Triển vọng nào cho nhóm cổ phiếu ngành thép?
Nguồn: Hiệp hội Thép Việt Nam. Đồ họa: Phương Anh

Doanh nghiệp đặt mục tiêu lạc quan

Một trong những nội dung được nhà đầu tư quan tâm trước mùa đại hội cổ đông năm nay là kết quả kinh doanh năm 2023, cũng như kế hoạch kinh doanh của các doanh nghiệp năm 2024. Đi qua năm 2023 với nhiều khó khăn, thách thức do nhu cầu tiêu thụ và giá thép xây dựng nội địa suy giảm, nhiều doanh nghiệp thép xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2024 tăng trưởng mạnh.

Định giá cổ phiếu đã ở mức cao

Theo các chuyên gia, giá cổ phiếu thép hiện đã được định giá ở mức cao, phần nào phản ánh triển vọng lợi nhuận 1 năm của ngành, với P/E dự phóng một năm dao động trong khoảng 15x-17x, vượt mức trung bình lịch sử khoảng 10x. Giá cổ phiếu thép thường được định giá cao ở thời kỳ đáy lợi nhuận. Ngoài ra, cổ phiếu thép cũng được ưa chuộng trong những năm gần đây khi được coi là cổ phiếu có mức độ biến động cao.

Theo đó, Công ty cổ phần Tập đoàn Hòa Phát vừa công bố kế hoạch kinh doanh của năm 2024 với mục tiêu 140.000 tỷ đồng doanh thu và 10.000 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 18% và 47% so với thực hiện năm 2023.

Về tình hình sản xuất và bán hàng 2 tháng đầu năm 2024, Hòa Phát cho biết, đã sản xuất 1,38 triệu tấn thép thô, tăng 71% so với cùng kỳ năm 2023. Bán hàng các sản phẩm thép HRC, thép xây dựng, thép chất lượng cao, phôi thép đạt 1,15 triệu tấn, tăng 32% so với cùng kỳ 2023.

Một doanh nghiệp lớn khác trong ngành thép là Công ty cổ phần Tập đoàn Hoa Sen cũng dự kiến lợi nhuận niên độ tài chính 2023 - 2024 (từ ngày 1/10/2023 đến ngày 30/9/2024) tăng trưởng mạnh so với niên độ trước.

Cụ thể, Hoa Sen đưa ra hai kịch bản kinh doanh. Với kịch bản 1, sản lượng tiêu thụ đạt 1.625 nghìn tấn, tăng 13,3% so với niên độ trước; doanh thu dự kiến 34.000 tỷ đồng, tăng 7,4% và lợi nhuận sau thuế dự kiến 400 tỷ đồng, tăng 12,33 lần. Ở kịch bản 2 thuận lợi hơn, tổng sản lượng tiêu thụ ước tính 1.730 nghìn tấn, tăng 20,7% so với niên độ trước, doanh thu ước tính 36.000 tỷ đồng, tăng 13,7% và lợi nhuận sau thuế dự kiến 500 tỷ đồng, tăng 15,67 lần.

Trong khi đó, Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại SMC mới đây công bố mục tiêu lãi ròng 80 tỷ đồng trong năm 2024, tương ứng với sản lượng tiêu thụ 900.000 tấn thép các loại.

Theo báo cáo của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), tiêu thụ thép trong năm 2024 dự kiến tăng 6,4%, lên gần 21,6 triệu tấn. Trong đó, xuất khẩu thép thành phẩm và bán thành phẩm tăng 12%, lên gần 13 triệu tấn. Mục tiêu này được đưa ra dựa trên kỳ vọng GDP của Việt Nam sẽ tăng 6 - 6,5% trong năm nay.

Là ngành mang tính chất chu kỳ, kết quả kinh doanh và thị giá cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành thép chịu nhiều ảnh hưởng từ bối cảnh vĩ mô trong nước và quốc tế. Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo, năm 2024, bức tranh tài chính của các doanh nghiệp thép Việt sẽ sáng sủa hơn. Triển vọng hồi phục rõ ràng đến từ thị trường thép xây dựng nội địa, đồng thời giá thép điều chỉnh tăng cũng giúp cải thiện biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp thép.

Kỳ vọng sẽ sớm phục hồi

Còn các chuyên gia phân tích MBS Research cho rằng, giá thép xây dựng nội địa năm 2024 dự báo sẽ phục hồi lên mức 15 triệu đồng/tấn (tăng 8% so với năm ngoái) nhờ đà tăng giá thép thế giới và nhu cầu ấm lên ở thị trường Việt Nam.

Hàng loạt chính sách hỗ trợ từ Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước kỳ vọng sẽ giúp thị trường bất động sản phục hồi từ giữa năm 2024, nguồn cung căn hộ dự kiến tăng trưởng 20% sẽ đẩy mạnh nhu cầu và tác động tích cực đến giá thép nội địa.

Giá nguyên liệu than và quặng dự kiến giảm nhẹ 7% và 6% so với năm ngoái trong bối cảnh nguồn cung ổn định và nhu cầu sản xuất thép thô của Trung Quốc sụt giảm, cũng tạo lợi thế cho doanh nghiệp sản xuất thép. Giá bán kỳ vọng hồi phục và giá nguyên liệu hạ nhiệt sẽ thúc đẩy biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp trong ngành.

Triển vọng nào cho nhóm cổ phiếu ngành thép?
Ảnh minh họa

Đối với thị trường xuất khẩu, nhu cầu phục hồi tại châu Âu và Mỹ tác động tích cực đến sản lượng và giá tôn mạ xuất khẩu, giá thép xuất khẩu dự kiến tăng 9% so với năm ngoái, cũng là một điểm cộng cải thiện biên lợi nhuận gộp các doanh nghiệp thép năm 2024.

Đánh giá về tiềm năng và triển vọng của nhóm ngành thép, ông Trần Trương Mạnh Hiếu - Trưởng phòng phân tích Chiến lược Công ty cổ phần Chứng khoán KIS Việt Nam cho rằng, nhóm ngành thép đang được kỳ vọng sẽ phục hồi trong giai đoạn tới với câu chuyện liên quan đến sự phục hồi từ nhu cầu.

Cụ thể, nhu cầu từ thị trường thế giới về thép đang tăng trở lại cùng với sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu. Bên cạnh đó, các dự án hạ tầng trong nước đang được triển khai cũng làm nhu cầu sử dụng nguyên vật liệu xây dựng trong đó có thép cũng gia tăng. Vì thế, nhóm này có thể phục hồi trong năm 2024.

Theo chuyên gia này, nguồn cung và nhu cầu về nhà ở gia tăng sẽ kéo theo nhu cầu về thép và giá thép gia tăng. Bên cạnh đó, lãi suất cho vay ở mức thấp giúp các doanh nghiệp ngành thép vốn có tỷ lệ đòn bẩy cao giảm áp lực chi phí lãi vay, cải thiện biên lợi nhuận.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Ngọc Nam - Trưởng phòng Tư vấn đầu tư - Khách hàng cao cấp, Chứng khoán JB Việt Nam kỳ vọng, nhóm ngành thép sẽ là ngành hồi phục ấn tượng nhất năm 2024. Tuy nhìn về lợi nhuận có lẽ không đạt mạnh như 2021, nhưng kỳ vọng phục hồi rất lớn, phần lớn đến từ biến động của giá thép hồi phục. Đi kèm đó là sự hưởng lợi từ câu chuyện đầu tư công tăng mạnh năm 2023 và còn mạnh nữa trong năm 2024./.