Tại toạ đàm, Đại tá Nguyễn Minh Khương - Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy và Cứu nạn cứu hộ (PCCC-CNCH) cảnh báo, trong 5 năm qua (2020-2024), cả nước đã xảy ra hơn 14.000 vụ cháy, trong đó gần 63% xác định được nguyên nhân là do hệ thống thiết bị điện gặp sự cố. Riêng 3 tháng đầu năm 2025, đã có hơn 900 vụ cháy, với tỷ lệ do điện lên đến 74,4%.
![]() |
Các đại biểu cảnh báo cháy nổ điện tại toạ đàm. Ảnh: Hải Anh |
Đại tá Phạm Trung Hiếu, Trưởng phòng Cảnh sát PCCC-CNCH (Công an TP Hà Nội) cũng đưa ra số liệu đáng báo động. Năm 2024, Hà Nội xảy ra khoảng 1.600 vụ cháy, với 70% do sử dụng điện không an toàn, có thời điểm tỷ lệ này lên tới 90%.
“Nguyên nhân chủ yếu là do dây dẫn và thiết bị tiêu thụ không đạt chuẩn. Hai vụ cháy lớn tại Hà Nội trong các năm 2023-2024 đều bắt nguồn từ việc sạc xe đạp điện, xe máy điện” - ông Hiếu cảnh báo.
![]() |
Cháy nổ điện gây tổn hại đến tính mạng và vật chất của người dân. Ảnh minh hoạ |
Tại toạ đàm nhiếu ý kiến từ phía các nhà hoạch định chính sách và cơ quan chức năng cho rằng, trách nhiệm của ngành điện không chỉ là cung cấp điện an toàn mà còn phải tuyên truyền sâu rộng để người dân nâng cao hiểu biết, hiểu rõ công suất, khả năng chịu tải của ổ cắm, thiết bị, từ đó sử dụng điện đúng cách.
Ông Trịnh Văn Thuận - đại diện Cục Kỹ thuật An toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công thương), cho biết, Luật Điện lực 2024 và Luật PCCC đã bổ sung nhiều quy định chặt chẽ về trách nhiệm của người sử dụng và bên bán điện.
Về giải pháp phòng chống cháy nổ, ông Phạm Trung Hiếu cho hay, Công an TP. Hà Nội đang phối hợp với Tổng công ty Điện lực Hà Nội nghiên cứu các giải pháp giảm thiểu nguy cơ cháy từ điện, đồng thời tham mưu Bộ Công an và Chính phủ điều chỉnh các luật liên quan đến an toàn sau công tơ. |