Tham dự các hội nghị, hội thảo gồm đại diện các đơn vị có liên quan đến công tác quản lý nợ trong Bộ Tài chính (Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Vụ Ngân sách nhà nước, Kho bạc Nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tín dụng, Viện Chiến lược và chính sách tài chính và các cơ quan ngoài Bộ Tài chính có liên quan khác, như: Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Ngân hàng Nhà nước, Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia).

Tổ chức nước ngoài hỗ trợ đào tạo, nâng cao năng lực nghiệp vụ quản lý nợ
Quang cảnh hội thảo diễn ra ngày 14/11/2022. Ảnh: Đức Minh

Phát biểu tại hội thảo diễn ra vào ngày 14/11, lãnh đạo Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (QLN&TCĐN) cho biết, trong bối cảnh kinh thế thế giới và trong nước còn nhiều bất ổn, cùng với việc Việt Nam đã tốt nghiệp các khoản vay IDA của WB và phải tăng tỷ trọng huy động vốn thông qua các công cụ nợ với điều kiện tiệm cận thị trường, công tác quản lý nợ công ngày càng đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức.

Việc tăng cường năng lực cán bộ để luôn cập nhật các thông lệ, thực tiễn và công cụ quản lý nợ công hiện đại, so sánh đặc điểm chi phí – rủi ro giữa các công cụ nợ trong nước và nước ngoài để lựa chọn nguồn huy động vốn phù hợp là yêu cầu thường xuyên.

Được biết, Đoàn công tác của WB/IMF sẽ có các cuộc họp với các cơ quan, đơn vị liên quan cung cấp đầu vào cho việc chạy mô hình MTDS, bao gồm các đơn vị trong Bộ Tài chính (Vụ Ngân sách nhà nước, Vụ Tài chính ngân hàng và các tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước); gặp Ngân hàng Nhà nước để tìm hiểu về lập trường hiện tại và các dự định điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất và dự báo tỷ giá trong trung hạn; đồng thời gặp các bên tham gia thị trường để đánh giá nhu cầu đầu tư vào trái phiếu chính phủ…

Sau đợt đào tạo, đoàn chuyên gia WB/IMF sẽ chia sẻ những phát hiện và khuyến nghị sơ bộ về Chương trình quản lý nợ trung hạn cho Việt Nam thông qua hội thảo mở rộng với các cơ quan của Quốc hội, Chính phủ..., họp tổng kết với Cục QLN&TCĐN để thảo luận về các bước tiếp theo.

Mục tiêu của Hỗ trợ kỹ thuật

Tăng cường năng lực xây dựng Chương trình quản lý nợ trung hạn theo thông lệ tốt của quốc tế và sử dụng công cụ phân tích MTDS.

Các học viên tham gia khóa đào tạo sẽ sử dụng dữ liệu nợ tính đến thời điểm cuối năm 2021 để chạy mô hình và đề xuất chương trình quản lý nợ trung hạn cho giai đoạn 2023-2025 phù hợp với bối cảnh vĩ mô, dự báo tình hình tài chính – ngân sách, tiền tệ và mục tiêu quản lý nợ của Việt Nam.