên 20 xe; riêng đối với TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh điều chỉnh tổng số tối đa từ 20 xe lên 25 xe. Dự thảo cũng điều chỉnh số lượng biên chế để xác định định mức đối với đơn vị từ 40 người trở lên (điều chỉnh giảm khoảng cách số biên chế, tượng tự như của trung ương). Cụ thể: Tối đa 1 xe/1 cơ quan, đơn vị (như hiện hành). Trường hợp cơ quan, đơn vị có số biên chế từ trên 20 người đến 40 người, tối đa 2 xe/1 cơ quan, đơn vị. Trường hợp cơ quan, đơn vị có số biên chế từ trên 40 người đến 80 người, tối đa 3 xe/1 cơ quan, đơn vị. Trường hợp cơ quan, đơn vị có số biên chế từ trên 80 người trở lên tối đa 4 xe/1 cơ quan, đơn vị. Trường hợp tỉnh có trên 50% số đơn vị hành chính cấp xã thuộc danh mục địa bàn miền núi... hoặc có diện tích tự nhiên từ 9.000 km2 trở lên hoặc tự cân đối được ngân sách nhà nước thì được bổ sung định mức 1 xe/1 cơ quan, đơn vị. Đối với các sở, ban, ngành và tương đương cấp tỉnh, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp tỉnh, dự thảo điều chỉnh số lượng biên chế để xác định định mức đối với đơn vị từ 80 người trở lên. Cụ thể, từ 40 người trở xuống, tối đa 1 xe/1 đơn vị. Từ trên 40 người đến 80 người, tối đa 2 xe/1 đơn vị. Từ trên 80 người đến 120 người, tối đa 3 xe/1 cơ quan, đơn vị. Từ trên 120 người đến 200 người, tối đa 4 xe/1 đơn vị. Từ trên 200 người đến 300 người, tối đa 5 xe/1 đơn vị. Từ trên 300 người trở lên thì cứ 200 biên chế tăng thêm được bổ sung định mức 1 xe... |