TP. Hồ Chí Minh tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công
Quang cảnh hội nghị về giải ngân vốn đầu tư công tại KBNN TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Sơn Nam

Nhiều khó khăn thách thức

Năm 2023, Thủ tướng Chính phủ đã giao kế hoạch vốn đầu tư công cho TP. Hồ Chí Minh là 70.518 tỷ đồng, tăng 30% so với kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 được Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 54% so với kế hoạch được UBND TP. Hồ Chí Minh phân bổ năm 2022.

Đến hết ngày 21/5/2023, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ban hành 4 quyết định giao vốn đầu tư công năm 2023 với tổng giá trị 68.490,57 tỷ đồng, đạt 97% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao.

Tính đến 21/5/2023, KBNN TP. Hồ Chí Minh đã giải ngân là 8.452,4 tỷ đồng; tỷ lệ giải ngân đạt 12,3% so với tổng kế hoạch vốn được UBND TP. Hồ Chí Minh triển khai giao. Trong đó còn 34 chủ đầu tư chưa thực hiện giải ngân vốn.

Một số dự án vướng giải phóng mặt bằng do người dân chưa đồng thuận với phương án bồi thường tái định cư, nhất là về giá bồi thường giải phóng mặt bằng dẫn đến hệ quả nhiều dự án phải ngưng thực hiện, tổ chức điều chỉnh tổng mức đầu tư hay điều chỉnh thời gian thực hiện dự án… dẫn đến việc không thể giải ngân theo tiến độ theo dự án ban đầu được duyệt.

Tỷ lệ giải ngân của thành phố đạt được chủ yếu đến từ công tác giải ngân bồi thường dự án đường vành đai 3, tuy nhiên vẫn thấp hơn tỷ lệ giải ngân trung bình của cả nước (tính đến 30/4/2023 là 14,66% kế hoạch).

Bên cạnh một số nguyên nhân khách quan, một phần do độ trễ trong tái khởi động các dự án sau thời gian dài giãn cách để ứng phó với tình hình dịch bệnh nghiêm trọng tại thành phố từ năm 2020, một phần do tác động của tình hình thế giới đã làm cho giá nhiên liệu trên thế giới và trong nước tăng cao, tác động đến giá cước vận tải, giá nguyên vật liệu, do đó nhà thầu có tâm lý thi công cầm chừng, chờ điều chỉnh giá, chờ giá vật tư giảm… đã làm ảnh hưởng đáng kể đến tiến độ và kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công của thành phố.

Ngoài yếu tố khách quan trên, trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch vốn vẫn còn tình trạng chủ quan như: Việc dự báo, xây dựng, thẩm định, phân bổ kế hoạch vốn đầu tư chưa sát với nhu cầu thực tế dẫn đến phải thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn, làm ảnh hưởng đến những dự án có khả năng thực hiện, đáp ứng nhu cầu giải ngân nhưng không được bố trí đầy đủ, kịp thời kế hoạch vốn.

Vẫn còn tình trạng chủ đầu tư chưa thực hiện nghiêm việc lập thủ tục thanh toán cho dự án trong thời hạn 4 ngày kể từ ngày có khối lượng được nghiệm thu theo chỉ đạo của UBND TP. Hồ Chí Minh, ảnh hưởng đến cam kết thực hiện hợp đồng, tiến độ thực hiện dự án dẫn đến phải điều chỉnh gia hạn hợp đồng, dự án nhiều lần.

Bên cạnh đó còn có trách nhiệm của các chủ đầu tư, ban quản lý, nhà thầu còn tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm nên chưa thật sự quyết liệt trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thi công vì do cùng một cơ chế, chính sách tại địa bàn, nhưng có đơn vị, chủ đầu tư có biện pháp điều hành phù hợp nên công tác giải ngân vốn đạt tỷ lệ cao. Vẫn còn không ít chủ đầu tư có tỷ lệ giải ngân thấp, thậm chí một số dự án chưa thực hiện giải ngân.

Mục tiêu đạt 95% vẫn có thể thực hiện

Tại hội nghị, ý kiến của đại diện các sở, ngành liên quan và các chủ đầu tư cũng cho rằng, để đạt được chỉ tiêu giải ngân năm 2023 đạt mức 95% là thử thách và đặt ra yêu cầu cấp thiết. Nhiều giải pháp, cách làm mới quyết liệt hơn đã được các bên liên quan thống nhất triển khai.

Riêng vấn đề đền bù giải phóng mặt bằng phải thực hiện theo cách làm “kiểu mẫu” của dự án đường vành đai 3 đang triển khai. Phải làm cuốn chiếu theo phương châm, khi người dân đồng thuận, đồng ý nhận tiền bồi thường sẽ chuyển khoản trực tiếp cho người thụ hưởng, không qua trung gian.

