TP. Hồ Chí Minh: Nhiều giải pháp mới đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
Dự án cải tạo kênh Tham Lương - Bến Cát - Rạch Nước, nguồn vốn 8.200 tỷ đồng vừa được TP. Hồ Chí Minh khởi công. Ảnh: Sơn Nam

Nguồn vốn tăng gần gấp đôi năm 2022

Năm 2022, TP. Hồ Chí Minh được giao vốn 54.000 tỷ đồng, nhưng khả năng cân đối của thành phố là 37.000 tỷ đồng. Tính trên số 37.000 tỷ đồng này thì đến ngày 31/1/2023 TP. Hồ Chí Minh giải ngân được 71,3% tương đương 26.636 tỷ đồng.

Theo đánh giá tại cuộc họp đầu năm 2023 của UBND thành phố, giải ngân đầu tư công năm 2022 tuy không đạt mục tiêu 95% như nghị quyết HĐND đề ra, nhưng tăng 35% so với năm 2021 (6.900 tỷ đồng).

Năm 2023, TP. Hồ Chí Minh được phân bổ tổng nguồn vốn 70.000 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2022. Trong đó có 16.500 tỷ đồng vốn của trung ương, 55.200 tỷ đồng vốn của địa phương.

Theo báo cáo của UBND thành phố, đến nay, TP. Hồ Chí Minh đã phân bổ xong 100% vốn trung ương, vốn địa phương còn một số hồ sơ dự án chưa hoàn thiện, HĐND thành phố chưa phân bổ là 26.000 tỷ đồng. Số các dự án đủ điều kiện để phân bổ là 14.000 tỷ đồng, còn 4 dự án với tổng vốn là 12.000 tỷ đồng.

Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết, thành phố đang khẩn trương hoàn thiện mọi thủ tục cần thiết và đến cuối tháng 3/2023, HĐND thành phố sẽ có phiên chuyên đề để phân bổ hết 100% vốn địa phương.

Đối với công tác giải phóng mặt bằng (GPMB) dự án đường vành đai 3, TP. Hồ Chí Minh dự kiến đến ngày 15/6/2023 sẽ bàn giao 80% mặt bằng cho nhà đầu tư, khởi công dự án này kịp trong tháng 6/2023. Theo đó, riêng số tiền dành cho GPMB của dự án đường vành đai 3 là hơn 18.000 tỷ đồng. TP. Hồ Chí Minh đang phấn đấu đến tháng 6/2023 bàn giao 80% mặt bằng và đến tháng 11/2023 bàn giao 100% mặt bằng dự án đường vành đai 3.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh cho biết, sở đang tiếp tục đề xuất và kiến nghị nhiều nhóm giải pháp như: Tham mưu UBND TP. Hồ Chí Minh ban hành chương trình hành động về thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công. Đồng thời, tham mưu UBND thành phố báo cáo HĐND thành phố xem xét việc giao thẩm quyền cho UBND TP. Hồ Chí Minh được quyết định chủ trương đầu tư, điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nhóm C, điều chỉnh quy định về nhiệm vụ, quyền hạn thực hiện các chương trình, dự án đầu tư công của thành phố.

"Ngoài ra, đơn vị này cũng sẽ tham mưu nội dung về tăng trần trung hạn để sử dụng được nguồn vốn huy động tăng thêm bố trí cho các dự án cần thiết, cấp bách khác và điều hòa vốn linh hoạt giữa các chủ đầu tư và các dự án, nhằm sử dụng hiệu quả nhất nguồn vốn được giao" - bà Mai cho biết thêm.

Để thúc đẩy giải ngân đầu tư công năm 2023 đảm bảo tiến độ, mới đây Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho biết, thành phố đang tập trung triển khai rất nhiều giải pháp đồng bộ, việc phải làm ngay. Ngoài xem xét thi đua, với các dự án đã được phân bổ vốn, đến cuối tháng 2, các chủ đầu tư phải có kế hoạch triển khai ngay, đảm bảo cuối năm giải ngân xong. Đến tháng 7, nếu không rõ kế hoạch triển khai, thành phố sẽ điều vốn sang dự án khác.

“Theo đó, với các dự án có vốn đầu tư lớn, có ý nghĩa quyết định tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công, cần bám sát chặt chẽ tiến độ, kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc. Đặc biệt, các sở ngành phải giám sát chặt chẽ tiến độ các dự án đầu tư công, xác định trách nhiệm của chủ đầu tư và các cơ quan liên quan để có những điều chỉnh phù hợp, kịp thời” - ông Mãi chỉ đạo.

Đối với các dự án còn trong danh mục dự phòng, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cũng đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp các cơ quan đơn vị chuẩn bị kỹ hồ sơ để tháng 3/2023, UBND TP. Hồ Chí Minh đề nghị HĐND thành phố tổ chức kỳ họp chuyên đề và phân bổ tiếp vốn, tinh thần là phân bổ vốn trong 6 tháng đầu năm. Đồng thời, tiếp tục vận hành 3 tổ công tác về mặt bằng, dự án vốn lớn và ODA.

Giám sát chuyên đề ngay trong tháng 3

Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ cho biết, theo kế hoạch, ngay trong tháng 3/2023, đoàn giám sát của HĐND thành phố sẽ giám sát trực tiếp đối với UBND thành phố và một số sở, ban, ngành, quận, huyện, như Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông, UBND quận 6, quận 8, Bình Tân, huyện Cần Giờ... Còn lại đoàn sẽ giám sát thông qua báo cáo.

TP. Hồ Chí Minh: Nhiều giải pháp mới đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công
Cắm mốc lộ giới đường vành đai 3 TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Sơn Nam

Theo lộ trình, trong tháng 3, đoàn sẽ khảo sát thực tế ở một số dự án. Từ ngày 4/4 đến 21/5, đoàn giám sát trực tiếp tại các đơn vị. Kết quả giám sát sẽ được trình HĐND TP. Hồ Chí Minh giám sát tại kỳ họp thường lệ giữa năm 2023.

“Thông qua giám sát, đoàn sẽ đánh giá kết quả đạt được, những hạn chế, bất cập và nguyên nhân trong việc thực hiện công tác đầu tư công trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh. Từ đó, đề xuất những giải pháp nhằm thực hiện có hiệu quả công tác đầu tư công trên địa bàn” - bà Lệ thông tin.

Bà Lệ cũng cho biết, trước tình hình đó, tại kỳ họp cuối năm 2022, HĐND thành phố đã ban hành chương trình giám sát, với hai chương trình nóng là đầu tư công và xây dựng nhà ở xã hội. Do vậy, công tác giám sát cần trọng tâm trọng điểm đúng kế hoạch đề ra. Đồng thời, đánh giá sâu, kỹ tình hình đầu tư công trung hạn, tập trung làm rõ thuận lợi khó khăn vướng mắc, nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan, từ đó đề xuất giải pháp, cơ chế để TP. Hồ Chí Minh tổ chức công tác đầu tư công hiệu quả trong giai đoạn quan trọng này.

Chủ tịch HĐND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ cho biết, việc giám sát này cũng là góp phần thúc đẩy công tác đầu tư công đạt yêu cầu của Thủ tướng và Nghị quyết của Đảng bộ các cấp đã đề ra. Đây cũng là một trong những nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, chỉ đạo quyết liệt. Với TP. Hồ Chí Minh, Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh đã tập trung chỉ đạo từ năm 2022, thậm chí đưa vào thang điểm thi đua, điều này cho thấy tầm quan trọng của nhiệm vụ triển khai đầu tư công trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh trong năm 2023.