Tại lễ trao giải, nhà thơ Trần Đăng Khoa - Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam cho biết, chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn sau khi phát động cuộc thi, đã có gần 1.000 tác phẩm, đủ các thể loại, bao gồm: tiểu thuyết, truyện ngắn, bút ký, ký sự, thơ, trường ca… của 43 tác giả, tác phẩm; trong đó có 18 tập thơ và 20 tập văn xuôi đã được trao giải thưởng.

Về cơ cấu giải thưởng, giải chính thức ở phần văn xuôi có 3 giải nhất, 6 giải nhì, 5 giải ba, 6 giải tư. Phần thơ không có giải nhất, có 2 giải nhì, 11 giải ba và 5 giải tư.

Nhà thơ Trần Đăng Khoa cho rằng, 38 tác phẩm được giải là một bức tranh thu nhỏ của Cách mạng Việt Nam trong giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc. Trong đó, có nhiều sự kiện lịch sử như các vụ thảm sát đầu độc của Mỹ Diệm từ năm 1959 – 1964, Cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Mùa xuân năm 1968 trên các chiến trường miền Nam, 12 ngày đêm trong trận Điện Biên Phủ…

“Chúng tôi hy vọng rằng, những tác phẩm được tôn vinh và trao thưởng lần này sẽ đến tay bạn đọc đông đảo trong cả nước, nhắc nhở chúng ta sống và làm việc xứng đáng hơn với quá khứ”, nhà thơ Trần Đăng Khoa chia sẻ.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung, các tác phẩm văn học nghệ thuật viết về đề tài TB, LS được trao thưởng lần này được xét chọn trải dài suốt 70 năm (từ năm 1947 đến năm 2017). Rất nhiều tác phẩm văn học tạo dấu ấn lớn trong lòng bạn đọc, đi cùng năm tháng, gắn bó với nhiều thế hệ người Việt Nam...

“Có thể khẳng định, hai cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc Việt Nam luôn là đề tài được các văn nghệ sỹ quan tâm, tìm tòi và thể hiện qua các tác phẩm. Tất cả đều nhằm tôn vinh sự hy sinh cao cả, lòng biết ơn các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh cả tuổi thanh xuân để đất nước được hòa bình, thống nhất, độc lập tự do” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói./.

Mai Đan