Cụ thể, văn bản chỉ đạo về chấn chỉnh, tăng cường quản lý tạm ứng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước do Chủ tịch Phan Văn Mãi vừa ký ban hành nêu rõ, các sở, ban ngành, UBND các quận, huyện và TP. Thủ Đức căn cứ quy định pháp luật cần theo dõi, tổng hợp, chỉ đạo trực tiếp các chủ đầu tư thực hiện đúng quy định về quản lý, tạm ứng vốn đầu tư công nguồn ngân sách nhà nước trong phạm vi kế hoạch vốn được giao.
Dự án cải tạo rạch Xuyên Tâm sắp được TP. Hồ Chí Minh khởi công ngay trong năm 2024. Ảnh: Việt Dũng. |
Cùng với đó, các sở ngành, địa phương thực hiện kiểm tra định kỳ, đột xuất để chấn chỉnh và xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện của chủ đầu tư; thường xuyên rà soát, đôn đốc, chỉ đạo kiểm tra việc tạm ứng hợp đồng, tạm ứng theo dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt nhằm kịp thời phát hiện và có biện pháp xử lý, chế tài phù hợp đối với việc sử dụng vốn tạm ứng không đúng quy định.
Trong đó, đối với các dự án đã tạm ngừng thực hiện, cần yêu cầu các chủ đầu tư xác định rõ dự án có được tiếp tục thực hiện hay dừng thực hiện vĩnh viễn theo quy định (Nghị định số 99/2021/NĐ-CP ngày 11/11/2021 của Chính phủ); xác định trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan để xảy ra tình trạng dự án đã ngừng thực hiện từ nhiều năm nhưng chưa thu hồi hết số vốn đã tạm ứng; đồng thời, thực hiện các biện pháp nhằm thu hồi hết số vốn đã tạm ứng và tất toán tài khoản tại kho bạc nhà nước theo quy định.
Đối với các dự án đang thực hiện đã có khối lượng hoàn thành, đủ điều kiện chuyển sang thanh toán, khẩn trương nghiệm thu khối lượng hoàn thành, hoàn tất thủ tục thanh toán với kho bạc nhà nước thành phố; trường hợp không đủ điều kiện thanh toán phải thu hồi hết số vốn đã tạm ứng quá hạn.
Tăng cường quản lý tạm ứng vốn đầu tư công sẽ giúp thúc đẩy tiến độ dự án từ nguồn ngân sách nhà nước tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Đỗ Doãn |
Trường hợp người quyết định đầu tư quyết định mức tạm ứng cao hơn 30% giá trị hợp đồng theo quy định, căn cứ vào tiến độ thực hiện khối lượng của hợp đồng, khả năng thu hồi vốn tạm ứng của dự án, đánh giá rõ lý do, sự cần thiết mới tăng tỷ lệ tạm ứng và chịu trách nhiệm toàn diện về quyết định của mình.
Các chủ đầu tư, ban quản lý dự án có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định về việc tạm ứng vốn gồm: mức vốn tạm ứng, thời điểm tạm ứng, thời điểm và mức thu hồi tạm ứng từng lần, được ghi cụ thể trong hợp đồng, phù hợp với tiến độ đầu tư dự án, tiến độ thực hiện hợp đồng và khối lượng thực hiện theo từng năm; mức vốn tạm ứng và số lần tạm ứng phải được phân định cụ thể theo từng năm phù hợp với tiến độ thực hiện hợp đồng trong năm tương ứng.
Đối với công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, mức vốn tạm ứng tối đa không vượt phương án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và không vượt quá kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn và hang năm.
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu các sở, ban ngành, UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức rà soát các quy định liên quan tạm ứng vốn trong hợp đồng đã ký và đang triển khai, đảm bảo đúng quy định pháp luật về quản lý, tạm ứng hợp đồng (thủ tục bảo lãnh tạm ứng, điều khoản của bảo lãnh tạm ứng; điều khoản thu hồi tạm ứng...); quản lý chặt chẽ, hiệu quả, sử dụng vốn tạm ứng đúng mục đích, đúng đối tượng theo quy định của hợp đồng; Đồng thời, các sở, ban, ngành, quận/huyện theo dõi sát thời gian hiệu lực bảo lãnh tạm ứng của tổ chức tín dụng để đảm bảo thời gian có hiệu lực của bảo lãnh tạm ứng hợp đồng phải được kéo dài cho đến khi chủ đầu tư đã thu hồi hết số tiền tạm ứng. |