Đến nay, có 72 doanh nghiệp đăng ký tham gia chương trình bình ổn thị trường, tăng 3 doanh nghiệp so với năm 2024, trong đó có 6 doanh nghiệp mới tham gia.

Các nhóm hàng hóa tham gia bình ổn thị trường bao gồm: Nhóm hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu, sản lượng hàng chuẩn bị chiếm 23% - 31% thị phần, riêng tháng Tết chiếm 25% - 43% thị phần. Nhóm hàng tiêu dùng thiết yếu, sản lượng hàng bình ổn thị trường chiếm 35% - 50% nhu cầu tiêu dùng của học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố năm học 2024 – 2025. Nhóm hàng nước rửa chén, nước lau sàn, nước rửa tay, nước giặt/xả vải, túi rác phân hủy sinh học, khăn giấy ướt/khô.

Căn cứ nhu cầu, sức mua, kết quả cung ứng năm 2024, lượng hàng bình ổn thị trường năm 2025 tăng 4% - 6% so năm 2024; chiếm từ 21% - 32% thị phần trong tháng thường, chiếm từ 24% đến 41% nhu cầu thị trường trong tháng Tết; đủ sức chi phối, điều tiết thị trường.

TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh bình ổn thị trường giai đoạn 2025 - 2026
TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh bình ổn thị trường giai đoạn 2025 - 2026. Ảnh: Nguyễn Lạc

Sở Công thương TP. Hồ Chí Minh cho biết, điểm mới chương trình năm nay sở phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối các ngân hàng, tổ chức tín dụng và Nhà nước để hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ đến các tổ chức tín dụng trên địa bàn thành phố để doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận, cung cấp các gói tín dụng ưu đãi.

Cùng với đó, Sở Công thương sẽ xây dựng gian hàng trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội, vận động doanh nghiệp tham gia chương trình bình ổn thị trường đăng ký tham gia, hướng tới phương thức kinh doanh hiện đại, thúc đẩy phát triển hoạt động thương mại điện tử của các doanh nghiệp phù hợp với xu hướng mua sắm tiêu dùng của người dân, nâng cao năng lực cạnh tranh, giảm chi phí kho bãi, dịch vụ giao hàng tiện lợi, giá thành sản phẩm tối ưu,... Đồng thời, tạo điều kiện phát triển ngành dịch vụ logistics trong việc kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

Bên cạnh đó, mở rộng quy mô chương trình “Bán hàng lưu động - Bình ổn thị trường”, tăng địa điểm, số đợt tổ chức, luân phiên hoạt động tại thành phố Thủ Đức, các quận huyện, khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao tạo cơ hội cho các doanh nghiệp tham gia lan tỏa giá trị thương hiệu, gia tăng độ nhận diện và thúc đẩy doanh số.