TP. Hồ Chí Minh tăng tốc giải ngân vốn đầu tư công

Làm thủ tục đền bù giải phóng mặt bằng cho người dân bị thu hồi đất đường vành đai 3, TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Sơn Nam

Để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Giám đốc KBNN TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Hoàng Hải khẳng định: KBNN kiên quyết không để hồ sơ dự án bị trả lại nhiều lần, không để trễ hạn sau 48 tiếng khi có hồ sơ có đủ điều kiện thanh toán chuyển về KBNN.

Đặc biệt phải chuyển khoản ngay cho người dân khi họ đồng ý nhận tiền bồi thường đền bù giải phóng mặt bằng. KBNN không cấp tiền, chuyển khoản một cục qua ngân hàng cho ban đền bù giải phóng mặt bằng rồi mời dân lên nhận tiền như trước đây.

“KBNN luôn quan tâm tiến độ thực hiện của 6 nhóm dự án được phân loại như: Nhóm dự án hoàn thành được phê duyệt quyết toán; nhóm dự án đã hoàn thành đang thực hiện quyết toán; nhóm dự án có khả năng hoàn thành năm 2023; nhóm dự án chuyển tiếp (hoàn thành sau năm 2023); nhóm dự án khởi công mới; nhóm dự án chuẩn bị đầu tư… để có biện pháp đôn đốc triển khai phù hợp nhằm báo cáo, đề xuất, kiến nghị đến các cơ quan quản lý liên quan có biện pháp tham gia, tháo gỡ vướng mắc theo từng nhóm dự án”- ông Hải nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hải, hiện nay 100% thủ tục kiểm soát thanh toán vốn đầu tư công qua KBNN TP. Hồ Chí Minh rất rõ ràng, dễ thực hiện được tiếp nhận xử lý qua hệ thống dịch vụ công trực tuyến KBNN ở mức độ 4 (trừ lĩnh vực thuộc phạm vi bí mật nhà nước).

Chủ đầu tư tiếp tục duy trì và đẩy mạnh thực hiện các nghiệp vụ liên quan đến KBNN trên Cổng dịch vụ công trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống KBNN. Chủ đầu tư chủ động khai thác trên ứng dụng cảnh báo rủi ro của KBNN để nắm thông tin về tình hình bố trí kế hoạch vốn và giải ngân vốn để chủ động điều hành công việc.

Ông Hải cho biết, thời gian tới KBNN tiếp tục xây dựng hệ thống chỉ tiêu thi đua nội bộ, trong đó trách nhiệm công vụ của công chức KBNN TP. Hồ Chí Minh giải quyết hồ sơ đúng hạn, đúng quy định là chỉ tiêu được chú trọng để tiếp tục nâng cao chất lượng phục vụ khách hàng, tạo tính minh bạch trong quản lý, động lực thi đua và tăng năng suất lao động.

Đồng thời tiếp tục phân cấp, giao nhiệm vụ đến KBNN Thủ Đức và các quận, huyện trực thuộc, thực hiện kiểm soát các dự án của chủ đầu tư đóng trên địa bàn, nhằm tạo điều kiện chủ động, thuận lợi cho các chủ đầu tư và theo chủ trương thống nhất đầu mối kiểm soát thanh toán các khoản chi tại hệ thống KBNN TP. Hồ Chí Minh.

KBNN yêu cầu chủ đầu tư cần thực hiện tạm ứng, nghiệm thu, thanh toán, thu hồi tạm ứng vốn đầu tư theo đúng quy định. Chủ đầu tư cần chủ động gửi hồ sơ pháp lý dự án đến KBNN TP. Hồ Chí Minh ngay khi phát sinh, không chờ đến khi có nhu cầu tạm ứng, thanh toán mới gửi hồ sơ đến kho bạc để rút ngắn thời gian khi thực hiện kiểm soát hồ sơ thanh toán.

Đại diện các đơn vị, sở ngành liên quan cũng thống nhất các sở ngành, địa phương tham gia các tổ công tác về giải ngân vốn đầu tư công thường xuyên, trực tiếp xuống cơ sở kiểm tra, đôn đốc các địa phương có dự án, các chủ đầu tư giải quyết các vấn đề nảy sinh, vướng mắc ngay từ cơ sở.

Chủ động phối hợp kiểm tra, giám sát tiến độ giải ngân

Trong quá trình thực hiện, các đơn vị, địa phương cần chủ động phối hợp, kiểm tra, giám sát việc triển khai các dự án đầu tư công của chủ đầu tư theo lĩnh vực phụ trách. Theo dõi tiến độ triển khai cụ thể từng dự án theo kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công định kỳ mà chủ đầu tư đã ban hành và chủ trì giải quyết các khó khăn vướng mắc của các dự án trong lĩnh vực quản lý, đặc biệt các dự án có tỷ lệ giải ngân thấp đánh giá lại tiến độ, kịp thời điều chuyển số vốn không có khả năng giải ngân sang các dự án có khả năng giải ngân cao, dự án đã quyết toán hoàn thành, đã hoàn thành nhưng còn thiếu vốn.